Yêu con… vừa đủ

Đừng để con ngột ngạt trong tình yêu thương

04/04/2022 - 11:27

PNO - Khi chúng tôi vào tuổi 40 - 50 thì con cái cũng vào tuổi teen. Con thay đổi, cha mẹ đều bị động, bất ngờ, chới với. Vẫn biết đứa trẻ tuổi teen nào cũng phải vật lộn trong ngoài để định hình nhân cách, hoàn thiện thành một người lớn hoàn chỉnh. Nhưng ở giai đoạn đầy khó khăn này, vô số nước mắt của những mái đầu chớm bạc đã rơi. “Vì sao mình yêu con đến thế mà con lại thế này?” là câu hỏi không dễ trả lời…

 

Những "cha mẹ trực thăng"

“Mẹ luôn xem mình là đứa bé mẫu giáo, tiểu học. Chỉ cần nghe tiếng ho của mình ở tầng trệt, thì dù mẹ đang trên sân thượng, cũng phi xuống với tốc độ tên lửa để hỏi han. Dù có giải thích mình không sao cả, thì mẹ cũng không tin, mẹ sẽ bắt đi khám, uống một đống thuốc, bắt mặc ấm… Mẹ sẽ ca bài ca con phải giữ sức khỏe và bần thần lo lắng cả ngày”.

"Lúc bản năng ngần ngại, nghệ thuật phân vân, thì chính kiến thức khoa học sẽ soi sáng con đường phải chọn lựa…” - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Chia sẻ trên có vẻ rất quen với mọi cậu bé, cô bé tuổi teen và cũng quen với mọi gia đình Việt Nam. Đây cũng là hình mẫu tiêu biểu để một nhà tâm lý Mỹ - tiến sĩ Haim Ginott - đưa ra khái niệm cha mẹ trực thăng (helicopter parents).

Từ những câu chuyện của khách hàng là trẻ teen, nhiều nhà tâm lý cho biết cha mẹ trực thăng là hình mẫu cha mẹ yêu thương con một cách ngột ngạt, khiến lũ trẻ nói chúng “muốn bệnh”. Họ như chiếc máy bay trực thăng luôn lượn vè vè ngay trên đầu đứa con, sẵn sàng cứu hộ, sẵn sàng đáp xuống dù “khổ chủ” không hề yêu cầu. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Tình yêu thương khi được thể hiện một cách dư thừa có thể gây... ngộ độc  (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Trẻ tuổi teen đủ nhận thức để thừa hiểu cha mẹ chỉ muốn điều tốt cho chúng. Nhưng thứ yêu thương này khi dư thừa có thể làm chúng… ngộ độc. Và đúng với tâm lý của lứa tuổi, chúng chỉ muốn giãy ra, bung ra để được lớn lên, thành một người trưởng thành, một cá thể độc lập. Mâu thuẫn cha mẹ và con cái xuất hiện từ đây. Phía kia muốn mãi mãi ôm ấp, bảo bọc con trong vòng tay, phía này muốn thoát ra, lùi xa, tạo khoảng cách.

Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel cho biết, nhiều khách hàng của bà là người trưởng thành thường gặp các vấn đề về tâm lý vẫn còn loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có “bố mẹ trực thăng”. Trong quá khứ, họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế.

Vậy, làm sao tìm được điểm chung khi bản năng của cha mẹ là yêu thương và chăm sóc? Mọi đứa trẻ đều cần tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ, nhưng ranh giới dư thừa và vừa đủ ở đâu?

Không còn cách nào khác, cha mẹ phải đặt mình vào vị trí đứa trẻ. Bây giờ, bạn thử đổi vị trí xem sao: Khi bạn đang tận hưởng một kỳ nghỉ thư giãn trên núi cao, một chiếc trực thăng cứ lượn vè vè trên đầu đòi cứu hộ bạn, bốc bạn mang đi về với thế giới ồn ào mà bạn vừa cố gắng để thoát ra. Bạn có khó chịu không? Rồi khi bạn đã phát tín hiệu rằng bạn không phải nạn nhân, họ vẫn mãi không chịu lượn đi, tiếng động cơ, tiếng loa phát thanh ồn ào của họ quấy rầy bạn liên tục. Vậy bạn có bình tĩnh được không? 

Trả lời được tình huống này, có thể bạn sẽ phải “tắt động cơ”, “hạ cánh”, giúp trẻ bớt ngột ngạt.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Rất nhiều đứa trẻ cầu xin cha mẹ đừng trầm trọng hoá các vấn đề của chúng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Sao con không thương mẹ? 

Khi còn nhỏ, trẻ sẽ nhanh nhảu trả lời câu hỏi trên: “Con thương mẹ chứ, con thương mẹ nhất trái đất, nhất vũ trụ này”. Những câu nói ngọt ngào khiến bà mẹ, ông bố tan chảy vì hạnh phúc. Nhưng cũng đứa trẻ ấy, khi lớn hơn chúng không thế, đa số trẻ teen sẽ phản ứng với cách hỏi này, xem đây là cật vấn, trách cứ.

Cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ có xu hướng quy mọi lỗi lầm của trẻ về thứ cảm tính nhất, đó là tình yêu thương, dù lỗi của trẻ chẳng hề liên quan gì tới tình yêu thương hay cảm xúc. 

Ví dụ việc trẻ học kém, các mẹ hay trách là do con không biết thương mẹ (thực tế, học giỏi hay dở còn do năng lực, sự hứng thú, do thầy cô, hoàn cảnh cùng cả trăm lý do khác). Ví dụ trẻ lười làm việc nhà, các mẹ trách là do con không biết thương mẹ (cũng như việc học, trẻ siêng việc nhà hay lười việc nhà hoặc làm kém cỏi phụ thuộc vào cả mớ nguyên nhân. Trong đó, có những đứa trẻ không được khơi gợi niềm vui làm việc nhà, hoặc bản thân chúng gặp khó khăn với các công việc tỉ mỉ, bếp núc… Điều này không hề liên quan tới tình yêu thương).

Những chuyện khác cũng thế: sao không dạy em học giúp mẹ, sao không buông cái điện thoại xuống mà tập đàn, sao không chịu học thêm môn toán, sao không tập bóng rổ… Cứ khi nào trẻ không đúng theo mong muốn của phụ huynh, lập tức được cho là chúng không yêu thương người sinh thành.

Có thể một bà mẹ từng đọc hàng trăm bài viết khuyên không nên “quy đồng” mọi thứ về tình yêu thương, nhưng rồi họ vẫn nói ra những câu tương tự như “con không coi mẹ ra gì”. Điều này tưởng nhỏ, nhưng lại gây tổn thương cho trẻ, cũng là thiếu tôn trọng trẻ. Tần suất nhắc đi nhắc lại những câu nói “quy đồng” kiểu này sẽ khiến một số trẻ trở nên tự ti, nghĩ mình là đứa con kém cỏi, không hiếu thảo; một số trẻ cá tính mạnh có thể nghĩ “thôi mình là loại vứt bỏ”, “mình không được yêu thương như đứa em suốt ngày nói thương mẹ, thương ba”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Trẻ tuổi teen không thích cha mẹ áp sát, giải quyết mọi chuyện của chúng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Chúng đang chat gì thế nhỉ?

Nỗi quan tâm của hầu hết các cha mẹ tuổi teen là muốn biết “trong đầu nó đang nghĩ gì?”. Và vì không bao giờ vượt qua được bức tường trẻ đã dựng lên để chắn cha mẹ xâm nhập vào thế giới của chúng, nên cha mẹ càng bứt rứt, khổ sở. 

Những lá thư tuyệt mệnh, những dòng nhật ký viết ngẫu hứng trên các trang vở của những đứa trẻ bỏ nhà ra đi hay tự tử thường khiến cha mẹ bất ngờ.

"Tất cả người lớn từng là trẻ con, nhưng rất ít trong số họ nhớ về điều đó" - Antoine de Saint-Exupéry

Nội dung tiếp theo

Rõ ràng chỉ một số rất ít trẻ teen còn thói quen chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ. Đa số trẻ sẽ chung công thức im ỉm, lầm lì, ở hình thức cao hơn, chúng còn “hai mặt”, tức vờ như vẫn là đứa con ngoan trò giỏi, gọi dạ bảo vâng với cha mẹ ông bà, nhưng thực ra trong lòng ngấm ngầm những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. 

“Làm sao để đọc trộm được nhật ký?”, “Làm sao xem được cuộc chat của con?” là chủ đề nhóm cha mẹ chúng tôi thảo luận suốt nhiều buổi gặp gỡ. Có chị lục lọi quần áo sách vở của con để tìm nhật ký, có chị nhờ bạn bè của con hỗ trợ để… trộm điện thoại của con…

Tâm lý chung của các mẹ thường là “nếu không biết con đang gặp chuyện gì, mình không thể hỗ trợ con kịp thời” - đây là điều đúng, nhưng một mục đích đúng mà phương pháp sai thì hậu quả khôn lường.

Trẻ rất nhạy cảm với những kiểu tấn công, xâm phạm quyền riêng tư của cha mẹ. Khi phát hiện mẹ đọc trộm nhật ký, đọc trộm tin nhắn, chúng sẽ chuyển sang cảnh giác, đề phòng, thậm chí thù hận cha mẹ.

Câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry trong cuốn sách Hoàng tử bé mấy hôm nay được mạng xã hội nhắc lại “tất cả người lớn từng là trẻ con, nhưng rất ít trong số họ nhớ về điều đó”. Quả thật, nếu chúng ta không nhớ mình lúc bé, thì không thể hiểu tâm lý đứa con mình. 

Nhiều người bạn cùng lớp phổ thông của tôi giãy nảy “hồi trước mình có thế đâu”, trong khi đó, người khác phải bật cười nhắc lại những kỷ niệm cho bạn thấy, “hồi ấy bạn cũng cãi cha mẹ”, cũng “phá làng phá xóm”, cũng bỏ nhà ra đi khi cha mẹ đọc trộm nhật ký rồi làm rùm beng. Đôi khi hình thức có thể khác vì hoàn cảnh xã hội, môi trường sống không còn như xưa, nhưng tâm lý lứa tuổi thì vẫn vậy.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Vậy, phải làm sao cho mọi vấn đề của con, trước khi mọi chuyện rơi vào tồi tệ cho cả hai phía? Tôi vô cùng cảm ơn câu nói của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật, hay một khoa học? Cả ba, có lẽ thế. Là bản năng, bởi không cần học hỏi ở đâu, người mẹ cũng có thể nuôi con tới ngày khôn lớn. Nếu không bị lệch lạc, bản năng có thể là một hướng dẫn viên tốt. Là một nghệ thuật, bởi hơn bất cứ một nghệ sĩ nào khác, người mẹ đã tạo nên một tác phẩm sống: đứa con, một con người, một cá nhân. Là một khoa học, bởi lúc bản năng ngần ngại, nghệ thuật phân vân, thì chính kiến thức khoa học sẽ soi sáng con đường phải chọn lựa…”. 

Vậy thì, muốn mẹ con không xung khắc, muốn những đứa trẻ không ngột ngạt trong tình yêu thương chúng ta phủ bọc, không còn cách nào khác, chúng ta phải học. Học cách lùi ra, tôn trọng con, nâng đỡ, khuyến khích, chỉ can thiệp khi con cần…

Giảm sự áp sát không làm giảm tình yêu thương của bạn. Bạn chỉ cần cho con biết bạn luôn ở đó chứ không cần xông vào giải quyết tất cả các vấn đề của chúng. 

Minh Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI