Đất nước có 500 bác sĩ đối mặt đợt bùng phát COVID-19 mới

29/03/2021 - 06:30

PNO - Papua New Guinea (PNG), một quốc gia nằm trong khu vực quần đảo Thái Bình Dương, đang đứng trước một đợt bùng phát COVID-19 mới với số ca tăng lên 4.600. Điều đáng quan ngại là đất nước 9 triệu dân này hiện đang có một hệ thống y tế khá yếu kém với chỉ 500 bác sĩ.

 “Thật là đáng sợ khi không có bất kỳ cơ sở y tế nào mở cửa, hoặc rất hạn chế mở cửa và bạn không thể dễ dàng gì để tìm đến các cơ sở đó trong những ngày này. Tôi cảm thấy rất khó thở và tôi không thể giải thích vì sao đất nước này lại lâm vào trình trạng như thế”, Reva-Lou Reva, trợ lý giám đốc quốc gia của chương trình hỗ trợ thuộc tổ chức phi lợi nhuận CARE International tại PNG, nói trong lo lắng.

Đám đông tại chợ Goroka ở Papua New Guinea ngày 26 tháng 3. Mọi người vẫn đi chợ bất chấp dịch coronavirus bùng phát ở nước này
Đám đông tại chợ Goroka ở Papua New Guinea ngày 26/3. Mọi người vẫn đi chợ bất chấp dịch COVID-19 bùng phát ở nước này

Cho đến gần đây, PNG mới thật sự phải đối phó với một đợt bùng phát mạnh của dịch COVID-19. Theo Đại học Johns Hopkins, chỉ riêng trong tháng 2 năm nay, PNG đã có 1.275 trường hợp nhiễm virus này. Và trong tháng 3, số ca nhiễm COVID-19 tại PNG đã tăng lên gấp ba lần, chạm con số 4.600 trong đó có 39 ca tử vong, trong số này có nghị sĩ Richard Mendani, 53 tuổi, vừa mất vào đầu tháng, theo số liệu của Đài phát thanh New Zealand.  

Hôm thứ Sáu tuần trước, PNG cũng cho biết có 560 ca nhiễm COVID-19 mới, con số cao nhất trong một ngày mà Thủ tướng James Marape đã thừa nhận đây là “đợt lây nhiễm rộng lớn nhất đất nước”.

Theo giới quan sát, những con số trên có thể vẫn thấp hơn số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh ở nhiều nước khác trên thế giới, nhưng đó lại là một thách thức lớn cho PNG khi nước này chỉ có khoảng 500 bác sĩ cho dân số 9 triệu người. Các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đang cảnh báo rằng hệ thống y tế của PNG có thể đứng bên bờ vực sụp đổ nếu tình hình lây nhiễm COVID-19 ở nước này không được kiểm soát.

Mọi người học cách phòng chống Covid-19 tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Port Moresby vào ngày 4 tháng 9 năm 2020
Mọi người học cách phòng chống COVID-19 tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Port Moresby 

Trên thực tế, trong gần một năm qua, PNG kiểm soát dịch COVID-19 khá tốt. Nước này có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/3 năm ngoái. Đó là một người đàn ông đi du lịch Tây Ban Nha về. Trong vòng 2 ngày, Thủ tướng PNG đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tạm ngưng tất cả các chuyến bay quốc tế cũng như nội địa, hạn chế việc đi lại giữa các tỉnh.

Chính phủ PNG đã lo lắng một đợt bùng phát mạnh của dịch COVID-19 sẽ trở thành một thảm họa cho đất nước và đã thực hiện một số biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn ngay từ đầu. Tính đến tháng 2 năm nay, PNG chỉ mới có 1.000 ca nhiễm. “Chúng tôi không có một hệ thống y tế khó có khả năng bảo vệ người dân trong tình trạng khẩn cấp như thế này khi COVID-19 đang đe dọa xâm nhập và lây lan rộng trên cả nước. Năng lực y tế hiện tại của chúng tôi không đủ để chiến đấu trong trận chiến này”, Thủ tướng Marape đã phát biểu tại Quốc hội vào ngày 2/4 năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông cho biết PNG chỉ có 500 bác sĩ, chưa tới 4.000 y tá, dưới 3.000 nhân viên y tế cộng đồng và chỉ có 5.000 giường bệnh.

PNG cũng là một trong những nước có những tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 người dân ở mức thấp nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018, nước này chỉ có 0,07 bác sĩ trên 1.000 người - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương tự tính trung bình của các quần đảo nhỏ ở Thái Bình Dương là 0,5; hay1,6 của thế giới; 2,6 của Hoa Kỳ, theo số liệu của năm 2017.

Hiện, các nhà chức trách PNG chưa khẳng định đâu là nguyên nhân khiến nước này phải đối diện với một đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh gần đây. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, quốc gia này có đường biên giới trên bộ với Indonesia, nơi đã có gần 1,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. Các quan chức PNG cho biết biên giới giữa hai nước đã được đóng cửa kể từ khi xảy ra đại dịch. Nhưng thực tế, một số người vẫn bất chấp việc này, theo Đài phát thanh New Zealand, và đây có thể là một nguyên nhân.

Đám đông xếp hàng khi cảnh sát hộ tống xe tang chở quan tài của Thủ tướng đầu tiên của Papua New Guinea Michael Somare ở Port Moresby vào ngày 11 tháng 3
Đám đông xếp hàng khi cảnh sát hộ tống xe chở quan tài của Thủ tướng đầu tiên của Papua New Guinea Michael Somare ở Port Moresby vào ngày 11/3/2021

PNG cũng thừa nhận tỷ lệ người dân làm xét nghiệm thấp có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca lây nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở nước này. Thêm vào đó, một số người vẫn xem nhẹ việc khai báo y tế khi đã nhiễm bệnh khiến cho số liệu công bố thiếu chính xác. Giới quan sát cảnh báo rằng tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn vào dịp Lễ Phục sinh năm nay khi nhiều người dân  PNG, vốn đa số theo đạo Thiên chúa giáo, sẽ trở về nhà, và kêu gọi các nước láng giềng của PNG như Úc và New Zealand giúp đỡ.

Một số nhà quan sát khác cho rằng số ca nhiễm COVID-19 ở PNG tăng mạnh thời gian gần đây còn có thể do các sự kiện liên quan đến tang lễ được tổ chức vào đầu tháng 3 để vinh danh Thủ tướng đầu tiên của PNG - Michael Somare, người đã qua đời ở tuổi 85 vào cuối tháng 2 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Theo đó, hàng ngàn người đã dự một tang lễ được tổ chức ở Port Morseby, nhưng rất ít người đeo khẩu trang, theo tờ ABC của Úc. Đám đông cũng tụ tập dọc theo các con phố khi xe tang chở linh cữu của ông Somare đi ngang qua. “Tôi e rằng đây chính là nguồn có nguy cơ lây lan nhanh nhất”, McMahon, Giám đốc quốc gia của CARE International tại PNG, nói.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI