Dịch COVID-19 khiến quan hệ Mỹ - Trung không mấy suôn sẻ

19/02/2020 - 10:00

PNO - Trước sự bùng phát của COVID-19, quan hệ Mỹ-Trung dường như không mấy suôn sẻ.

Trước sự bùng phát của COVID-19, các chính phủ tăng cường chia sẻ dữ liệu và phối hợp ứng phó trước khi nó biến thành đại dịch. Nhưng đối với hai quốc gia chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc, sự hợp tác dường như không mấy suôn sẻ.

Vi-rút Corona gây thêm áp lực 

Trong tháng 1/2020, Mỹ đưa ra một loạt hành động khắc nghiệt để đối phó với dịch viêm đường hô hấp do vi-rút Corona vốn đã lây nhiễm 73.336 người tính đến 17g ngày 18/2. Washington sơ tán công dân Mỹ khỏi Vũ Hán, từ chối cho công dân Trung Quốc nhập cảnh và hủy những chuyến bay lớn của các hãng hàng không Mỹ đến Trung Quốc. Loạt hành động này sớm phủ bóng đen lên mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng những lời chỉ trích mạnh mẽ, cáo buộc chính phủ Mỹ phản ứng thái quá, lan truyền tin xấu gây hoảng loạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka tháng 6/2019 - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka tháng 6/2019 - Ảnh: AFP

 

Chính phủ Mỹ thể hiện thái độ ngày càng nghiêm trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh. Ngày 29/1, Peter Navarro - cố vấn thương mại Nhà Trắng - bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu dịch Covid-19 bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business ngày 30/1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross - nhận định, dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ giúp đẩy nhanh việc đưa các cơ sở sản xuất trở lại Bắc Mỹ. Ý kiến này bị chính phủ và truyền thông Trung Quốc chỉ trích là lợi dụng khủng hoảng. 

Thượng nghị sĩ Tom Cotton thậm chí còn cáo buộc chính phủ Trung Quốc che đậy và hạ thấp mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, nhắc lại thuyết âm mưu phổ biến cho rằng Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc chứ không phải chợ hải sản Vũ Hán

Quay về điểm xuất phát

Trong hoàn cảnh hiện tại, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ở ba khía cạnh.

Đầu tiên, sự rạn nứt có thể phá vỡ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Dưới áp lực lớn từ trường hợp khẩn cấp do vi-rút Corona, Trung Quốc có thể khó thực hiện các cam kết của mình. Hiệp định thương mại yêu cầu rằng, nếu một thảm họa tự nhiên hoặc các tình huống không lường trước được vượt ngoài tầm kiểm soát khiến một bên trì hoãn và không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận một cách kịp thời, hai bên sẽ quay lại bàn đàm phán. Điều này có khả năng đẩy hai nước trở lại tình thế khó khăn trước khi hiệp định thương mại được ký kết.

Thứ hai, vi-rút Corona không chỉ tấn công nền kinh tế của Trung Quốc, mà cả của Mỹ và thế giới. Là nhà sản xuất và thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Trung Quốc chưa bao giờ bị phần còn lại của thế giới “ghẻ lạnh” như bây giờ. Với mối quan hệ tài chính chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc và sự phụ thuộc cao của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc, điều kiện kinh tế của Mỹ phần nào chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh tại quốc gia bên kia Thái Bình Dương.

Cuối cùng, lệnh cấm nghiêm khắc đối với việc nhập cảnh của người Trung Quốc, sự sợ hãi và phản ứng bài ngoại ngày càng gia tăng làm suy yếu các cuộc tiếp xúc giữa người dân Mỹ và Trung Quốc. 

Dấu hiệu khả quan

Giữa dịch Covid-19, thế giới cũng đã thấy một số cơ hội cho quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc. 

Với sự cho phép của Bắc Kinh, các chuyên gia y tế của Mỹ đã cùng nhóm chuyên gia của WHO đến Trung Quốc để giúp nghiên cứu về vi-rút Corona. Hợp tác học thuật về các loại vắc-xin cho vi-rút Corona đang được thực hiện giữa Trường cao đẳng Y khoa Baylor ở Houston, bang Texas và Đại học Fudan ở Thượng Hải. Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản đang dẫn đầu một nghiên cứu lâm sàng về Remdesivir - loại thuốc chống vi-rút do hãng Gilead Science từ Mỹ phát triển nhằm điều trị Ebola - trong việc điều trị Covid-19 tại Vũ Hán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các khoản đóng góp - bao gồm cả nguồn cung cấp y tế miễn phí - đã được cung cấp từ xã hội dân sự Mỹ cho Trung Quốc. 

Theo các nhà quan sát, xét cho cùng, sự hợp tác đáng kể giữa hai bên chính là vấn đề quan trọng nhất, vì vi-rút Corona không chỉ gây ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn cả thế giới. Mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng nên được ưu tiên hơn so với lợi ích chính trị. 

Tấn Vĩ (theo The Diplomat, NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI