Gen Z - thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại số hóa, đang định hình lại những chuẩn mực về tình yêu, hôn nhân và cả cách kết nối con người.
Dù được cho là thế hệ dễ tiếp cận và phụ thuộc vào công nghệ, nhưng thực tế cho thấy, chính những ứng dụng hẹn hò từng bùng nổ lại đang dần mất đi sức hút trong mắt giới trẻ.
Theo báo cáo của Ofcom (Anh) công bố năm 2024, các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, Hinge và Bumble đều ghi nhận sự sụt giảm người dùng đáng kể chỉ trong một năm: Tinder mất 594.000 người dùng, Hinge giảm 131.000, còn Bumble giảm 368.000.
Kết quả này không chỉ phản ánh xu hướng thoái trào của các nền tảng kết nối ảo, mà còn cho thấy một sự dịch chuyển trong cách Gen Z nhìn nhận về mối quan hệ.
Theo khảo sát của Forbes Health thực hiện năm 2024 trên 1.000 người Mỹ, hơn 75% Gen Z cảm thấy kiệt sức vì các ứng dụng hẹn hò. Họ phàn nàn rằng chúng tiêu tốn quá nhiều thời gian và không giúp tạo nên những kết nối ý nghĩa. Tình trạng này kéo dài dẫn đến cảm giác cô đơn trầm trọng trong một bộ phận lớn giới trẻ.
 |
Ứng dụng hẹn hò đánh mất niềm tin của Gen Z (Ảnh minh hoạ: Getty Images). |
Không chỉ ở quy mô toàn cầu, khảo sát mới nhất từ Hinge tại Anh vào tháng 3/2025 cũng khẳng định 85% Gen Z Anh từng trải qua cảm giác cô đơn; hơn một nửa những người trẻ có thu nhập thấp còn rơi vào tình trạng cô đơn nghiêm trọng.
Một trong những rào cản lớn khiến Gen Z ngần ngại gặp gỡ trực tiếp là chi phí và sự lo âu xã hội. Trên 67% người được khảo sát thừa nhận họ thấy lo lắng khi phải kết nối ngoài đời thật. Để khắc phục tình trạng này, các nền tảng như Hinge đã bắt đầu chuyển hướng sang tổ chức các sự kiện kết nối đời thực thông qua chương trình “One More Hour”, nhằm giúp giới trẻ thoát khỏi sự cô lập và xây dựng cộng đồng.
Theo bà Jackie Jantos, Giám đốc marketing của Hinge, phần lớn Gen Z đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ giữa đại dịch COVID-19, trong sự cách ly và phụ thuộc vào công nghệ. Điều đó khiến “kỹ năng xã hội của họ như một cơ bắp bị teo nhỏ”. Ngoài ra, sự suy giảm các không gian giao tiếp xã hội cùng với xu hướng làm việc và học tập từ xa càng khiến Gen Z gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ bền vững.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cũng cho thấy Gen Z không quá mặn mà với những mối quan hệ hời hợt. Trái với định kiến về một thế hệ “mở” và sống buông thả, Gen Z đang trở nên bảo thủ hơn trong chuyện giường chiếu. Theo khảo sát năm 2025 của The Times và YouGov, chỉ 23% Gen Z từng có trải nghiệm “tình một đêm”, thấp hơn nhiều so với con số 78% ở thế hệ millennials vào năm 2004. Khoảng 62% Gen Z nói rằng họ và bạn bè không có thói quen quan hệ tình dục trong lần hẹn đầu tiên.
Tỷ lệ các bạn trẻ xem hôn nhân là “lạc hậu” chỉ ở mức 21%, giảm đáng kể so với 39% của thế hệ Millennials hai thập niên trước. Thậm chí, có tới 93% Gen Z được khảo sát bởi Her Campus Media năm 2024 cho biết họ vẫn tin vào giá trị của hôn nhân và mong muốn có một gia đình.
Điều thú vị là trong khi Gen Z dè dặt hơn trong tình dục, họ lại tỏ ra nghiêm túc hơn với mối quan hệ dài lâu. Dù từng được gắn mác là thế hệ “sống vội”, nhiều bạn trẻ ngày nay lại muốn tìm kiếm “tri kỷ” hoặc một mối quan hệ có chiều sâu. Nhiều người trong số họ cho rằng tình yêu, nếu có, phải dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thay vì chạy theo các vai trò giới truyền thống hay mục tiêu kinh tế.
Nhà tâm lý học Lauren Napolitano nhận định trên Newsweek: "Gen Z đang lãng mạn hóa hôn nhân, một phần vì họ còn trẻ, một phần vì họ đã trải qua giai đoạn phát triển đầy cô lập, điều khiến họ khao khát một mối quan hệ gắn bó thực sự".
Song song với đó, số lượng người trẻ sống độc thân đang tăng nhanh. Một nghiên cứu của Coupon Birds cho thấy 46% Gen Z tại Mỹ không có người yêu - con số này cao hơn đáng kể so với 28% ở millennials, 26% ở Gen X và chỉ 22% ở baby boomers. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ “ế”. Theo ông Bryan Driscoll, chuyên gia về tư vấn nhân sự, Gen Z chọn độc thân vì muốn tập trung vào bản thân, sự nghiệp và tài chính, thay vì cảm thấy bị áp lực bởi khuôn mẫu “phải có đôi có cặp” như thế hệ đi trước. Trong một khảo sát của Tinder, 81% người trẻ khẳng định sống độc thân giúp họ có thêm thời gian chăm sóc sức khỏe, theo đuổi đam mê và duy trì các mối quan hệ bạn bè.
Ở góc độ xã hội học, sự thay đổi của Gen Z cho thấy một chuyển dịch văn hóa sâu rộng. Khi hôn nhân không còn là tiêu chuẩn thành công của đời người, giới trẻ đang mở ra những mô hình sống mới. Dù lựa chọn sống một mình hay kết hôn, điều đáng ghi nhận là Gen Z đang đi tìm sự chân thành và lành mạnh trong kết nối - điều mà công nghệ hay xã hội hiện đại chưa chắc đã dễ dàng trao cho họ. Và trong hành trình đó, họ chọn bước chậm lại, để hiểu mình và hiểu người, hơn là chạy theo một khuôn mẫu đã lỗi thời.
Nhật Thành