Dệt duyên cho những đôi khuyết tật

07/12/2024 - 06:04

PNO - “Dệt duyên” - một lễ cưới ý nghĩa dành cho các cặp đôi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn do một nhóm sinh viên năm cuối Trường cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức, đã viết nên câu chuyện đẹp về tinh thần sẻ chia và cống hiến cho cộng đồng của thế hệ trẻ.

Giúp những điểm khuyết trở nên lành lặn

Ít ai biết, “dệt duyên” đồng thời cũng là dự án tốt nghiệp của nhóm RingsRing (nhóm sinh viên năm cuối ngành truyền thông và tổ chức sự kiện, Trường cao đẳng FPT Polytechnic). Thay vì chọn những đề tài thông thường, các bạn quyết định dùng kỹ năng tổ chức sự kiện được trau dồi trên ghế nhà trường gắn với hành động ý nghĩa: hiện thực hóa giấc mơ của những cặp đôi khuyết tật, đã gắn bó cùng nhau nhưng chưa có điều kiện sánh đôi bước vào lễ đường.

Đối với đôi Trần Thanh Phương - Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM), đây chính là đám cưới trong mơ mà 14 năm nay anh chị luôn mong mỏi. Cả hai đều là người khuyết tật (anh Phương bị tật 1 tay, chị Trang bị tật ở 2 chân). Mang khiếm khuyết trên thân thể đã đành, vậy mà khi đến với nhau, họ còn bị “khuyết” cả một nghi thức cơ bản là lễ cưới.

Anh Trần Thanh Phương và  chị Nguyễn Thị Thùy Trang không giấu được niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại
Anh Trần Thanh Phương và chị Nguyễn Thị Thùy Trang không giấu được niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại

“Năm 2010, chúng tôi quyết định về chung nhà. Khi ấy, gia đình 2 bên gặp nhau, cùng ăn bữa cơm và chúng tôi chính thức trở thành vợ chồng. Là phụ nữ, ai cũng ao ước một lần khoác lên mình chiếc áo cưới, nhưng mà…” - chưa kịp nói dứt câu, những giọt nước mắt tủi thân của chị Trang đã lăn dài trên má. Vỗ vai an ủi vợ, anh Phương tiếp lời:

“Trước hôm thử áo cưới, vợ tôi thức suốt 2 đêm vì mừng. Giờ đây, khi con gái đã 14 tuổi rồi, chúng tôi mới có được một lễ cưới đúng nghĩa. Đây là nguồn động viên to lớn để cả gia đình tôi tiếp tục cố gắng vượt qua những thử thách sắp tới”.

Là cặp đôi lớn tuổi nhất được “dệt duyên”, ông Nguyễn Văn Hiệp (63 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hà (52 tuổi) - ngụ quận 12, TPHCM - vẫn chưa thể tin đây là lễ cưới của mình. Cả hai sống bằng nghề bán vé số nên chỉ đủ tiền đắp đổi qua ngày. Họ gặp gỡ, yêu nhau, bên nhau nhiều năm nhưng chưa tổ chức lễ cưới và đăng ký kết hôn.

Hơn 60 năm cuộc đời, đây là lần đầu ông Hiệp khoác lên mình bộ lễ phục, nắm tay vợ khập khiễng bước vào lễ đường, trao tay chiếc nhẫn tượng trưng cho lời hứa bên nhau bền chặt, uống rượu giao bôi và nhận những lời chúc phúc chân thành từ người thân, bạn bè.

Gian nan 2 tháng “dệt” yêu thương

Dù còn rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức sự kiện, các sinh viên nhóm RingsRing rất tâm huyết và cố gắng chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ: từ lúc lên ý tưởng, kêu gọi tài trợ, điều phối đội ngũ tình nguyện viên, đến việc tự tay chuẩn bị cho lễ cưới.

Để lựa chọn các đôi xứng đáng, nhóm bạn trẻ đã ròng rã tìm đến các trung tâm khuyết tật tại TPHCM và các tỉnh lân cận, đăng bài lên các hội nhóm cộng đồng người khuyết tật để tìm thêm. Sau khi chọn lọc được các đôi, nhóm tìm đến tận nơi ở để khảo sát và lắng nghe kỹ hoàn cảnh, nguyện vọng của họ.

Chị Phạm Thị Kim Ngân - trưởng dự án “dệt duyên” - kể: “Chúng tôi đi từ quận 12 xuống tới huyện Hóc Môn (TPHCM) và cả tỉnh Long An để gặp mặt, trao đổi và xác minh. Sau khi gặp gỡ hết các cặp đôi mới đánh giá theo các tiêu chí mà nhóm đặt ra, để đưa ra quyết định cuối cùng. Chúng tôi luôn tin rằng, mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo nên thay đổi lớn. Hy vọng, thông qua sự kiện này, tinh thần ấy sẽ chạm đến trái tim của nhiều người hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Hà trong ngày chụp ảnh cưới
Ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Hà trong ngày chụp ảnh cưới

Khâu kết nối nhà tài trợ cũng chẳng dễ dàng với các bạn trẻ. Đại diện nhóm cho biết, các thành viên đã thay nhau “săn” nhà tài trợ trên khắp các trang mạng; gửi mail, nhắn tin, gọi điện cho khoảng 80 đơn vị, nhưng đa phần đều không nhận được phản hồi. May mắn đã mỉm cười với nhóm vào phút cuối khi có 1 đơn vị áo cưới hứa giúp đỡ vô điều kiện. Ngay sau đó, 1 nhà hàng cũng đồng ý hỗ trợ một phần chi phí cho ý tưởng lễ cưới tập thể ý nghĩa này.

“Chúng tôi gọi hành trình vừa qua là hành trình 2 tháng “dệt” nên kỳ tích yêu thương. Đây không chỉ là dự án tốt nghiệp mà còn là cách trao truyền thông điệp tích cực. Giờ đây, khoảnh khắc chứng kiến các cặp đôi vui vẻ chụp ảnh cưới, hạnh phúc sánh bước vào lễ đường, chúng tôi chỉ muốn thốt lên thật to: Tụi mình làm được rồi!”.

Bà Tôn Nữ Nguyên Ánh - giảng viên Trường cao đẳng FPT Polytechnic - đánh giá: “Bản thân tôi là giảng viên hướng dẫn nhưng đã có lúc tôi khuyên các em nên từ bỏ, đổi dự án, vì thời gian không cho phép cũng như rất khó tìm được các cặp đôi đúng với tiêu chí chương trình. Nhưng khi tôi tham dự buổi lễ, nhìn thấy và lắng nghe câu chuyện của các cặp đôi, tôi biết các em đã làm được. Tôi không nghĩ những bạn trẻ mới mười mấy, hai mươi tuổi đầu đã có thể làm được một chương trình ý nghĩa như thế. Tôi rất tự hào và mong các em sẽ tiếp tục lan tỏa những điều tử tế”.

Nhã Chân
Nguồn ảnh: Nhóm RingsRing

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI