Gặp lại ba ở bảo tàng

11/12/2022 - 21:08

PNO - Ba tôi đã trao chiếc máy ảnh mà ông yêu quý hơn tất thảy những vật dụng ông có cho các anh chị nhân viên Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

“Đây là kỷ vật quý giá của cuộc đời tôi, mong các anh chị giữ gìn, bảo quản cẩn thận”. Ba tôi rưng rưng xúc động trao chiếc máy ảnh mà ông yêu quý hơn tất thảy những vật dụng ông có cho các anh chị nhân viên Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Hà Nội). 

Mấy hôm trước đó, ba đặt chiếc máy ảnh cũ ở đầu bàn rồi ngắm nhìn rất lâu. Từ khóe mắt già nua của ba, những giọt nước mắt lăn xuống. Tôi lẳng lặng đi vào phòng vì không muốn ba biết sự xuất hiện của tôi.

Vào khoảng năm 1970, ba tôi đã dùng loại máy ảnh Canon “xịn sò” này
Vào khoảng năm 1970, ba tôi đã dùng loại máy ảnh Canon “xịn sò” này

 

Ba tôi là 1 nhiếp ảnh gia. Con đường đưa ông đến với nghề chính là sự đam mê. Ba kể: Ngày đó nhà ông bà nội tôi nghèo lắm, lại có những 6 người con, duy chỉ ba tôi là con trai. Ba tôi mặt mũi sáng sủa, thông minh, nên ông bà nội đã trông mong ở ba rất nhiều. Nhưng rồi học hết cấp III, ba tôi không thi đại học để làm kiến trúc sư mà lại thích mở tiệm chụp ảnh với ước mơ trở thành nhiếp ảnh gia. Ông bà nội tôi bất ngờ, hụt hẫng… nhưng rồi cũng ủng hộ.

Ba tôi khăn gói lên thành phố học nghề. Ông nội tôi không yên tâm, nên cũng lặn lội lên theo để gửi gắm, nhờ vả thầy dạy cho ba. Sau khóa học, ba tôi trở về quê và tự tin nói với ông nội tôi rằng: “Giờ con đã có thể mở tiệm chụp ảnh rồi”. Bà nội tôi vốn là người quanh năm cặm cụi với đồng ruộng, ao hồ… nghe vậy, bà kéo ông nội vào nhà nước mắt ngắn dài: “Tiền đâu mà mở tiệm, với lại bà con ở quê ta đây ăn còn chẳng đủ, ai chụp ảnh ót làm gì?”.

Ông nội trấn an bà: “Con nó đã quyết tâm theo đuổi nghề này rồi, bà từ từ để tôi tính”.

Rồi ba tôi cũng có được tiệm ảnh nho nhỏ ngoài thị xã. Gọi là tiệm ảnh nhưng thực ra là 1 cái phòng bé bé trong ngôi nhà mà ông nội tôi mượn của 1 người họ hàng. Đó là 1 ngôi nhà đẹp, cổng nhà có 2 hàng dâm bụt chạy dài. Trước hiên nhà có trồng những luống hoa mào gà, mẫu đơn đỏ rực. Ông nội tôi còn nhờ người thiết kế cho ba tôi cái biển:

Hiệu ảnh Minh Đức. Cửa tiệm thì đã có rồi nhưng hồi đó để mua được 1 cái máy ảnh phải mất cả mấy tấn thóc. Ông nội lại chạy vạy vay mượn sắm cho ba để rồi mỗi dịp tết đến bà nội tôi lại phải đến nhà người ta khất nợ. Mỗi lần nhớ lại, ba tôi lại nghẹn giọng: “Khi đó, ba chỉ biết sống với đam mê mà không nghĩ nhiều cho ông bà…”.

Ba tôi trở thành thợ ảnh nổi tiếng khắp thị xã. Ngày đó, chưa có ảnh màu, chỉ có ảnh đen trắng và người đến chụp ảnh cũng không nhiều, chủ yếu là các cặp đôi chụp ảnh cưới. Chú rể đến chụp ảnh cưới có người cũng chẳng có bộ quần áo tươm tất, thế là ba tôi lại sắm vài bộ để cho họ mượn. Cái đồng hồ đầu tiên ba tôi mua từ tiền dành dụm được cũng tháo ra không biết bao nhiêu lần cho các chú rể mượn đeo. Khi cuộc sống của người dân quê tôi ngày càng no đủ thì tiệm ảnh của ba tôi cũng ngày càng đông khách… Ba tôi chăm bẵm từng gốc hoa trước hiên nhà, mỗi tối lại tẩn mẩn lau ống kính để có thêm những khuôn hình đẹp. Và từ ống kính của ba không biết đã lưu giữ biết bao nhiêu khuôn mặt, sự kiện vui buồn… của biết bao con người, bao gia đình. 

Nhiều người kính nể ba không chỉ vì ba chụp hình đẹp mà còn bởi cái tâm hào phóng, nhân hậu của ba. Có cô dâu, chú rể chụp hình xong đến ngày nhận hình chưa có tiền trả, ba cũng tặng luôn coi như quà mừng cưới. Lại có những người đến tận lúc sắp mất không có ảnh thờ, gia đình mới tất tả đến gọi thế là ba tôi lại phóng xe đi. Ảnh thì ba trả ngay ngày sau đó, còn tiền người nhà nhớ thì gửi lại ba không thì thôi, ba chẳng bao giờ đòi. Vậy nên, mở tiệm ảnh bao lâu mà ba cũng chẳng đỡ đần được ông bà nội nhiều.

Hơn 20 năm gắn với tiệm ảnh vậy mà khi chụp hình cho ông bà nội tôi, ba lại run tay, mắt nhòe lệ. Ba rưng rưng bộc bạch với tôi: “Lúc giơ ống kính lên, ba nhìn rõ hơn bao giờ hết dấu ấn thời gian hiện lên trên khuôn mặt của ông bà, những người vì để cho ba được thỏa sức theo đuổi đam mê mà gánh lên vai không biết bao nhiêu là khó khăn, cực nhọc. Ba thấy ba “nợ” ông bà nhiều quá!”.

Cuộc sống hiện đại, những chiếc smartphone dần dần xuất hiện, ba cũng đã nhiều lần thay máy ảnh mới nhưng bao năm qua chiếc máy ảnh đầu tiên ba vẫn cất giữ cẩn thận trong chiếc hộp đặt ngay ngắn nơi góc tủ. 

Dẫu vẫn còn rất nhiều gắn bó, lưu luyến, nhưng ba vẫn quyết định trao chiếc máy ảnh - nơi lưu giữ cả một kho ký ức của ba cho viện bảo tàng để nó tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới. Và tôi biết dẫu có phải rời xa kỷ vật thiêng liêng ấy, nhưng với ba kho ký ức được gom góp, chưng cất bằng những giọt mồ hôi mặn mòi và vô vàn tình yêu thương sẽ còn mãi…

Ba tôi về với ông bà đã được 6 năm, mỗi lần ghé bảo tàng, tôi lại có dịp nhìn cái máy ảnh của ba. Mọi hình ảnh, lời nói của ba lại tràn về, tôi như được gặp lại ba… 

Thu Hoàn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI