Trẻ được nuông chiều sẽ vô ơn?

Đừng yêu con sai cách

08/12/2021 - 12:25

PNO - Hành trình làm cha mẹ đi kèm vô vàn sự hy sinh không tên khi bạn sẵn sàng đặt lợi ích, hạnh phúc gia đình lên trên hết. Vì lẽ đó, chúng ta luôn mong nhận lại tình cảm trân trọng từ người thân, đặc biệt là con cái. Thế nhưng, để trẻ thấu hiểu thế nào là lòng biết ơn, mỗi bậc sinh thành cần có hướng tiếp cận đúng.

 

Nhiều bậc cha mẹ đôi khi khó phân định rạch ròi giữa việc hỗ trợ, bảo bọc con cái và hành động nuông chiều thái quá - điều dễ khiến trẻ ỷ lại vào người lớn đến mức hình thành thái độ vô ơn. Một đứa trẻ tức giận, la hét trước đám đông khi không có trong tay món đồ chơi hay cây kẹo ưa thích hẳn không phải hình ảnh chúng ta muốn chứng kiến hằng ngày.

Mặt khác, đã làm cha mẹ, bạn luôn mong con mình được hạnh phúc, hòa đồng với bạn bè, sống thoải mái với chính con người thật của trẻ. Đó là lý do cho những nỗ lực quan tâm, yêu chiều. Vậy làm thế nào để nhận ra ranh giới ở đây? Làm thế nào để giúp con trẻ học hỏi về sự đồng cảm và biết ơn? 

Cha mẹ nên tích cực trò chuyện, đem đến cho trẻ những hoạt động trải nghiệm mang tính mở rộng góc nhìn, giúp trẻ xây dựng thói quen san sẻ và cảm thông - ẢNH: INTERNET
Cha mẹ nên tích cực trò chuyện, đem đến cho trẻ những hoạt động trải nghiệm mang tính mở rộng góc nhìn, giúp trẻ xây dựng thói quen san sẻ và cảm thông - ẢNH: INTERNET

 

Khi yêu thương thể hiện sai cách

Cuối thập niên 1980, trong một bài báo khoa học, bác sĩ nhi khoa người Mỹ B.J.McIntosh đưa ra cụm từ “hội chứng trẻ hư”. Ông lý giải, nếu cha mẹ liên tục chiều theo mọi sở thích của con cái, điều đó có thể gây ra phản ứng tâm lý tiêu cực đối với trẻ về lâu dài. McIntosh quan sát thấy những đứa trẻ hiếm khi bị từ chối yêu cầu gì thường có khuynh hướng gắt gỏng, nổi cáu với phụ huynh khi không đạt được mong muốn. 

Gần đây hơn, nhóm nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học David Bredehoft (chuyên ngành Khoa học hành vi - Đại học Concordia, Saint Paul, bang Minnesota, Mỹ) nêu luận điểm tương tự rằng, việc đáp ứng mọi nhu cầu của con cái một cách thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ phát triển tâm lý tự phụ, vô ơn, vô trách nhiệm trong lối sống, hành xử thường nhật. Hệ quả tiềm tàng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. 

Nghiên cứu từ nhóm của Bredehoft đồng thời khẳng định việc yêu chiều con trẻ vô tội vạ ngay từ bé sẽ gây khó khăn cho trẻ trong việc học cách tự ra quyết định, buộc trẻ phải phụ thuộc nhiều hơn vào người khác. Nội dung nghiên cứu nhấn mạnh: “Thông thường, đứa trẻ được chiều chuộng vô độ dễ cảm thấy bất an về giá trị bản thân đến mức luôn cần sự tác động, lời khen của những người xung quanh”. 

Nhiều bác sĩ tâm lý trẻ em cũng đưa ra cảnh báo: Nếu được nuông chiều quá mức, khi lớn lên, trẻ có thể trở nên ích kỷ, vô ơn và tin rằng mình được quyền nhận đãi ngộ đặc biệt từ mọi người. Việc yêu chiều không giới hạn khiến trẻ không thể nhận thức rõ thế nào là đủ, dẫn đến xu hướng cư xử hời hợt, thiếu trân trọng quan hệ gia đình, bạn bè. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Trong khi không ít bậc cha mẹ sẵn lòng mở hầu bao thưởng cho con khi trẻ có kết quả học tập tốt, tự dọn dẹp phòng riêng hay đạt thành tích cao ở một cuộc thi, chuyên gia tâm lý học cho rằng việc này sẽ phản tác dụng nếu diễn ra thường xuyên. Những tưởng đây đơn thuần là hành động bù đắp khi trẻ biết phấn đấu, vậy nhưng việc tặng thưởng tiền/quà thường xuyên, trên thực tế lại ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy tự lập của trẻ. Từ đây, trẻ có thể hình thành lối suy nghĩ “cố gắng làm tốt để nhận thưởng” thay vì tìm kiếm niềm vui, bài học ý nghĩa thông qua những thử thách cuộc sống.

Trái ngược ý niệm phổ biến, việc khen thưởng - nuông chiều quá mức về lâu dài không thật sự giúp thúc đẩy sự tự tin, hạnh phúc ở trẻ. Tuy nhiên, giữa một thời đại mà trách nhiệm làm cha mẹ đang kéo theo hàng loạt áp lực mới đầy phức tạp, nhiều người vẫn tin rằng nuôi dạy con khỏe mạnh đồng nghĩa với việc không ngừng nâng niu, yêu chiều trẻ.

Suy cho cùng, mục tiêu cốt lõi trong chặng đường nuôi dạy con cái chính là nhằm tạo nên những cá nhân với tinh thần vững chãi - những con người có thể thích nghi linh hoạt trước mọi hoàn cảnh, hiểu đâu là giới hạn, không ngại học hỏi từ sai lầm, biết ơn và biết sẻ chia. Chiều chuộng con trẻ hợp lý, đúng mực là phương cách hữu hiệu để rèn giũa nền tảng tính cách vững vàng ấy, vốn sẽ đem đến lợi ích dài lâu cho thế hệ tương lai.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Buộc con cái sớm biết ơn cha mẹ là “điều không tưởng” 

Trong vai trò làm cha mẹ, dĩ nhiên chúng ta luôn mong những cống hiến, yêu thương vô điều kiện mình trao đi được con cái trân trọng. Nếu nên hạn chế yêu chiều thái quá, phụ huynh có thể đòi hỏi lòng biết ơn ở trẻ ngay từ đầu? Trước câu hỏi này, cây bút Maria Reppas của tờ báo gia đình Scary Mommy (New York, Mỹ) đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Cô viết: “Từ Hy Lạp sang Mỹ những năm 1920, như phần đông những người di cư khác, cha tôi từng nếm trải cảnh đói nghèo, chiến tranh.Đến khi đạt được giấc mơ đổi đời tại Mỹ, ông nhìn về thế hệ con cháu với nỗi thất vọng. Cha tôi luôn cho rằng chúng tôi được nuông chiều quá mức. Đã từng phải làm việc vất vả, ông đòi hỏi các con phải biết ơn mình và thường phàn nàn rằng chúng tôi không quan tâm đến việc ông đã hy sinh nhiều đến thế nào. Nay, cũng đã làm mẹ, tôi không ít lần chứng kiến những bậc phụ huynh nặng lòng suy tư về vấn đề con cái vô ơn. Duy tôi nghĩ, yêu cầu con trẻ sớm biết ơn chúng ta thật là điều không tưởng”.

Chúng ta không thể ép người khác trải nghiệm một cảm xúc nào đó. Giống như tình yêu, nỗi sợ hay hy vọng, lòng biết ơn là một loại cảm giác phức tạp, sâu sắc, chịu ảnh hưởng bởi đa dạng nhân tố bên ngoài. Vì thế, việc bắt ép con trẻ cảm thấy biết ơn có thể truyền tải một thông điệp tiêu cực: Chúng ta đang áp đặt khao khát cá nhân lên một xúc cảm tâm lý vốn dĩ nên được thấu hiểu tự nguyện và chân thành.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

“Trao cho con trẻ mái ấm, nguồn dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe mỗi ngày là nền tảng cơ bản của việc làm cha mẹ. Thế nên, có phải bạn đang vô tình làm giảm giá trị của thiên chức ấy khi đòi hỏi trẻ phải ý thức biết ơn bạn? Tôi thay tã, tắm rửa cho con đơn giản vì tôi yêu thương con và muốn làm thế. Tôi không kỳ vọng con sẽ biết ơn mình vì đây là nghĩa vụ tôi tình nguyện thực hiện” - Reppas nói. 

Toàn bộ thời thơ ấu sống với gia đình, trẻ không được phép tự đưa ra những quyết định lớn lao, tác động trực tiếp đến tương lai trẻ. Chúng ta là người lựa chọn con cái sẽ sống ở đâu, học ở đâu, mặc gì, ăn gì… kể cả kế hoạch thăm họ hàng vào dịp cuối tuần. Sự quản lý, dạy dỗ gần như vào khuôn ở phần lớn các gia đình khiến con trẻ rất khó cảm thông, biết ơn cha mẹ ngay từ nhỏ.

Hơn thế, như những chú chim non nớt chưa thể bay xa khỏi tổ, trẻ nhỏ hình thành tư duy cuộc sống dựa trên định hướng của cha mẹ, thầy cô. Thế nhưng, để thật sự hiểu lòng biết ơn là gì, chúng ta cần góc nhìn rộng mở, chín chắn về thế giới bên ngoài. 

Reppas bày tỏ: “Dẫu cha tôi đã nỗ lực giáo dục con cái sống khiêm nhường, không đua đòi nhưng phần nào đó, ông vẫn thất bại khi không cho phép chúng tôi hiểu tường tận về lòng biết ơn. Mãi sau này, khi có cơ hội khám phá những nền văn hóa, lối sống khác xa mảnh đất nơi tôi sinh ra, tôi mới cảm nhận rõ thế nào là đồng cảm và biết ơn.

Tôi nghĩ những bậc phụ huynh tốt đừng nên tạo sức ép lên con trẻ về sự biết ơn. Thay vào đó, hãy tích cực trò chuyện cũng như đem đến cho trẻ những hoạt động trải nghiệm mang tính mở rộng góc nhìn, giúp trẻ xây dựng thói quen san sẻ và cảm thông không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn với cộng đồng, xã hội”. 

Như Ý

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI