Đơn giản họ là mẹ...

06/04/2016 - 02:00

PNO - Lúc đó không suy nghĩ được gì hết, chỉ nghĩ đến con. Đơn giản vậy thôi mà họ đã đổi chiều hành trình sống cho con.

Don gian ho la me...
Đôi thiên thần của chị Thụy Điển cùng bố mẹ đến dự buổi giao lưu

Nhiều năm về trước, tôi tình cờ đọc một phóng sự về những người bị bệnh tâm thần phải điều trị lâu dài. Nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết đã quên, nhưng không hiểu sao có một chi tiết vẫn ám ảnh tôi mãi. Một bác sĩ (hay điều dưỡng) kể lại rằng, rất nhiều người chồng bị bệnh được vợ luôn ở bên cạnh, chịu đựng từng chút. Ngược lại, những người vợ bị bệnh số phận thường hẩm hiu hơn. Các ông chồng, người kiên trì nhất cũng chỉ chăm sóc được một thời gian rồi… hoặc ra đi không trở lại, hoặc giao phó cho bệnh viện, năm thì mười họa mới ghé thăm. May mà họ còn có mẹ…

Ngày còn trẻ, tôi cay đắng và ngậm ngùi, trách các ông chồng. Nhiều tuổi hơn một chút, tôi có cái nhìn cảm thông hơn. Tôi hiểu rằng những người đàn ông ấy không hẳn xấu. Chỉ là họ yếu đuối, không dám đương đầu, không dám chấp nhận, không đủ can đảm để sẵn sàng cho một hành trình mờ mịt. Họ chỉ là những kẻ đáng thương.

Nhiều tuổi hơn một chút, nghe những câu chuyện, tiếp xúc thêm nhiều cảnh ngộ, nhiều thân phận, tôi lại càng băn khoăn, không hiểu những người phụ nữ phải sống trong nghịch cảnh ấy, họ lấy đâu ra sức lực để giữ cho mình sống và để nâng đỡ những người thân yêu của mình, tiếp tục giữ gìn tình yêu cuộc sống.

Những người phụ nữ mà tôi biết - những người tôi gặp trong chương trình Khát vọng sống buổi sáng 4/4/2016, bình thường, dung dị, thậm chí nhỏ bé.

Don gian ho la me...
Những người mẹ đã nổ lực đổi chiều hành trình sống cho con

Người thì đi cả một chặng đường gian khó để tìm con. Người thì tìm cho con giọng nói, người bồng bế nâng đỡ, để con có một cuộc sống ít đau đớn nhất; người thì tìm cho chồng ánh sáng cuối con đường… Người cứ mỗi sáng thức dậy là bắt chồng phải đi, chồng hỏi đi đâu, “không biết, chỉ biết là phải đi cái đã, đi mới tìm được cách cứu con mình” là chị Ngô Thị Thu Dung (nhân vật trong bài Niềm tin mạnh mẽ của mẹ).

Don gian ho la me...
Bé Minh Thư: "...con chỉ biết cố gắng chịu đau rồi vượt qua"

Và rồi từ hành trình tìm lại sự sống cho con, nghĩ đến các bà mẹ khác, hiểu được tâm trạng của họ, chị trở thành đầu mối, để bất cứ người mẹ nào có con mang căn bệnh truyền máu song thai, chị lại chỉ dẫn từng đường đi nước bước. Chị chia sẻ: “Khi nghe thấy có những người mẹ không cứu được con, mình đau như chính mình vừa bị mất con. Nghe có ai đó thành công, mình mừng như chính con mình vừa được cứu”. Lời chia sẻ chân thật của chị đã chạm vào trái tim của nhữ ng người có mặt trong buổi giao lưu hôm đó.

Một người phụ nữ khác, cũng là một người mẹ, chị Lê Thị Mỹ Ngọc (nhân vật trong bài Những nụ hôn đánh thức công chúa nhỏ), người ba năm ròng cùng tìm lại bước đi, giọng nói cho con sau căn bệnh ác nghiệt: bại não - rối loạn trương lực cơ. Con chị - bé Nhật Lam - để có thể đi được, dưới sự dìu dắt của mẹ, có thể hiểu được lời mẹ nói, ra dấu để trả lời như hôm nay là một kỳ tích. Từ cô bé đang học lớp 1, vui vẻ bình thường, bé kêu đau đầu. Hai ngày sau, tay chân gấp lại, không gỡ ra được. Cả một năm ròng bé không ăn không ngủ, chỉ còn 10kg. Đó cũng là một năm ròng mẹ Ngọc không đêm nào ngủ. Chị cùng bà ngoại thay phiên nhau ôm lấy bé, nắn tay, nắn chân, giữ cho bé không bị co quắp. Bác sĩ điều trị cho biết, sự phục hồi của Nhật Lam là một kỳ tích, không thể tưởng tượng được. Y học đã làm rất tốt, nhưng y học làm sao có thể đo lường bao nhiêu phần trăm trong sự phục hồi của em là từ ý chí kiên cường, là tình yêu cuộc sống mà người mẹ nhỏ bé đã truyền cho.

Don gian ho la me...
Điểm tựa của bé Nhật Lam là vòng tay của mẹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI