Điểm tựa cho trẻ đặc biệt lúc này là gì?

18/09/2021 - 05:30

PNO - Nếu quan sát thấy những phản ứng ở trẻ mà các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng, hãy liên hệ với những cơ sở chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời.

Nhiều phụ huynh lo lắng, trong lúc “ai ở đâu ở yên đó”, người lớn và trẻ bình thường còn căng thẳng, “khó ở”, vậy thì tinh thần của trẻ đặc biệt sẽ ra sao?

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tìm câu trả lời từ người có nhiều năm kinh nghiệm giúp đỡ trẻ đặc biệt - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân, nhà sáng lập Let Go Dear (doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đặc biệt cho trẻ đặc biệt tại TP.HCM).

Phóng viên: Thưa anh, thế nào được gọi là trẻ có nhu cầu đặc biệt?

Thạc sĩ Nguyễn Bảo Ân: Trẻ đặc biệt hay còn gọi là trẻ với nhu cầu đặc biệt là những trẻ có đặc điểm riêng biệt đòi hỏi cần có một sự giáo dục đặc biệt phù hợp với những đặc tính riêng biệt này. Theo đó, những đặc điểm riêng biệt có thể là những khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ, nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc… 

Ở một số nước, những trẻ siêu thông minh cũng được gọi là trẻ đặc biệt.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

* Trong thời gian giãn cách hiện nay, trẻ nói chung và trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về sức khỏe tinh thần?

- Trong giai đoạn này, sự xáo trộn, bất định, những hoạt động thường ngày bị phá vỡ, đôi khi là sự mất mát người thân, tất cả thay đổi này đòi hỏi trẻ phải thích nghi, nếu sự thích nghi này không diễn ra một cách thuận lợi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ. 

Với trẻ có nguy cơ trong các vấn đề sức khỏe tinh thần, trong giai đoạn này những nguy cơ đó có thể trở thành những vấn đề thực sự. Trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi, những khó khăn trước kia, vì tiến trình can thiệp bị ngắt quãng có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn này.

* Với những ảnh hưởng đáng lo như vậy, phụ huynh cần làm gì để giúp con em, thưa anh?

- Điều đầu tiên phụ huynh cần làm đó chính là chăm sóc bản thân tốt nhất có thể, chăm sóc cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng như học cách thích nghi với thời cuộc. Khi bản thân được chăm sóc tốt thì việc chăm sóc người khác sẽ bớt khó khăn. 

Bất kể ở độ tuổi nào, con bạn cũng có thể cảm thấy khó chịu, lo hãi hoặc có những cảm xúc mạnh sau khi gặp phải một tình huống khẩn cấp như phải đi cách ly. Một số trẻ phản ứng ngay lập tức, trong khi những trẻ khác có thể có dấu hiệu khó khăn sau đó.

Cách một đứa trẻ phản ứng và những dấu hiệu đau khổ thông thường có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của đứa trẻ, những trải nghiệm trước đây và cách đứa trẻ thường đối phó với căng thẳng. 

Trẻ em phản ứng một phần dựa trên những gì chúng nhìn thấy từ những người lớn xung quanh. Khi cha mẹ và người chăm sóc ứng phó với thảm họa một cách bình tĩnh và tự tin, họ có thể hỗ trợ tốt nhất cho con mình. Cha mẹ có thể làm những người xung quanh cảm thấy yên tâm hơn, đặc biệt là trẻ em, nếu họ chuẩn bị tốt. 

Mọi người có thể trở nên đau khổ hơn nếu họ nhìn thấy những hình ảnh lặp đi lặp lại của một thảm họa trên các phương tiện truyền thông. Ngay từ đầu, hãy cân nhắc hạn chế mức độ tiếp xúc của bạn và những người thân yêu của bạn với các thông tin.

Đối với trẻ đặc biệt, hãy cố gắng duy trì những phương thức hỗ trợ trước đây nhiều nhất có thể. Trẻ em có nhu cầu đặc biệt có thể cần thêm những lời trấn an, giải thích nhiều hơn về sự kiện, những thay đổi này.

Nếu quan sát thấy những phản ứng ở trẻ mà các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng, hãy liên hệ với những cơ sở chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời.

* Nhiều người vẫn tin “trong nguy có cơ”. Trong thực tế dịch bệnh, có thể uyển chuyển, lồng ghép nội dung nào để trẻ hiểu hơn về cuộc sống?

- Phụ huynh có thể đồng hành với trẻ, giúp trẻ học những cách thích nghi, bày tỏ cảm xúc, quản lý căng thẳng và lo lắng.

Có những hoạt động xây dựng “sức bật tinh thần” ở trẻ, giúp trẻ có kinh nghiệm đương đầu với những biến động thay đổi trong hiện tại và trong tương lai. Bên cạnh đó, cần giúp trẻ hiểu hơn những giá trị như sự gắn kết gia đình, lòng trắc ẩn, tình thương giữa con người và con người…

* Xin cảm ơn anh! 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI