COVID-19 khiến các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng khó khăn

06/05/2020 - 05:47

PNO - Các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nhóm thị trường mới nổi sẽ giảm 1% tăng trưởng trong năm 2020.

Cho đến nay, viễn cảnh liên quan đại dịch COVID-19 vẫn được nhìn nhận chủ yếu từ góc độ của các nước giàu, nhưng những tác động khắc nghiệt nhất của nó lại ảnh hưởng đến những người nghèo.

Số ca nhiễm có thể chỉ là bề nổi tảng băng

Các ca nhiễm COVID-19 ở châu Phi tăng gần 50% trong tuần cuối tháng Tư, còn Ấn Độ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân mới dù đã thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội. Một số ổ dịch tồi tệ nhất thế giới đang bùng phát ở các quốc gia như Brazil, Ecuador và Thổ Nhĩ Kỳ. Tâm chấn đại dịch có thể dễ dàng quay trở lại châu Á hoặc chuyển sang Mỹ Latinh.

Người dân ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia… có thể đối mặt với cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters
Người dân ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia… có thể đối mặt với cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Ngoài tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, COVID-19 còn là mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng. Các thị trường mới nổi - nhóm nước nghèo, phát triển nhanh từ vốn đầu tư nước ngoài - có thể mất đi vị thế “ưu ái” của mình. Hiện những quốc gia nghèo vẫn được kỳ vọng vượt qua đại dịch. Dữ liệu chính thức của Ấn Độ tính đến đầu tháng Năm chỉ ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong, ít hơn nhiều so với hơn 60.000 ca tại Mỹ. Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng tương đối nhẹ. 

Một loạt các lý thuyết cố gắng giải thích thành công này, từ ban hành lệnh giãn cách kịp thời đến dân số trẻ và thời tiết ấm áp. Nhưng thực tế, số ca nhiễm thấp có thể do thiếu khả năng xét nghiệm trên diện rộng, hoặc đơn thuần do may mắn, nên khó có thể kéo dài. Ngay cả khi tìm ra cách tránh vi-rút, các quốc gia nghèo hơn vẫn bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ kinh tế toàn cầu. Chương trình Lương thực thế giới cảnh báo rằng, hơn 30 quốc gia nghèo - phần nhiều ở châu Phi - đang đứng trước nạn đói, trong khi Ủy ban Cứu hộ quốc tế dự đoán, có tới 1 tỷ ca nhiễm ở các quốc gia mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Tác động kinh tế tiêu cực trong nhiều năm

Các nước giàu hơn chỉ băn khoăn về cách khởi động lại nền kinh tế và tránh các đợt lây nhiễm tiếp theo thông qua xét nghiệm hàng loạt và khoanh vùng ca nhiễm. Nhiệm vụ này rất khó, ngay cả với các quốc gia như Đan Mạch và Singapore. Vì vậy, nhóm quốc gia có năng lực kiểm soát hạn chế và hệ thống y tế chắp vá sẽ đối mặt chu kỳ nới lỏng - siết chặt chính sách giãn cách, liên tục trong thời gian dài.
Ngay cả khi tránh được tai họa y tế công cộng, các quốc gia đang phát triển vẫn phải đối phó với hai thách thức cấp bách hơn: mối đe dọa ngắn hạn của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính, sau đó là vấn đề dài hạn về hiệu quả kinh tế yếu kém.

Các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nhóm thị trường mới nổi sẽ giảm 1% tăng trưởng trong năm 2020, con số có vẻ tốt hơn nhiều so với mức giảm 6% ở những nước giàu hơn. Nhưng do nhóm thị trường mới nổi bao gồm cả Trung Quốc - nền kinh tế khổng lồ đang phục hồi tương đối nhanh chóng sau đại dịch - con số thực tế chênh lệch khá nhiều giữa các quốc gia. Những nước phụ thuộc vào du lịch, kiều hối đang lao dốc nhanh hơn. Các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh đặc biệt mong manh: Brazil, Nam Phi dự kiến suy giảm tăng trưởng từ 5% trở lên.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, 30 quốc gia mới nổi lớn nhất thế giới đang gánh khoản nợ 73.000 tỷ USD vào năm 2019. Nhiều quốc gia ở châu Á tập trung vào sản xuất dựa trên xuất khẩu sẽ dễ mất cân bằng thanh toán sau đại dịch. Các quốc gia nghèo cũng khó tìm kiếm thêm nguồn vốn, do tất cả các khoản nợ mới đều dựa trên giả định tăng trưởng ở mức thấp.

Tóm lại, trong nhiều năm sau đại dịch, hầu như không có nền kinh tế mới nổi nào đủ khả năng tạo ra mức tăng trưởng 7-8% như từng hứa hẹn. Ngoài ra, do các nền kinh tế mới nổi chiếm khoảng 3/5 sản lượng toàn cầu, xu hướng này cũng báo động cho phần còn lại của thế giới khi nhiều mô hình hội nhập tài chính và thương mại vốn thúc đẩy ba thập niên toàn cầu hóa và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo sẽ bị thu hẹp hoặc biến mất. 

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI