Khát vọng sống: Con đã biết gọi "mẹ"

21/03/2016 - 09:32

PNO - “Ngày con cất tiếng khóc chào đời, là ngày cánh cửa âm thanh đóng sập lại. Mẹ thỏ thẻ với con qua ánh mắt, ba trò chuyện với con bằng cử chỉ..."

Khat vong song: Con da biet goi
Bé Đoan nghe, nói được là nhờ sự cố gắng của gia đình

“Ngày con cất tiếng khóc chào đời, cũng là ngày cánh cửa âm thanh đóng sập lại. Mẹ thỏ thẻ với con thông qua ánh mắt, ba trò chuyện với con bằng cử chỉ. Rồi lời cay độc của nhiều người khiến mẹ phải lặn lội cùng con lên Sài Gòn để tập nói. Bao nhiêu tủi nhục, bao nhiêu gian khổ mẹ đã trải qua… Cuối cùng mẹ vui khi lần đầu tiên nghe con gọi “mẹ ơi…!”. Dù muộn màng nhưng mẹ quá đỗi hạnh phúc”. Đó là dòng tự sự của chị Bé (nhà ở tỉnh Ninh Thuận) kể về bé Đoan - con gái chị khi là một trẻ câm điếc bẩm sinh gần tám năm trước.

Đi tìm "cánh cửa âm thanh"

“Đoan à… Đoan à… Đoan!” - gọi mãi không thấy con quay lại, chị Bé ngỡ con ham chơi nên không trả lời mẹ, rồi nhiều lần khác cũng vậy. Một ngày nọ, cô y tá gọi điện thoại hỏi thăm “bác sĩ (BS) hẹn chị một tháng sau khi sinh phải đưa bé tái khám sao không thấy?”. Nghe xong, chị ngớ người, chị thử gọi tên con thêm lần nữa nhưng nó vẫn im bặt. Lặng người, chị bước đến trước mặt con gái chín tháng tuổi, nó liền ôm chầm chị vì quá mừng. Dường như có điều gì đó không bình thường đang xảy ra với đứa trẻ.

Chị tức tốc đưa con về Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM đo thính lực thì mới hay con bị điếc thực sự. Sau phút bàng hoàng, đau đớn, chị gom góp được hơn 10 triệu đồng dành dụm từ nghề may của chị và tiền anh làm công nhân, dẫn con đi cấy máy trợ thính lòng tràn ngập hy vọng. Mỗi tuần chị chở con từ Bình Dương về Sài Gòn để theo dõi, tập nói. Nhưng, đeo máy trợ thính được vài tháng, âm thanh cuộc đời vẫn là điều bí ẩn với con chị. Bao nhiêu tiền chắt chiu dành dụm cũng đội nón ra đi. Các BS khuyên, hy vọng cuối cùng là cấy điện cực ốc tai nhưng giá rất đắt. Cơ hội chỉ đến có một lần, để lớn chút nữa, bé Đoan sẽ khó điều trị. Và càng điều trị trễ thì thời gian bắt đầu biết nói càng lâu.

Không tiền, chị để con ở nhà. Mỗi khi con với đám trẻ ở chung dãy nhà trọ mè nheo, người lớn lại trách có khi do chị ăn ở ác nên con mới bị điếc, hay “đừng chơi với bé câm điếc đó”. Chị chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Anh Hưng, chồng chị nói mình còn chịu đựng được, chứ tội cho vợ, mang nặng đẻ đau lại bị miệng đời cay nghiệt.

Chị đưa con về quê Ninh Thuận thăm ông bà ngoại thì hàng xóm lại ngó ngả, ngó nghiêng khi thấy bé Đoan khác thường. Tủi thân, chị lại đưa con trở vô Sài Gòn. Chị giận mình không phát hiện sớm bệnh tình của con khi những tháng đầu đời bé Đoan vẫn “í à” chép miệng như bao trẻ bình thường khác. Buồn, chán nản, chị đưa con vào trung tâm khuyết tật. Chị khóc, con vẫn vui đùa ôm lấy chị. Nhìn ánh mắt trong vắt, hồn nhiên của con gái gần hai tuổi, chị quyết tâm dù nghèo khổ đến mấy cũng tìm cách để cấy điện cực ốc tai cho con.

Đến khi bé Đoan được ba tuổi rưỡi, chị tích góp và mượn thêm tiền của bà con, họ hàng gần 200 triệu đồng. Chị đưa con trở lại BV nhưng chỉ dám cấy một bên tai với loại máy cũ, giá rẻ nhất. Cũng lại đoạn đường Sài Gòn - Bình Dương, mỗi ngày chị đưa con đi tập nói. Trong một lần chở con đi, trời mưa quá to, bé Đoan đánh mất bộ phận của máy nghe đang đeo trên tai, trị giá đến cả trăm triệu đồng. Không tiền để mua lại dụng cụ tập nói, một lần nữa, chị lại đưa con vào trung tâm khuyết tật. Thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, một nhà hảo tâm đã cho con chị mượn máy suốt tám tháng để tập nghe.

Quả ngọt trái mùa

Khat vong song: Con da biet goi
Bé Đoan luôn là học sinh khá, giỏi

Cấy ốc tai xong, ban ngày chị tập cho con, trước hết là đếm “một, hai, ba...”. Bé Đoan phát âm một cách khó khăn nhưng chị vô cùng hạnh phúc vì đó là niềm hy vọng để cánh cửa âm thanh sẽ mở ra. Về xóm trọ, nhìn những con vật qua lại, chị lại bày “con mèo, con chó, con heo…” hay những vật dụng trong gia đình “cái ly, cái muỗng…”.

Và rồi lần đầu tiên nghe con ngọng nghịu gọi “mẹ”, chị vui đến nghẹt thở. Nước mắt người mẹ một lần nữa trào ra vì hạnh phúc. Bốn tuổi, bé bắt đầu nói tốt, phát âm tốt, trung tâm khuyết tật yêu cầu cho bé trở lại trường bình thường. Ôm con, chị xin vào nhiều trường, dù đã đáp ứng đầy đủ giấy tờ nhưng đều bị từ chối, vì họ sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp.

Khat vong song: Con da biet goi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI