“Đội cứu hộ 0 đồng” trong tâm dịch

09/09/2021 - 06:23

PNO - Đang trò chuyện với chúng tôi trong cuộc gọi lúc 21 giờ, Nghĩa xin phép gián đoạn vì có điện thoại. Nhận điện thoại xong, anh mất hút mà chẳng kịp hồi âm. Trước đó, khó khăn lắm chúng tôi mới kết nối được với Nghĩa. Nhưng chúng tôi vẫn không thể giận, vì biết anh lại lao ra đường, xuyên đêm.

Cải tạo xe đón tour thành xe cứu thương

Hơn một tháng qua, chúng tôi đã cố gắng kết nối với Nguyễn Trọng Nghĩa - Đội trưởng “Đội xe cứu hộ 0 đồng” nhưng luôn phải chờ đợi. Thường thì chủ nhân không bắt máy. Khi bắt máy lại không thể nói chuyện vì đang lái xe vận chuyển bệnh nhân. Những dòng tin nhắn hồi âm xin lỗi của anh thường đến vào lúc 2 giờ khuya trở về sáng khiến chúng tôi ái ngại, không dám lấy đi khoảng thời gian nghỉ ngơi vốn rất ít ỏi của anh.

Nguyễn Trọng Nghĩa, 29 tuổi, quê Bình Dương, chuyên bán tour du lịch trước khi dịch bệnh bùng phát. Công việc giúp Nghĩa đi, kết nối với nhiều anh em, bạn bè cùng chí hướng, và cũng từ đó, anh nhận ra nhiều tình huống khó khăn cần cứu hộ kịp thời, trong du lịch và cả trong cuộc sống đời thường. Vậy là, bốn năm trước, những “người anh em” của Nghĩa bàn nhau thành lập đội cứu hộ (chủ yếu hoạt động tại Bình Dương) để hỗ trợ kịp thời những tình huống khó khăn. Hai tháng trước, khi dịch bùng phát tại TPHCM khiến đội ngũ y tế nhanh chóng quá tải, Nghĩa cảm nhận, việc vận chuyển F0 đến bệnh viện để nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời là một nhu cầu cấp thiết nên làm. “Đội xe cứu hộ 0 đồng” của anh ra đời ngay sau đó. 

Những ngày đầu, từ một chiếc xe 16 chỗ dùng để vận chuyển khách du lịch, Nghĩa cùng “đồng đội” cải tạo thành xe cứu thương, hoạt động trên khắp địa bàn thành phố. Giữa tháng Bảy, sau khi nắm bắt nhu cầu của người dân trong mùa dịch bệnh, cũng như nghe thông tin chia sẻ từ đại diện các khu cách ly về việc đang thiếu trầm trọng lực lượng đưa đón bệnh nhân, chị Nguyễn Kiều Thu - Chủ tịch Hội LHPN H.Nhà Bè, TPHCM - đã đăng tải thông tin tuyển tình nguyện viên trên Facebook Hội LHPN huyện. Chị Nguyễn Kiều Thu được giới thiệu và liên lạc với đội xe cứu hộ của Nghĩa. Từ đó đến nay, đội cứu hộ của Nghĩa hoạt động dày đặc hơn tại ba khu cách ly trên địa bàn H.Nhà Bè.

Ban đầu, đội cứu hộ của Nghĩa có 11 thành viên với hai chiếc xe cứu thương, công việc chính là đưa bệnh nhân F0 đến bệnh viện. “Khi người nhà bệnh nhân gọi điện thoại nhờ giúp đỡ, có nhiều trường hợp xe đã sẵn sàng nhưng chưa liên hệ được bệnh viện, mình đến nhưng chưa biết sẽ đưa bệnh nhân đi đâu, thế rồi phải tùy tình huống mà hỗ trợ tạm thời”, Nghĩa kể. Với những trường hợp đó, hỗ trợ ô-xy là cần thiết nhất, nên về sau, trên xe của Nghĩa được trang bị đầy đủ máy đo nồng độ ô-xy và bình ô-xy. Khi nồng độ SpO2 của bệnh nhân xuống dưới 90 hoặc có biểu hiện thở yếu, không thở được, là Nghĩa dừng xe để hỗ trợ bệnh nhân thở ô-xy. 
 

Nghĩa và những phút giây thư giãn bên cạnh đồng đội của mình sau những chuyến xe chuyển bệnh căng thẳng
Nghĩa và những phút giây thư giãn bên cạnh đồng đội của mình sau những chuyến xe chuyển bệnh căng thẳng

Không thể đợi người ta “mở lòng” thì mình mới làm

Nhà ở Bình Dương, nhưng hơn hai tháng qua, Nghĩa hoàn toàn “cắm rễ” tại TPHCM. Anh không đếm được đội của mình đã hỗ trợ bao nhiêu lượt bệnh nhân, vì quá nhiều và anh cũng không có thời gian để ngồi thống kê. Đã quen với việc cứu hộ bao năm nay, nhưng anh không tránh khỏi cảm giác lặng người khi chứng kiến những cuộc chia ly đau đớn. “Khoảng mười mấy trường hợp bệnh nhân chết trên tay em. Không biết diễn tả ra sao cảm giác lúc ấy, chỉ cảm thấy mất mát và hụt hẫng lắm”, Nghĩa trầm giọng.

Nhận công việc vận chuyển F0, Nghĩa nhận thức rõ, việc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân sẽ rất dễ bị lây bệnh. Nhưng không thể vì sợ mà không làm. Vì thế, anh tự trang bị những kiến thức cần có về phòng, chống dịch, trên xe anh trang bị vách ngăn giữa tài xế và bệnh nhân, luôn mặc quần áo bảo hộ và sát khuẩn liên tục. Thế nhưng, có những trường hợp cần hỗ trợ cấp cứu trong quá trình chuyển bệnh, nên “khoảng cách” là điều anh không thể tuân thủ. Và kết quả là, từ ngày làm công việc vận chuyển bệnh đến nay, đã hai lần Nghĩa bị dương tính với COVID-19.

Đúng như tên gọi của hoạt động, Nghĩa hoàn toàn không nhận kinh phí từ bệnh nhân. Thay vào đó, anh mong muốn hoạt động của mình được lan tỏa, để ai có điều kiện, có tấm lòng thì cùng chung tay. Thời gian sau, nhóm của Nghĩa nhận được kinh phí từ nhiều nhà hảo tâm để mua thêm hai chiếc xe cứu thương, về hỗ trợ vận chuyển bệnh tại các địa bàn của tỉnh Bình Dương. 

Về kinh phí hoạt động, anh nói không bao giờ là đủ, vì có những chi phí không tên. Nhưng với Nghĩa, “khi đã mở lòng với bà con thì phải hành động ngay”. 

Có lẽ, với tinh thần đó, Nghĩa cùng các anh em trong đội của mình đã không ngại khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ kịp thời khi người dân cần. Chị Nguyễn Kiều Thu cho biết: “Dù ngày hay đêm, khi nghe thông tin có ca dương tính cần vận chuyển lên tuyến trên, hoặc các khu cách ly có nhu cầu chở bệnh nhân về nhà thì đội sẽ lên đường ngay. Có hôm chở bệnh nhân về khuya, anh em rất đói nhưng không có hàng quán nào mở cửa, chỉ kịp ăn chút bánh mì lót dạ”.

Ngoài sự hỗ trợ của “Đội cứu hộ 0 đồng”, các bệnh viện, khu cách ly tại H.Nhà Bè còn nhận được sự hỗ trợ của các anh Nguyễn Văn Hiếu và Trần Tấn Phong. Đọc tin trên Facebook, thấy nhu cầu chuyển bệnh cao, thông qua Hội Phụ nữ H.Nhà Bè, hai bác tài thất nghiệp vì dịch COVID-19 đã đăng ký làm tình nguyện viên lái xe hỗ trợ người bệnh mà không cần nhận chi phí gì. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI