Cuối đời, cha phải kiện con

25/04/2023 - 06:33

PNO - “Tôi năm nay 83 tuổi, độ tuổi đáng được nghỉ ngơi thì phải đi thưa kiện các con, thật là quá đau lòng bạn già ơi”.

Sáng nay, đang ngồi sân nhà ngắm vườn kiểng, ông N.S. nghe có người kêu cửa, bước ra thì chợt thấy ông L.K. - bạn vong niên từ Long Thành, Đồng Nai - tìm đến chơi. Quá vui mừng, ông S. vội mở cửa mời bạn già vào nhà. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau khi ổn định chỗ ngồi, hớp xong ngụm cà phê đắng, chủ nhà chưa kịp hỏi thăm thì ông K. than vãn: “Tôi năm nay 83 tuổi, độ tuổi đáng được nghỉ ngơi thì phải đi thưa kiện các con, thật là quá đau lòng bạn già ơi”. Nghe bạn than, ông S. khơi gợi: “Vậy hả ông? Có chuyện gì ông kể tôi nghe!”.

Theo lời ông K., vợ chồng ông sống với nhau 45 năm hạnh phúc, 5 đứa con (3 gái, 2 trai) cho đến khi lập gia đình chúng vẫn tỏ ra ngoan ngoãn, hiếu thuận, làm ông bà rất hài lòng. Khoảng năm 2010, vợ chồng ông K. ra UBND xã lập 1 bản di chúc chung với nội dung cho 5 đứa con hưởng thừa kế 6 mảnh đất là tài sản chung của 2 vợ chồng (thời giá hiện nay khoảng 30 tỉ đồng).

Và như một dự báo, vừa hơn 1 năm sau khi lập di chúc thì vợ ông qua đời vì đột quỵ. Hơn 6 tháng sau thì ông và các con tiến hành thủ tục mở di chúc và kê khai di sản thừa kế. Tại văn phòng công chứng, ông quyết định dành gần hết phần tài sản của mình cho các con, chỉ giữ lại căn nhà nhỏ của 2 vợ chồng và quyển sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng để có cuộc sống độc lập.

Ông K. chặc lưỡi: “Điều tôi không dự phòng là bệnh tật tuổi già đến nhanh làm tốn kém tiền bạc phi mã nên số tiền tiết kiệm cũng nhanh hết. Tôi yêu cầu các con chu cấp thì đứa than nợ nần, đứa nói kẹt vốn, chỉ hỗ trợ số tiền tượng trưng… Không hài lòng nên tôi đề nghị các con trả lại một phần tài sản cho cha dưỡng già thì các con đều bảo đất đai ba cho tụi con đã thế chấp ngân hàng và bán rồi, giờ không đứa nào có dư, nên ba cần tiền thì bán nhà rồi chọn một đứa con để về sống chung.

Tìm hiểu thì tôi mới biết, các con tuy có nợ nần nhưng nguyên nhân chính là con trai thì sợ vợ, con gái thì khá giả, lo cho con cái chúng không tiếc nhưng lại chi li với cha từng đồng. Tôi nghĩ mãi, nếu bán nhà, mình về sống với đứa con nào cũng không ổn, chỉ có độc lập về tiền bạc mới là cách hay nhất.

Tôi quyết định tìm đến vài luật sư để được tư vấn pháp lý. Có 2 luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng mở di chúc là đúng và tôi tự nguyện tặng cho phần tài sản của mình cho các con thì nay khởi kiện tòa án sẽ bác yêu cầu. Nhưng quan điểm thứ hai thì cho rằng bản di chúc chung chưa có hiệu lực vì tôi chưa chết nên phải làm thủ tục hủy một phần nội dung trong bản di chúc chung (phần tài sản của tôi).

Tiếp sau đó tôi sẽ làm thủ tục mở bản di chúc này và kê khai di sản thừa kế từ vợ tôi thì tôi mới được tặng cho phần tài sản của mình. Tôi đã nộp đơn khởi kiện đề nghị hủy một phần di chúc chung và văn bản phân chia di sản thừa kế. Dù đã được tòa án thụ lý, tôi vẫn băn khoăn không biết tòa có chấp nhận yêu cầu hay không”.

Nghe xong câu chuyện của ông K., ông S. thở dài tếu táo mà chua chát: “Đúng là đất đai, đất là “die” theo tiếng Anh, dịch nghĩa tiếng Việt là “chết” đó. Giờ ông tìm luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, còn tôi chỉ có thể đồng cảm với bạn già thôi”. 

Ảnh mang tính minh họa - Master1305
Ảnh mang tính minh họa - Master1305

Lập di chúc bí mật

Với tình huống trên thì di chúc chung của vợ chồng ông K. được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2005, với một số quy định như sau:

Theo điều 624 và 663: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. 

Theo đó, di chúc chung của vợ chồng được thiết lập trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ tài sản dựa trên sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản của vợ chồng. Đây là sự thỏa thuận của các bên, không nhằm làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của bên kia mà nhằm thống nhất ý chí chung của 2 bên vợ, chồng trong việc định đoạt tài sản chung cho bên thứ ba và phân định tài sản cho người thừa kế cũng như việc thực hiện các quyền khác của người lập di chúc. 

Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi di chúc chung, cần có sự đồng ý của 2 bên, nếu không, một bên sửa đổi thì chỉ có quyền sửa đổi phần tài sản thuộc sở hữu của mình (khoản 2, điều 664). Về hiệu lực: Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết (điều 668).

Nên sau khi lập di chúc chung mà vợ hoặc chồng có một người chết trước, người còn lại muốn tiến hành thủ tục mở thừa kế, công bố di chúc thì trước hết phải tiến hành sửa di chúc chung theo hướng hủy một phần di chúc đối với 1/2 tài sản thuộc sở hữu của mình rồi mới lập văn bản phân chia di sản thừa kế. Trong trường hợp tổ chức công chứng không hướng dẫn vợ/chồng hủy phần di chúc của mình mà tiến hành thủ tục mở di chúc thì trái với quy định của điều 668, Bộ luật Dân sự 2005. Đương sự trong tình huống đó nộp đơn khởi kiện ra tòa án là có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, di chúc chung của vợ chồng cũng có mặt hạn chế cố hữu là vợ chồng chết cách nhau quá xa sẽ gây lúng túng cho các đồng thừa kế vì phải chờ người sau cùng chết, di chúc mới có hiệu lực nên Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) đã bỏ quy định này.

Do vậy, vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, muốn lập di chúc quyết định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung thì trước tiên phải tiến hành thủ tục thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, thỏa thuận này phải lập thành văn bản, được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật (điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Cuối cùng, tôi cho rằng việc cha mẹ lập di chúc cho con tài sản của mình nhiều khi rất nan giải, phải đấu tranh giằng xé nội tâm bởi chữ công bằng của cha mẹ với con cái thường có xu hướng tương đối, đặc biệt đối với những gia đình đông con.

Trong một số trường hợp, do cha mẹ già, không còn khỏe mạnh, minh mẫn, phải sống phụ thuộc con cái nên việc lập di chúc khó khách quan hoặc do cha mẹ tính cách hiền lành tin vào sự “đoàn kết giả cách” của các con mà do dự không lập di chúc, để khi có 1 người chết thì tranh chấp thừa kế phát sinh. 

Di chúc của cha mẹ cho con tài sản sau khi chết giảm thiểu tranh chấp, nhưng di chúc vốn rất nhạy cảm nên việc lập di chúc bí mật càng hay, để chúng ta còn có thời gian quan sát các con, còn đường lùi và phương án dự phòng bằng cách thay đổi, hủy bỏ nội dung di chúc hoặc tìm người “chọn mặt gửi vàng” để lập văn bản thỏa thuận giám hộ chăm sóc mình trong những ngày cuối đời.

Luật sư Trần Hoài Nhân 
Giám đốc Công ty Luật TNHH UNIBROS VN

Hoàng Sâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Hoàng Gia 06-05-2023 22:11:30

    Đúng là 1 mẹ nuôi 10 con chứ 5 con không nuôi nỗi người Cha của mình. Thật là quá tệ. Đau lòng người cha quá. Đơn giản là mỗi đứa con 1 tháng 1 triệu, đứa nào khá thì cho nhiều hơn. Tháng 5 triệu người già cũng tạm ổn rồi

  • Nguyễn Thị thùy Trang 26-04-2023 14:02:58

    Những đứa con bất hiếu này về sau sẽ nhận quả báo xứng đáng. Lẽ ra khi thấy cha mình già yếu bệnh tật phải cùng chung tay đóng góp để lo cho ông. Cha mẹ đã hy sinh cả đời lo cho mình, đem hầu hết tài sản chia cho chúng nó để giờ đây chúng nó tìm cách trốn tránh trách nhiệm đối với cha mình.

  • Ba SG 25-04-2023 17:47:12

    Ông này có năm đứa con nhưng cả năm đứa đều bất hiếu và mất dạy (và sắp đến độ lưu manh luôn rồi).
    Năm đứa này thì mai mốt con cháu tụi nó cũng bạc đãi nó y như vậy mà thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI