Dĩ độc trị độc: Mỹ đưa vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc để răn đe Bình Nhưỡng?

08/04/2017 - 17:38

PNO - Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã trình Tổng thống Donald Trump những lựa chọn để đáp lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Theo các nguồn tin tình báo và quân đội cấp cao, hai kịch bản này bao gồm việc đưa vũ khí hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc và ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cả hai đều nằm trong thủ tục xem xét nhanh về chính sách Triều Tiên, được chuẩn bị trước cuộc hội kiến ngày 6-7/4 vừa qua của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida.

Nhà Trắng hy vọng Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn để gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng thông qua hoạt động ngoại giao và tăng cường trừng phạt. 

Di doc tri doc: My dua vu khi hat nhan den Han Quoc de ran de Binh Nhuong?
Trong các lựa chọn của Tổng thống Trump có phương án đưa vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc và thủ tiêu nhà lãnh đạo Kim Jong-un - Ảnh: NBC News Twitter

Nhưng nếu việc này thất bại và Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của mình, thì có thể có các lựa chọn “cực đoan” làm thay đổi đáng kể chính sách của Hoa Kỳ.

Hành động đầu tiên và gây tranh cãi nhất được xem xét là đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ vào Hàn Quốc. Mỹ đã rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc 25 năm trước. 

Mang trở lại bom hạt nhân - có khả năng ở căn cứ không quân Osan, chỉ cách thủ đô Seoul hơn 80km về phía nam – một hành động đánh dấu việc triển khai vũ khí hạt nhân đầu tiên ở nước ngoài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là một động thái khiêu khích đáng ngờ.

Một quan chức tình báo cấp cao tham gia chuẩn bị nội dung này cho biết: "Chúng ta đã có 20 năm ngoại giao và trừng phạt nhưng thất bại trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên”.  

Ông nói ông “không ủng hộ đòn đánh phủ đầu”, cũng như không nghĩ rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân là cái giá tốn kém nước Mỹ phải gánh chịu, nhưng ông muốn nhấn mạnh rằng Mỹ đang phải đối phó với tình hình "chiến tranh ngày nay”.

Ông nghi ngờ lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đủ trùng hợp để tìm ra một giải pháp ngoại giao.

Di doc tri doc: My dua vu khi hat nhan den Han Quoc de ran de Binh Nhuong?
Hàn Quốc đưa tin về việc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo - Ảnh: NBC News/Yonhap

Trong khi đó, James Stavridis, một đô đốc hải quân Mỹ về hưu, nói với báo giới rằng ông “không nghĩ rằng triển khai vũ khí hạt nhân là một ý tưởng hay”, ông nói điều này chỉ có thể khiến cho Bình Nhưỡng càng điên cuồng hơn.

Nguồn tin quân sự nói rằng ban lãnh đạo không quân cũng không ủng hộ việc đưa vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc, thay vào đó có thể tiến hành các vụ không kích tầm xa với các máy bay ném bom chiến lược.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Mark Lippert nói rằng việc Mỹ triển khai hạt nhân ở Hàn Quốc là một ý tưởng được ngày càng nhiều người Hàn Quốc chấp nhận. Ông nói: "Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy con số ủng hộ đã vượt quá 50%”.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây là một ý tưởng tồi, vì nó phá hoại mục tiêu của Mỹ về khu vực phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Một lựa chọn khác là ám sát lãnh đạo Kim Jong-Un của Triều Tiên và các lãnh đạo cao cấp khác phụ trách tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này, cũng như những người ra quyết định. Theo ông Lippert, việc đưa ra một mục tiêu như vậy có những nhược điểm rất lớn.

Ông nói: "Thảo luận về thay đổi chế độ và “xử trảm” có khuynh hướng làm cho Trung Quốc quan ngại và khiến họ đi theo hướng ngược lại”.

Di doc tri doc: My dua vu khi hat nhan den Han Quoc de ran de Binh Nhuong?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh Mar-a-Lago ở Florida ngày 6/4 - Ảnh: CNN

Đô đốc Stavridis, cựu tư lệnh lực lượng NATO, nói rằng "ám sát luôn là một chiến lược hấp dẫn khi chúng ta phải đối mặt với một nhà lãnh đạo khó đoán và đặc biệt nguy hiểm”.

Tuy nhiên, ông nói, "điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta ra tay thủ tiêu một nhà lãnh đạo ở Triều Tiên? Tất cả vẫn là một dấu hỏi quá lớn!”.

Lựa chọn thứ ba là hành động bí mật, dùng các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc thâm nhập vào Triều Tiên để phá hoại hoặc thủ tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng, ví dụ như cho nổ các cây cầu để chặn sự di chuyển của tên lửa.

Đô đốc Stavridis nói rằng ông cảm thấy đây là "chiến lược tốt nhất" nếu Hoa Kỳ buộc phải tiến hành hành động quân sự. Ông mô tả hoạt động này sẽ là “kết hợp các lực lượng đặc biệt với Hàn Quốc và không gian mạng”.

Năm ngoái, Hàn Quốc đã thông báo thành lập đơn vị đặc nhiệm Spartan 3000 để hoạt động trong lòng Triều Tiên.

Đô đốc Stavridis nói, trên thực tế, Lầu Năm Góc bắt buộc phải có một loạt các lựa chọn. Điều đó cho phép các tổng thống có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, khi trước mặt họ có đầy đủ các phương án cần thiết.

Hòa Ninh (Theo NBC News, The Hill)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI