COVID-19 đẩy số người cần viện trợ tăng 40%, Tổng thống Trump triệu tập cuộc họp về vắc-xin

02/12/2020 - 06:55

PNO - Năm 2021, dự kiến 235 triệu người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới đối mặt với nạn đói, xung đột, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

COVID-19 thúc đẩy số người cần viện trợ tăng đột biến 40%

Liên Hợp Quốc cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy số người cần hỗ trợ nhân đạo trên toàn cầu tăng 40%, kêu gọi khoảng 35 tỷ USD để giúp nhiều người hơn vào năm tới.

“Nếu tất cả những người cần viện trợ nhân đạo vào năm 2021 sống ở một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia lớn thứ 5 thế giới. Đại dịch đã tàn phá khắp các nước mong manh và dễ bị tổn thương nhất”, Giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock nói.

Liên Hợp Quốc đã đề ra 34 kế hoạch ứng phó nhân đạo cho 56 quốc gia trong năm 2021, nhằm giúp đỡ 160 triệu trong số 235 triệu người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới đang đối mặt với nạn đói, xung đột, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 2/3 số người có nhu cầu vì những người còn lại, các tổ chức chẳng hạn như hội chữ thập đỏ, sẽ cố gắng đáp ứng và hỗ trợ”, ông Lowcock nói thêm.

Dự kiến 235 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trong năm 2021.
Dự kiến 235 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trong năm 2021

Ông Lowcock cho biết, năm nay các nhà tài trợ đã trao một khoản tiền kỷ lục 17 tỷ USD để giúp đỡ cho các hoạt động nhân đạo và dữ liệu cho thấy, viện trợ đã đến tay 70% số người được nhắm mục tiêu.

Lưu ý rằng 35 tỷ USD cần thiết cho năm 2021 là một số tiền lớn, nhưng ông Lowcock cũng nói thêm đó chỉ là một số tiền "rất nhỏ" so với những gì các nước giàu đã chi để bảo vệ công dân của họ trong đại dịch. 

Điểm mấu chốt trong số những mối quan tâm đối với Lowcock là ngăn chặn nạn đói ở các nước, bao gồm: Yemen, Afghanistan, đông bắc Nigeria, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Burkina Faso.

Tổng thống Trump triệu tập cuộc họp bàn về vắc-xin COVID-19

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo từ ngành công nghiệp và chính phủ vào tuần tới để họp về vắc-xin COVID-19, khi tổng thống sắp mãn nhiệm muốn nhấn mạnh vai trò của mình trong việc phát triển nhanh chóng vắc-xin.

Người phát ngôn Nhà Trắng Brian Morgenstern cho biết: “Chiến dịch Warp Speed của Tổng thống Trump đang tiếp tục phát triển nhanh chóng để hướng tới một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, được nghiên cứu nhanh hơn gấp 5 lần so với bất kỳ loại vắc-xin nào khác trong lịch sử”.

Tổng thống Trump triệu tập cuộc họp bàn về vắc-xin COVID-19.
Tổng thống Trump triệu tập cuộc họp bàn về vắc-xin COVID-19

"Tổng thống mong muốn triệu tập các nhà lãnh đạo từ chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang, khu vực tư nhân, quân đội và cộng đồng khoa học để thảo luận toàn diện với người dân Hoa Kỳ khi chính quyền chuẩn bị cung cấp loại vắc-xin lịch sử này tới mọi người trong vòng 24 giờ sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận", Brian Morgenstern nói.

Cuộc họp diễn ra khi ông Trump tiếp tục gây áp lực với FDA để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt vắc-xin.

Các nhà khoa học phát triển thuốc xịt mũi ngăn ngừa COVID-19

Các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Regeneron đang nghiên cứu xem công nghệ được phát triển cho liệu pháp gen có thể được sử dụng để tạo ra một loại thuốc xịt mũi ngăn ngừa COVID-19 mới hay không.

Ý tưởng là dùng một loại virus đã suy yếu có chức năng vận chuyển để mang các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào trong mũi và cổ họng, từ đó sẽ tạo ra các kháng thể mạnh mẽ để ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể con người.

James Wilson - giáo sư y khoa tại Pennsylvania - người đứng đầu dự án nói với AFP: “Ưu điểm của cách tiếp cận của chúng tôi là bạn không cần một hệ thống miễn dịch đủ tốt để đáp ứng có hiệu quả”.

Công nghệ này hiện đang được thử nghiệm trên động vật và các nhà nghiên cứu hy vọng thuốc xịt mũi đi vào các tế bào biểu mô mũi và "chiếm quyền điều khiển" bộ máy tạo protein để chúng tạo ra các kháng thể của Regeneron.

Thông thường, chỉ các tế bào miễn dịch mới tạo ra kháng thể, điều này làm cho ý tưởng mới trở thành một cách tiếp cận đặc biệt sáng tạo.

Vì virus corona xâm nhập vào phổi qua đường mũi, nên thuốc xịt có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của nó.

Đại học Pennsylvania và Regeneron hy vọng sẽ hoàn thành các nghiên cứu trên động vật của họ vào tháng 1/2021, trước khi nộp đơn lên FDA để bắt đầu thử nghiệm trên người.

Chung Thu Hương (theo Reuters và AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI