Đám cưới của hai liệt sĩ: Họ đã cập bến nợ duyên

27/07/2022 - 15:37

PNO - Giữa trưa có một đôi trai gái chèo thuyền qua sông Đò Vàng (nhánh thượng nguồn của sông Gianh, tỉnh Quảng Bình). Gần tới bờ thì xuất hiện một đoàn máy bay phản lực gầm rú. Thuyền chòng chành rồi hai người nam nữ nhào xuống sông và không thấy họ bơi lên. Thế là tôi chạy lên bờ hô hoán cứu người bị nạn”, cặp vợ chồng đánh cá kể lại.

Dồn ngày phép để tổ chức cưới 

Lần vượt sông nghiệt ngã vào trưa 29/12/1972 ấy đã cướp đi hai người đồng đội cũng là đôi lứa yêu nhau. Dòng nước xiết mùa đông lạnh giá tưởng đã cuốn phăng lời nguyện ước loan phụng hòa duyên. Nhưng không, 50 năm sau, vào tháng 4/2022, liệt sĩ Nguyễn Thị Diện - Đặng Văn Cự đã được hai gia đình tổ chức hôn lễ trang trọng tại gia đình chị Diện ở xã Nam Sơn, H.Đô Lương, tỉnh Nghệ An và gia đình anh Cự tại xã Đông Lỗ, H.Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Cũng mâm cao cỗ đầy với trầu cau, trà rượu, bánh phu thê, cũng xúng xính khăn áo, hoa cưới lộng lẫy trên tay cô dâu - chú rể (bằng hình nộm giấy), đám cưới đầy đủ lễ vật, nghi thức như đám cưới thông thường. Ông Nguyễn Hữu Tường (em trai của liệt sĩ Diện) dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, trước linh vị liệt vị gia tiên, chư tiên linh, ước mơ của anh chị suốt đời bên nhau từ đây đã được gia đình, họ hàng đôi bên chấp thuận. Ước mơ sâu thẳm của một đời người bây giờ mới thực hiện được”. Bởi hương trầm hay bởi không khí thiêng liêng quá đỗi mà ai ai cũng nghe mắt mũi cay cay. Không gian ấm cúng nhưng thinh lặng đến lạ. Trên bàn thờ là di ảnh nữ liệt sĩ xinh tươi, nhoẻn miệng cười.

Di ảnh vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Thị Diện - Đặng Văn Cự
Di ảnh vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Thị Diện - Đặng Văn Cự

Khi hai gia đình đặt lễ vật lên hai mộ phần anh chị tại nghĩa trang liệt sĩ Hải Thanh và khấn nguyện các đồng đội anh em về đây chứng giám lễ thành hôn, có con bướm trắng từ đâu sà xuống đậu trên bó hoa trên mộ chị Diện và lát sau, bát hương bỗng cháy rực. Không biết do ngẫu nhiên hay chuyện tình thiết tha của anh chị đã động lòng đất trời.

Dù tuổi cao, đầu óc nhiều khi lẩn thẩn nhưng nghe nhắc đến liệt sĩ Diện, người chị Cả liền chặc lưỡi, nói: “Dì nó đẹp gái nhất nhà, giỏi nhất nhà mà sớm hy sinh, thương quá!”. Còn trong ký ức của ông Tường, chị Diện là một thiếu nữ lý tưởng. Xinh xắn, mái tóc dài phủ lưng, chị Diện rất năng động, tài giỏi, viết đẹp, vẽ đẹp, bắn súng cũng hay, tính toán cũng rành rẽ. 

Ở tuổi 25, chị phải lòng anh Cự (sinh năm 1946, lớn hơn chị một tuổi, làm cùng đơn vị - Công ty Đường sắt 769). Tình yêu lớn lên trong bom đạn ác liệt trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam tải lương thực, đạn dược xuyên qua đất Quảng Bình hay trong những bữa cơm giữa rừng, chị là quản lý bếp ăn còn anh là bếp trưởng.

Bức thư gửi vào năm 1972 đã mục nát, nhưng lời chị viết cho mẹ và gia đình vẫn hằn trong trí ông Tường: “Con để dành phép bốn năm chưa đi để mùa xuân năm tới, năm 1973, con sẽ về tổ chức giới thiệu rể người Bắc cho gia đình biết, tiến tới vu quy”. Vui mừng chưa lâu, chỉ hơn tháng sau, gia đình nhận tin sét đánh: Cả con gái lẫn người con rể sắp ra mắt đều đã bị dòng nước cuốn đi. Mẹ khóc mấy ngày liền, các con cháu thay nhau túc trực bên cạnh.

Đám cưới “Nối vòng tay lớn”

Chiều cùng ngày xảy ra biến cố, đồng đội, bà con nhân dân hai bên bờ sông vô cùng thương tiếc, đã chôn cất hai liệt sĩ trên dốc bờ sông Đò Vàng. Gia đình anh Nguyễn Phong Vũ (em kết nghĩa, đại gia đình từng cưu mang chị Diện, anh Cự lúc sơ tán) đã chăm lo hương khói, cúng giỗ. Cuối năm 1993, gia đình anh Vũ quy tập mộ anh chị về hội trường Huyện đội H.Tuyên Hóa, Quảng Bình và thờ phụng hai ngày đêm, sau đó chuyển giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình quản lý.

Trải qua hành trình gian nan, thử thách, ông Tường mới tìm được mộ chị Diện. Tuy nhiên, khi đã tìm được đích xác mộ chị tại nghĩa trang liệt sĩ Hải Thanh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), gia đình quyết định không đưa chị về nghĩa trang tại tỉnh nhà Nghệ An. Ông Tường suy luận: Có thể chị mang tình sâu nghĩa nặng với mảnh đất Quảng Bình, không nỡ xa những ân nhân đã chăm sóc mộ phần chu đáo như người ruột thịt.

Hai họ cùng các ân nhân kết nối để có được hôn lễ viên mãn của cặp đôi liệt sĩ
Hai họ cùng các ân nhân kết nối để có được hôn lễ viên mãn của cặp đôi liệt sĩ

Lẽ khác, còn có các đồng đội chị cũng đã cống hiến máu xương cho hòa bình, độc lập và cũng tề tựu nơi này. Đặc biệt, nếu đưa hài cốt chị về thì người yêu là anh Cự nằm đây sẽ đơn lẻ, lạnh lẽo. Ông Tường cũng không biết cách nào để liên lạc với gia đình anh Cự, không biết giờ ai còn ai mất. Ông vẫn đau đáu trong lòng nỗi khát khao hạnh phúc hôn nhân của hai người đã khuất. Khát khao bình dị ấy phải dở dang cũng bởi chiến tranh tàn khốc.

Gia đình anh Cự ở Bắc Giang mãi không có manh mối gì để tìm mộ, chỉ biết anh tham gia cách mạng được bốn - năm năm thì hy sinh, chưa một lần về thăm nhà. Thật ra, mấy chục năm về trước, bố anh Cự có đạp xe đi tìm mộ anh và tìm được, nhưng khi về ông liền ngã bệnh rồi mất, thông tin mộ phần cũng theo ông nằm dưới ba tấc đất. 

Trong những dịp gia đình quây quần sum họp, bà mẹ lại nhắc con trai cả là Cự và dặn dò các cháu cố gắng tìm mộ cho được. Bà kể anh Cự đã có người ý hợp tâm đầu, quê ở Nghệ An, hình như tên là… Diễn. Bà gượng sống đến tuổi 95, mỏi mòn trông ngóng con về dù trong hình hài một nắm xương. Và đã không còn kịp…

Các cháu tận dụng mọi cách để tìm mộ nhưng vô vọng. Cho đến đầu năm 2022, thông qua thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ (ngụ tỉnh Bình Dương, linh hồn của trang web www.nguoiduado.vn chuyên kết nối tìm mộ liệt sĩ trên toàn quốc), vợ chồng chị Đặng Thị Ánh (cháu gọi bằng bác Cự) mới vén được bức màn bí mật. Chị nghẹn ngào, thốt: “Đúng là bác nằm đây rồi”.

Dù thông tin trên bia mộ chưa thật chính xác nhưng đúng họ tên, ngày hy sinh và ngôi mộ bên cạnh khắc tên Nguyễn Thị Diện (quê Nghệ An) như lời bà kể. Trên hai ngôi mộ có nến và chai nước giống nhau chứng tỏ có người nào đó đã biết rõ tình cảm của hai người thuở còn sống và chiến đấu. 

Cũng thông qua nhịp cầu thầy Sỹ Hồ, chị Ánh đã liên lạc được với gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Diện, cụ thể là bác Tường. 

Sau những cung bậc cảm xúc, hai gia đình gạt bỏ mọi nghi ngại, dần hiểu nhau và thêm gắn bó. Khi chị Ánh bày tỏ nguyện vọng tổ chức một mâm cơm cho hai bác nên duyên cầm sắt và cũng để tri ân bao người đã giúp đỡ, hai họ đều nhất nhất tán đồng. 

“Người dương đã phấn khởi, chắc chắn người âm cũng phấn khởi, mãn nguyện. Có thể nói đây là đám cưới “nối vòng tay lớn” vì có đủ mặt đại gia đình Bắc Trung Nam, có đủ mặt họ hàng hiện diện lẫn anh linh của bao chiến sĩ đang rì rầm chúc phúc cho anh chị tôi. Kết nối cho anh chị được trọn bản tình ca cũng là kết nối cho hai gia đình từ chỗ xa lạ, cách nhau hàng trăm cây số trở nên một nhà, rồi đây sẽ buồn vui có nhau, nâng đỡ nhau trong cuộc sống”, ông Nguyễn Hữu Tường hân hoan chia sẻ. 

Mong được “rước dâu” về nghĩa trang quê nhà

Mặc dù bác Đặng Văn Cự đã được yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ nhiều năm nhưng hồ sơ công nhận liệt sĩ của bác vẫn chưa được hoàn tất như bác gái. Chúng tôi mong bác Cự sớm được công nhận liệt sĩ và được đưa về nghĩa trang huyện nhà Hiệp Hòa. Sau lễ cưới, bác gái cũng đã được điền tên vào gia phả họ Đặng nên nguyện vọng gia đình là được đón cả vợ chồng bác về nghĩa trang huyện nhà để các em, các cháu sớm hôm hương khói.

Chị Đặng Thị Ánh

Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI