Cùng con tô màu mơ ước

11/12/2021 - 15:27

PNO - Có cậu bé chia sẻ ước mơ lớn lên con sẽ làm… người chở thức ăn nuôi cá. Điều này khiến cha mẹ bé bất ngờ và có phần thất vọng. Thế là cha mẹ tìm cách “bẻ lái, “cơi nới” ước mơ, nhưng cậu bé nhất quyết: “Con thích làm việc như chú Tuấn chở thức ăn cho ao cá nhà mình. Tụi cá thấy chú Tuấn mừng lắm, chúng bơi lại gần bờ, múa vây. Chắc tụi nó cảm ơn chú Tuấn”.

 

Đã ước sao không ước gì cho… sang?

Hồi tháng 5/2021, chị Hoàng Oanh (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) về quê Kiên Giang thăm cha mẹ và kẹt lại vì dịch bệnh. Điều này vô tình hiện thực hóa ước mơ làm nông dân của con gái chị. Bé vốn thích trồng rau nên dù ở căn hộ chung cư chật hẹp, chị vẫn thiết kế góc ban công thành khu trồng cây nho nhỏ để bé tỉa hạt, vun phân, tưới nước. Mỗi sáng thức dậy, bé háo hức ra xem hạt giống nứt ra mầm xanh mơn mởn. 

Ở quê ngoại đất rộng mênh mông, tha hồ cho bé trồng tỉa. Thu hoạch rau sạch bán cho các cậu dì được mấy chục ngàn đồng, bé hí hửng cho heo đất ăn, gặp ai cũng lắc heo để khoe. Mẹ Hoàng Oanh vui cùng con, nhưng bà ngoại gạt đi: “Làm nông dân cực lắm. Uổng công mẹ mày nuôi mày ăn học trên thành phố”. Câu nói của ngoại khiến bé ỉu xìu cả buổi.

Những ước mơ như làm nông dân, công nhân, tài xế, buôn bán… của trẻ thường dễ bị chê bai, cười cợt bởi “sao con không ước gì to to một chút, trở thành ông này bà nọ mà lại ước điều tầm thường, kém sang”. Ngược lại, không ít cô cậu bé thổ lộ ước mơ cháy bỏng của mình, người lớn lại phá lên cười vì “trên mây” quá: “Chịu nổi không? Hát dở, xấu xí, lại thêm sún răng mà đòi làm ca sĩ”. Những thái độ, lời nói vô ý vô tình ấy dập tắt ước mơ mới nhen của bé, có thể khiến bé trở nên dè dặt, e ngại, xa cách với người lớn, từ đó hạn chế tâm sự, bộc bạch những suy nghĩ sâu kín.

Chị Thu Thúy cùng con trai Gia Huy
Chị Thu Thúy cùng con trai Gia Huy

 

Từng ngày các con lớn lên thì ước mơ cũng vươn dậy theo hoặc đổi thay theo sở thích, nhận thức của lứa tuổi. Điều con ước muôn hình vạn trạng, đó có thể là nghề nghiệp tương lai; nguyện vọng được nhận điều gì trong cuộc sống, trong mối quan hệ hoặc điều ước hướng ra cộng đồng. Ước mơ không chỉ là câu nói bâng quơ của trẻ con mà phản chiếu phần nào những vốn sống, những quan sát, trải nghiệm và của giá trị ẩn sâu trong con. Ước mơ cũng là người dẫn đường cho con tự tin vững bước và từng ngày hoàn thiện nhân cách.

Một cô bé nghèo phải nghỉ học sớm, bán hàng rong phụ mẹ nuôi em, cô bé lớn lên trên hè phố ấy có ước mơ không? Nếu ai từng thấy ánh mắt cô bé khi hằng ngày tiết kiệm chút đồng lãi mua lúa rải một góc công viên cho chim bồ câu ăn, sẽ hiểu rằng cô bé ước mơ gì. Một ước mơ trong veo, ước mơ mang tên “cho đi” mà không cần cảm ơn hay báo đáp…

Nâng niu và chắp cánh những điều ước

Đến với cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” lần thứ 13 do Cathay Life Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2021, bé Lê Phúc Gia Huy (lớp Hai, Trường tiểu học Xóm Chiếu, Q.4, TP.HCM) tham gia với bức tranh mang tên “Em mơ làm chú bộ đội”. Bằng nét vẽ ngây thơ, sinh động, giàu cảm xúc, Gia Huy tái hiện cảnh các chú bộ đội oai dũng xông pha trong bão lũ, sạt lở đất… cứu giúp người dân, các bạn thiếu nhi. Các chú đã kịp thời cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn và tiếp tế đầy đủ mì gói, thức ăn.

Trong dịch COVID-19, được tận mắt nhìn các chú bộ đội hỗ trợ người dân tại hẻm nhà mình, cậu bé càng ngưỡng mộ. Cậu cũng nhanh nhảu cùng mẹ quyên góp, tiếp nhận lương thực, quần áo, thuốc men giúp người dân. Gia Huy khẳng định vẽ tranh dự thi không vì quà hay giải thưởng mà muốn cho mọi người biết con muốn sau này trở thành chú 
bộ đội.

Khi mẹ Lê Thị Thu Thúy hỏi: “Để trở thành một chú bộ đội mà cụ thể là chiến sĩ không quân như con mong muốn có khó không?”, bé Gia Huy nghiêm túc đáp: “Dạ, con biết ước mơ đó khó lắm nhưng con sẽ cố gắng hết sức. Nếu không được cũng không sao phải không mẹ? Miễn mình cố gắng thật nhiều là vui rồi phải không mẹ?”.

Vì hiểu ước mơ là người bạn đường tốt nhất của con nên chị Thu Thúy không bao giờ phủ định mà luôn nâng niu và đồng hành (dù theo thời gian, ước mơ kia có thay đổi). Chị sẵn sàng trao đổi những câu hỏi của con về lịch sử, các vị anh hùng, về những trận chiến chống giặc ngoại xâm. Có lúc mẹ con cùng đọc sách, lên mạng để tìm thông tin giải đáp tận cùng những điều con thắc mắc, vừa giúp con có thêm kiến thức, vừa đưa con nhích thêm một bước tiến gần hơn với hoài bão của mình.

Bé Gia Huy cùng bức tranh “Em ước mơ làm chú bộ đội”
Bé Gia Huy cùng bức tranh “Em ước mơ làm chú bộ đội”

 

Chị tôn trọng ước mơ của con vì nhận thấy niềm hạnh phúc rạng ngời khi con bày tỏ và cũng bởi chị có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ ngày nhỏ được thầy cô ở quê nhà Trà Vinh nâng đỡ niềm tin bằng câu nói mộc mạc: “Con nhỏ này dạn dĩ, ăn nói trôi chảy có tố chất làm giáo viên. Ráng học để mai này thực hiện ước mơ làm cô giáo nghen con!”. 

Lời động viên của thầy cô khiến chị bao lần ứa nước mắt vì cảm động. Mẹ bán hàng ở chợ, lại sức khỏe kém; ba chạy xe ôm, từng bữa chạy ăn đã khó, mong gì nối dài ước mơ, dù chị học rất giỏi, thi đỗ trường chuyên của tỉnh. Lo dang dở học hành, chị năn nỉ ba mẹ cho học tới nơi tới chốn, dù có phải vừa học vừa làm thêm kiếm tiền.

Từ bé, chị đã mê làm cô giáo đến nỗi cứ thỉnh thoảng các em họ, các bé hàng xóm gom lại là chị mở liền lớp học. Ai thấy “cô giáo bé Thúy” cầm thước chỉ lên bảng, mải mê giảng bài cho đám trẻ cũng khen: “Ra dáng cô giáo rồi!”. 

Nhờ dám ước mơ, nhờ lời động viên, tiếp sức của thầy cô mà cô bé nghèo ngày nào đã trở thành một giáo viên tiểu học đầy tâm huyết với nghề. Từ trải nghiệm đời mình, chị luôn khuyến khích học trò và con trai chia sẻ ước nguyện. Trong những bài tập làm văn, những bài học liên quan đến ước mơ, chị ghi nhận điều các con thể hiện để kịp thời chuyện trò, khơi gợi. Kể các con nghe về những gương thành công ở nhiều lĩnh vực là một trong những cách chị chắp thêm đôi cánh cho điều ước nhỏ.

Chị nói với các con rằng, trên con đường hiện thực khát vọng của mình, niềm vui, danh vọng luôn đi cùng thử thách, khó khăn, nên phải nỗ lực từng ngày. Chị giải thích, phân tích những ước mơ nào là quá xa vời, những ước mơ có khi không khéo phải đánh đổi nhân cách, tiền tài; những ước mơ nào thực tế, phù hợp sở trường của con và để đến đó thì từ bây giờ con phải chuẩn bị, tích lũy gì.

Chị Thu Thúy chia sẻ: “Khi trao đổi với con về ước mơ, người lớn tránh sa vào việc xúc phạm ngành nghề. Không ít phụ huynh dọa con nếu không lo học hành sau này đi quét rác, đi bán vé số… Vô tình khiến con có thái độ tiêu cực, khinh rẻ người làm nghề ấy. Tôi giúp con hiểu nghề nào nuôi sống bản thân và hữu ích cho xã hội cũng đáng trân trọng, vấn đề là con có phù hợp khả năng, có hài lòng và hạnh phúc trong lĩnh vực  ấy không”. 

Đôi lúc khi nghe một học sinh thổ lộ ước mơ, một số bạn khác đã cười chê, chọc ghẹo, chị lựa lời nhẹ nhàng chỉnh đốn. Với chị, mỗi ước mơ là một bức tranh mà đứa trẻ ấy đang chăm chút từng chi tiết, đặt trọn tâm huyết, tình cảm của mình. Bức tranh ấy cần được giữ gìn, cần được trân trọng để ngày một hoàn thiện hơn, tươi đẹp hơn, tỏa sáng hơn cho tất cả cùng chiêm ngưỡng. 

Tô Diệu Hiền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI