Đã thương là thương tận đáy lòng

14/07/2021 - 09:59

PNO - Người ta thường bảo yêu ở con tim, nhưng thương là từ tận đáy lòng. Thương một người nào đó có khi quặn thắt ruột gan.

Cảm giác yêu hừng hực, rực rỡ như mặt trời bình minh, còn cảm giác thương nhẹ nhàng, lắng đọng như mặt trời lúc hoàng hôn xuống…

Tôi tham gia một group các mẹ bỉm sữa và đọc được tâm sự của người mẹ trẻ. Cô ấy vừa sinh xong, chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt. Cô nhờ các mẹ bỉm sữa tư vấn cách để “chỉnh đốn lại nội bộ”. Và, trong số nhiều lời khuyên, có chị thẳng thừng: “Nếu chồng đã như vậy thì dẹp cho rồi”.

Một chị khác góp ý: “Cho anh ta mang một cái gối bằng trọng lượng của em bé và nước ối, bắt anh ta mang đủ 9 tháng 10 ngày để anh ta hiểu cảm giác khổ cực khi mang thai. Rồi dắt anh ta vào phòng sinh để chứng kiến cảnh một người mẹ trong quá trình vượt cạn một mình, tận mắt nhìn thấy cảnh người ta banh da xẻ thịt để sinh con…”.

Bao nhiêu “hiến kế” của các bà mẹ vẫn không làm cho người mẹ trẻ tin tưởng vì thực ra, những cách đó, dường như cô đã làm rồi. Cô bảo, nếu nói lại, cô sẽ bị chồng đánh lập tức. Vậy là đã rõ, sự thật là, người chồng này chưa từng thương vợ của mình.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Đàn ông chưa “thương” vợ, anh ta sẽ lạnh nhạt, thờ ơ khi vợ “không còn nguyên vẹn” sau hành trình sinh nở đầy đau đớn. Nếu “thương”, cho dù vợ anh ta có xấu cách mấy hay “không nguyên vẹn” như lúc đầu, anh ta vẫn sẽ quan tâm, thậm chí thương hơn gấp bội.

Vì chỉ mới “yêu” nên khi vợ mất đi hình ảnh đẹp đẽ, lung linh thuở ban đầu, anh ta lập tức thấy hụt hẫng và chán ngán. Anh ta chưa đủ tình thương với người “đầu ấp tay gối” với mình.

Đã thương vợ, anh ta phải phụ vợ chăm con, phải thức cùng vợ mỗi khi con đau ốm, phải tức tốc cùng vợ ôm con đến bệnh viện nếu con bị nóng sốt; phải tìm đọc tài liệu, kinh nghiệm để biết cách chăm con.

Đã thương vợ, anh ta phải tranh thủ thời gian dành cho vợ, san sẻ bớt nỗi cơ cực của vợ, chia sẻ bớt việc nhà để vợ có được giấc ngủ ngon.

Đã thương vợ, anh ta phải thương luôn đầu tóc rối bù của vợ, phải thương cả những giọt sữa tanh nồng đóng khô trên ngực áo hay cái mùi nước tiểu của con lúc nào cũng “thường trực” trên người của vợ. Đã thương vợ, anh ta sẽ không “đòi hỏi” khi thấy vợ vừa chợp mắt…

Chữ yêu dù thi vị nhưng dễ dàng thay đổi. Còn chữ thương để nói được với nhau rất khó. Chữ thương nặng lắm, để thương một người, nhất thiết phải thấu hiểu và đồng cảm với những nỗi đau hay khuyết điểm của họ. Cho nên, nói thương một người đâu dễ.

Tôi có một người bạn. Vợ bạn sinh cho bạn ba đứa con trai. Dù bạn là người hay chữ nghĩa, nhưng khi nói về vợ bạn rất kiệm lời, hoặc bạn chỉ nói mỗi hai tiếng “thương mình”.

Bao giờ cũng vậy, hễ nhắc đến vợ bạn lại dùng chữ “thương”. Bạn hiểu một người phụ nữ dám đánh cược tính mạng để sinh cho bạn ba đứa con quý báu thì không chỉ yêu mà còn rất thương.

Dạo lâu trước tôi có xem talk show của một đạo diễn nổi tiếng. Nhắc về vợ, anh nói rằng khi bước vào phòng sinh, chứng kiến cảnh vợ đớn đau vượt cạn, lúc đó anh chỉ còn biết duy nhất một điều là mình phải thương người phụ nữ này đến hết cuộc đời.

Cách đây mấy tháng, tôi dẫn các con về quê thăm ngoại. Dịp đó, chồng tôi bận việc nên không thể đi cùng. Một tuần ở quê, vợ chồng tôi vẫn thường gọi điện chuyện trò vui vẻ.

Vậy mà, lúc vào, vừa xuống sân bay, thoáng thấy dáng chồng đứng ở cổng đợi, tôi thấy thương anh vô hạn. Tôi thương cái dáng nhỏ thó của chồng lọt thỏm giữa đám đông, thương cái vẻ mặt gầy gò hốc hác của anh sau một tuần mất ngủ vì “không có vợ con, anh nhớ”. 

Người ta thường bảo yêu ở con tim, nhưng thương là từ tận đáy lòng. Thương một người nào đó có khi quặn thắt ruột gan.

Nhiều đôi vợ chồng trải qua nhiều sóng gió, họ càng thương nhau hơn, vì bao thử thách cuộc đời họ đã trải cùng nhau. Tình yêu, phải thật sự lớn lao mạnh mẽ thì mới có thể trở thành tình thương được. Bởi vì, chữ thương nặng lắm! 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI