Trung Quốc cần gì ở Papua New Guinea?

12/12/2020 - 20:13

PNO - Việc Bắc Kinh xây dựng một chiến lược đánh bắt cá ở Papua New Guinea (PNG), một quốc gia nằm ở Tây nam Thái Bình Dương, và ký với thủ đô Port Moresby của PNG biên bản ghi nhớ về việc xây dựng khu liên hợp chế biến hải sản trên đảo Daru chỉ cách lục địa Úc 200km, đã dấy lên những ngờ vực ở nước Úc.

Dự án đảo Daru của Trung Quốc có thể không thu hút sự chú ý của dư luận, vì dự án 527 triệu kina (146 triệu USD) này chỉ là một trong danh sách dài các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc ở các nước đang phát triển, được lên kế hoạch theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - kế hoạch hàng tỷ USD của Trung Quốc nhằm xây dựng các kết nối quốc tế thông qua đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Nội dung của dự án Daru là xây dựng một "khu công nghiệp thủy sản đa chức năng toàn diện" và giữa tháng 11/2020, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ để thúc đẩy kế hoạch này. Nếu dự án được xây dựng, nó có thể giúp Papua New Guinea tối đa hóa năng lực đánh bắt thương mại trong khu vực, với một nhà máy do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò trung tâm cho tàu đánh cá và các lô sản phẩm đánh bắt.

Nhưng tổ hợp này chỉ cách lục địa Úc khoảng 200km, và khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra xấu đi đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên, thì tổ hợp đánh bắt cá ở PNG không chỉ đơn thuần là một tổ hợp đánh bắt cá.

Trung Quốc và Papua New Guinea đã ký một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng khu liên hợp chế biến thủy hải sản trên đảo Daru - Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc và Papua New Guinea đã ký một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng khu liên hợp chế biến thủy hải sản trên đảo Daru - Ảnh: Shutterstock

Trong tuần, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố một bài báo cho biết một dự án thăm dò tài nguyên lớn của chính phủ Trung Quốc ở ngưỡng cửa phía bắc nước Úc “không nằm trong lợi ích chiến lược của đất nước”.

Mặc dù kế hoạch xây dựng cơ sở đánh cá không đưa ra nhiều chi tiết, nhưng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh tiếp tục quan tâm đến Papua New Guinea và khu vực quần đảo Thái Bình Dương bất chấp những trục trặc trước đó. Nó cũng nằm trong bối cảnh Canberra đã tăng cường cam kết với các đảo quốc Thái Bình Dương theo khẩu hiệu “Nâng bước Thái Bình Dương”, cam kết bắt đầu “một chương mới trong quan hệ với gia đình Thái Bình Dương”.

Cách tiếp cận năm 2016 - được nhiều người coi là phản ứng của Canberra đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực - bằng cách cung cấp nguồn vốn thay thế cho đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và gần đây là cung cấp vắc-xin COVID-19.

Tuy nhiên, những nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Úc vấp phải những trở ngại, khi các đảo quốc Thái Bình Dương thúc giục Canberra làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn đề mà họ coi là mối đe dọa hiện hữu.

Graeme Smith, một thành viên Khoa Các vấn đề Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc (ANU), cho biết “còn quá sớm để nói nhiều về dự án đánh cá đảo Daru”. “Một lễ ký kết Biên bản ghi nhớ ở Papua New Guinea gần như không có ý nghĩa gì, chúng chỉ là chuyện vặt”, ông nói.

“Cần phải kết hợp rất nhiều thứ. Công ty Trung Quốc cần có đủ năng lực để điều hành một dự án lớn ở PNG - một điều chúng tôi rất nghi ngờ. Ngay cả khi có sự hậu thuẫn của nhà nước, những dự án này vẫn có thể trở nên tồi tệ”, ông Smith nói, và cho biết thêm, “Trung Quốc đã đầu tư vào một dự án đánh bắt khác ở phía bắc Papua New Guinea, nhưng không có kết quả”.

Trong khi đó, ông Michael Fabinyi, chuyên gia nghiên cứu quản trị nghề cá khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Công nghệ Sydney (Úc), cho biết “lợi ích đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài của Trung Quốc thường gắn chặt với lợi ích chiến lược”.

Ông Fabinyi phân tích: “Điều này có thể quan sát thấy trong khái niệm ‘quyền lực mềm’ - ví dụ, đầu tư vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - và về ‘quyền lực cứng’".

Tuy nhiên, Trung Quốc quan tâm đến Papua New Guinea -  đảo quốc lớn nhất ở Thái Bình Dương - cả trong nhiều lĩnh vực khác. Theo nhà nghiên cứu Sarah O’Dowd của ANU, vào cuối năm 2018, trong số 15 khoản đầu tư trên 100 triệu USD của Trung Quốc vào Papua New Guinea, 60% thuộc về vận tải, bất động sản và kim loại. Papua New Guinea ngày càng trông cậy vào việc cung cấp tài chính của Trung Quốc.

Trong số 15 khoản đầu tư trên 100 triệu USD của Trung Quốc vào Papua New Guinea, 60% thuộc về vận tải, bất động sản và kim loại.
Trong số 15 khoản đầu tư trên 100 triệu USD của Trung Quốc vào Papua New Guinea, 60% thuộc về vận tải, bất động sản và kim loại

Ian Kemish, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Úc nghiên cứu về Papua New Guinea, nói rằng sau khi chứng kiến ​​nhiều thương vụ của Trung Quốc đổ bể, ông không tin rằng dự án thủy sản mới nhất của Trung Quốc sẽ “có kết quả cụ thể”. Ông Kemish cho biết “Trung Quốc không có các dự án thành công bền vững ở Papua New Guinea cũng như khu vực Thái Bình Dương”.

Ông phân tích: “Các tổ chức Trung Quốc có xu hướng ‘dội từ trên xuống’, cho rằng công việc sẽ thành công nếu các thỏa thuận được thực hiện ở cấp cao nhất. Điều này sai. Trên thực tế, PNG và các nền văn hóa Thái Bình Dương hoạt động theo cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận, các chủ đất riêng lẻ và các bên liên quan khác ở địa phương có thể từ chối các giao dịch được thực hiện ở cấp quốc gia nếu bản thân họ không được tham vấn và nếu không có lợi ích địa phương rõ ràng”.

Thanh Hải (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI