Đòn roi của mẹ cha - hết đời không lành sẹo

05/01/2022 - 12:25

PNO - Nỗi đau da thịt rồi sẽ phai mờ. Nhưng nỗi đau và vết sẹo tinh thần, dễ chừng đến khi nhắm mắt xuôi tay, người ta còn chưa gỡ được.

Sau cái chết bi thảm gây chấn động của bé gái 8 tuổi bị bạo hành, hàng triệu người lớn cũng bắt đầu chịu khó xới tung “nếp nhà” lên để soi lại cho rõ: mình có đánh con không?

Những đứa trẻ bị ăn đòn thường lớn lên kém tự tin, thậm chí có thể dối mặt với sang chấn tâm lý. Ảnh: internet
Những đứa trẻ bị ăn đòn lớn lên thường kém tự tin, thậm chí có thể đối mặt với sang chấn tâm lý 

Chị kể tôi nghe chuyện dạy con lạ lùng của em trai chị. Con đầu lòng của em là một cậu bé vô cùng kháu khỉnh, đáng yêu, chỉ mỗi cái tội rất khó ăn. Ngay từ khi được tập cho những muỗng bột ăn dặm lỏng đầu đời, cậu bé đã tỏ ra bất hợp tác, phun phèo phèo, la hét, quẫy đạp, khóc rần trời. Chị được em trai nhờ giữ cháu nên cố gắng dỗ dành, dụ cho cậu bé quen từng chút một.

Nhưng bố cậu bé vốn nóng tính, lần nào gặp cảnh con phun thức ăn là cũng “ra tay”. Em ép con ngồi vào lòng, một tay bóp miệng, một tay đút muỗng bột. Cậu bé vừa ú ớ la thì bị bố đánh vào mông, kèm cái quắc mắt: “Nín! Nuốt ngay!”. Cậu bé vừa khóc ngất vừa phải nuốt, dĩ nhiên không ít lần sặc sụa, phun đầy ra, nôn ói và điệp khúc ăn đòn lại bắt đầu. Chị xót cháu, phải giằng lấy đứa nhỏ từ tay bố nó, lau rửa, dỗ dành.

Đến giờ, khi cậu bé được 6 tuổi, đến bữa cơm là cắm cúi ăn không dám ngước nhìn bố. Thèm bánh kẹo, quà vặt thì nó chỉ dám thủ thỉ với cô Hai, rồi len lén trùm mền mút kẹo, sợ bố biết lại phạt đòn. Với bố, những món hàng rong là cực kỳ mất vệ sinh, con tuyệt đối không được ăn.

Mỗi lần nghe em trai “lên lớp” về hàng rong, chị lại chậc lưỡi thở dài. Ơ thế hồi nhỏ đứa nào vẫn hay xin tiền chị chạy ù đi mua kẹo bông gòn, si rô đá bào hay mía ghim, cóc ngâm đường? Những thứ ấy, chắc cũng “mất vệ sinh” lắm, nhưng là cả bầu trời tuổi thơ của em đấy! Em trai cắt ngang: “Chị ơi, thời thế khác rồi. Chị phải để em dạy con!”.

Mỗi khi cả nhà đi chơi, cậu bé chỉ đeo theo cô Hai. Tết, không ít lần cậu bé lại bị bố tát sưng mặt ngay ngày đầu năm chỉ vì dám từ chối đi chơi với bố.

Chị kể, chị chăm cháu từ lúc mới sinh đến giờ, chưa khi nào thấy cậu bé tỏ ra mừng rỡ khi bố đi đâu đó về, cũng chưa bao giờ thấy cậu bé dám vòi vĩnh một thứ quà bánh nào từ bố. Và chỉ khi bố vắng nhà, cậu bé mới thoải mái chơi đùa lớn tiếng trong căn nhà của mình.

Những đứa em họ hàng cùng lứa đến nhà chơi, cậu bé cũng không thể hòa đồng được, rụt rè, và có tâm lý giữ rịt đồ chơi, không cho ai chơi cùng.

Chị lén đưa cháu đi khám. Bác sĩ nói cháu bé có vấn đề về tâm lý, phải theo dõi và trị liệu bằng các liệu pháp tinh thần. Chị biết vậy nhưng không dám lên tiếng, chỉ âm thầm tìm mọi cách để cậu bé “né” bớt bố mình.

Em chị còn trẻ tuổi nhưng tính gia trưởng rất lớn. Trong nhà, cánh đàn bà con gái và trẻ con phải “một phép”. Khi cậu bé sắp có thêm em, chị lấy cớ để mẹ nó nghỉ ngơi dưỡng thai, xin đưa cậu bé về hẳn nhà mình để chăm sóc.

Có lẽ nhờ sự mềm mỏng của chị, sự xoa dịu về tinh thần dù có hơi muộn màng nhưng vẫn còn hơn không, cậu bé đã dần vui vẻ, hoạt bát, phấn chấn trở lại, chơi đùa, học tập, phát triển tư duy đúng độ tuổi. Nhưng nghĩ về đứa cháu sắp chào đời, chị lại thấy lòng trĩu nặng. Chẳng lẽ chị lại phải nghĩ cách cho đứa nhỏ… cách ly khỏi người cha gia trưởng chỉ thích dạy con bằng vũ lực? Còn cứ để đứa nhỏ theo vết xe đổ của đứa lớn, có khi chị lại phải hối hận muộn màng!

Đừng để con cái chúng ta phải mang vết sẹo tâm hồn như cha mẹ đã từng. Ảnh: internet
Đừng để con cái chúng ta phải mang vết sẹo tâm hồn như cha mẹ đã từng

Mấy hôm nay, chị khơi gợi bi kịch của bé gái 8 tuổi, với chút hy vọng cảnh tỉnh cho em mình. Em có vẻ khó chịu, hơi lờ đi khi chị vờ nhắc tới chuyện ấy. Nhưng lạ là giờ đây mỗi khi sang thăm con, em trai đều mua khi thì đồ chơi, khi thì bánh kẹo.

Chị chỉ muốn nói với em trai rằng, cả chị và em đều đã từng lớn lên trong nỗi sợ hãi đòn roi của ông bố người miền Trung khó tính có tiếng khắp xóm. Chị từng bị bố phang thẳng cái đòn (ghế ngồi) tưởng bể đầu, khi chị mệt quá vừa ngồi giặt đồ vừa ngủ gục. Cú phang chí tử ấy - nếu chẳng may - thì chắc gì bố có thể sống mà không hối hận đến cuối đời? Và cũng vì cú phang ấy, nhiều lúc chị đã nghĩ giá như mình chết đi, có lẽ đỡ vướng trong mắt bố.

Còn em cũng từng bị bố ụp nguyên nồi cơm lên đầu khi trốn ăn trưa, đi tắm sông. Những vết sẹo tâm hồn vẫn còn in dấu đây, đầy nước mắt. Vậy thì cớ gì em phải lặp lại “quy trình” hà khắc không đáng có ấy, áp lên những đứa con ngây thơ?

Nỗi đau da thịt rồi sẽ phai mờ. Nhưng nỗi đau và vết sẹo tinh thần, dễ chừng đến khi nhắm mắt xuôi tay, người ta còn chưa gỡ được. Những ai từng lên tiếng tự hào nhờ đòn roi của bố mẹ mà nên người, chắc gì tâm hồn họ trơn tru không vết sẹo? Tôi nghĩ, chỉ khác là họ giỏi che giấu, thế thôi!

Tử Anh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI