Gen Z Mỹ rẽ hướng khỏi giấc mơ đại học để chọn công việc chân tay

22/05/2025 - 14:56

PNO - Ngày càng nhiều người trẻ Mỹ từ bỏ đại học để theo đuổi nghề tay chân, phản ánh sự thay đổi sâu sắc về giá trị thật sự của thành công.

Hai năm trước, Zechariah Osburn - một học sinh trung học tại Virginia (Mỹ) - ngồi vào bàn máy tính, mở đơn đăng ký vào đại học theo mẫu chuẩn Common App. Việc đến trường, ngồi học cả ngày chẳng khiến cậu hứng thú, nhưng với thành tích học tập tốt và sự kỳ vọng từ gia đình, đại học tưởng như là con đường mặc định phải đi. Thế nhưng, giữa năm cuối trung học, khi đang loay hoay điền đơn, cậu quyết định gác lại mọi thứ.

Cậu không rõ mình muốn làm nghề gì, cũng không đủ tiền để vào đại học. Thay vì vay nợ sinh viên rồi mất vài năm tiệc tùng và “tìm chính mình”, Osburn chọn phát triển công việc làm vườn đang làm thêm thành một doanh nghiệp chính thức.

Ở tuổi 20, cậu sở hữu Z’s Exterior Services - cung cấp các dịch vụ cắt cỏ, dọn vườn, rửa áp lực… ở miền bắc bang Virginia, tuyển được cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, và đang mở rộng quy mô.

“Tôi không đam mê bón phân hay cắt cỏ, nhưng tôi thích điều hành một công việc mình gây dựng. Làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu. Điều đó rất rõ ràng” - Osburn nói.

Không riêng Osburn, ngày càng nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z đang đặt dấu hỏi về giá trị của tấm bằng đại học. Họ chứng kiến học phí tăng chóng mặt, nợ vay sinh viên chất chồng trong khi thị trường việc làm "cổ cồn trắng" (thuật ngữ chỉ dân văn phòng - PV) ngày một bất ổn.

Thống kê của Experian cho biết, một người Gen Z trung bình đang gánh khoản nợ sinh viên lên đến 23.000 USD. Áp lực tài chính ngày càng tăng, trong khi những điều mà họ mong muốn: cân bằng cuộc sống, ổn định tài chính, tự làm chủ – lại dần biến mất trong môi trường văn phòng.

Theo khảo sát của Gallup năm 2023, chỉ 36% người Mỹ vẫn còn “rất tin tưởng” vào hệ thống giáo dục đại học - giảm mạnh so với mức 57% hồi 2015. Một nghiên cứu của Pew năm 2024 cho thấy, chỉ 22% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng việc vào đại học là đáng giá nếu phải vay tiền. Thậm chí, theo khảo sát của Indeed năm 2025, Gen Z là thế hệ cảm thấy việc học đại học tốn thời gian và tiền bạc nhất.

GenZ không hứng thú với học đại học bằng các công việc chân tay có thu nhập tốt. (Ảnh: Business Insider).
GenZ không hứng thú với học đại học bằng các công việc chân tay có thu nhập tốt. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Trong bối cảnh đó, những công việc tay nghề - vốn từng bị xem nhẹ, đang trở thành “ốc đảo” hấp dẫn. Các ngành như xây dựng, điện nước, cơ khí, vận tải hay năng lượng tái tạo đang cần lao động và trả lương ổn định, thậm chí có thể lên đến sáu con số mỗi năm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu của National Student Clearinghouse, tỉ lệ sinh viên học tại các trường cao đẳng hai năm (community college) theo hướng nghề nghiệp đã tăng từ 15% (năm 2019) lên gần 20% (năm 2024). Trong khi đó, các nghề như kỹ thuật viên tuabin gió, thợ lắp đặt pin mặt trời, chuyên viên phân tích dữ liệu hay an ninh mạng được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, lựa chọn con đường này không dễ. Trong khảo sát năm 2023 của Jobber, 74% học sinh trung học Mỹ cho biết vẫn có định kiến rằng học nghề là con đường “thất bại”, và chỉ 5% nói rằng bố mẹ khuyến khích họ theo học nghề thay vì đại học. Hệ thống giáo dục và xã hội đã mặc định rằng thành công gắn liền với giảng đường, vô hình trung tạo ra một áp lực lên giới trẻ, buộc họ phải chạy theo con đường “chuẩn hóa” dù không phù hợp.

Nhưng mạng xã hội đang góp phần làm thay đổi tư duy ấy. Trên TikTok, Instagram hay YouTube, các video “một ngày làm việc” của thợ điện, thợ ống nước, người làm vườn, sửa máy lạnh… đang thu hút hàng triệu lượt xem. Chính Osburn từng học cách khởi nghiệp qua những video như thế. Giờ đây, anh có hơn 45.000 người theo dõi trên Instagram, nơi anh chia sẻ hành trình điều hành doanh nghiệp của mình.

Một thợ điện khác - Lexi Abreu - sở hữu 200.000 lượt theo dõi trên YouTube, nơi cô không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn kể những câu chuyện hài hước về phụ nữ làm nghề trong môi trường nam giới thống trị.

Bên cạnh đó, Gen Z cũng biết tận dụng công nghệ để vận hành công việc hiệu quả hơn. Các công cụ như ChatGPT giúp họ soạn email, sắp lịch, chăm sóc khách hàng… mà không cần thuê nhân sự. Không ít người trẻ chọn tự kinh doanh, sử dụng AI như trợ lý cá nhân, trái ngược hẳn với viễn cảnh AI đang cướp mất cơ hội việc làm ở các văn phòng.

Ryan Daniels, 22 tuổi, cũng từng bỏ đại học sau năm nhất để toàn tâm với công việc rửa xe áp lực cao. “Nhiều người sốc khi tôi bỏ học, nhưng giờ tôi có thể trả lương cho 3 nhân viên” - anh nói.

Trung bình, một công việc mới vào ngành xây dựng có thể bắt đầu với mức lương 19 USD/giờ, và lên đến 45 USD ở vị trí dày dạn kinh nghiệm. Trong khi đó, thợ điện và thợ ống nước có thể kiếm được khoảng 29 USD/giờ, cao hơn mặt bằng chung.

Tất nhiên, bằng đại học vẫn là tấm vé giá trị trong nhiều lĩnh vực. Mức thu nhập trung bình của sinh viên mới tốt nghiệp năm 2024 là 60.000 USD/năm, so với 40.000 USD ở người chỉ học hết phổ thông. Chênh lệch đó có thể lớn dần theo thời gian khi họ tiến thân trong sự nghiệp. Nhưng, xu hướng “trở về với nghề tay chân” rõ ràng đang gia tăng.

Nhật Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI