CNN công bố hồ sơ mật cho thấy Trung Quốc che giấu và xử lý sai đại dịch COVID-19

01/12/2020 - 12:32

PNO - Bộ tài liệu 117 trang mà CNN trích dẫn cho thấy chính quyền Trung Quốc đã do dự trong việc công bố dịch, cũng như trì hoãn xét nghiệm và hạ thấp số ca nhiễm.

Đó là ngày 10/2 tại Bắc Kinh, khi những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc gặp gỡ các nhân viên bệnh viện ở thành phố Vũ Hán giữa cuộc chiến tuyệt vọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của một loại coronavirus mới vẫn chưa được đặt tên chính thức.

Cùng ngày hôm đó, các nhà chức trách Trung Quốc báo cáo 2.478 trường hợp dương tính mới được xác nhận - nâng tổng số ca nhiễm toàn cầu lên hơn 40.000, với chưa đến 400 trường hợp xảy ra bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các tài liệu chính thức được lưu hành nội bộ cho thấy đây chỉ là một phần của bức tranh.

Trong một báo cáo được đánh dấu là "tài liệu nội bộ, vui lòng giữ bí mật", các cơ quan y tế địa phương ở tỉnh Hồ Bắc, nơi virus xuất hiện lần đầu tiên, liệt kê tổng cộng 5.918 trường hợp mới được phát hiện vào ngày 10/2, cao hơn gấp đôi so với con số công khai chính thức.

Số bệnh nhân này được chia nhỏ thành nhiều danh mục phụ và chưa bao giờ được tiết lộ đầy đủ vào thời điểm đó, vì Trung Quốc lúc ấy, trong giai đoạn hỗn loạn của những tuần đầu đại dịch, đã cố tình hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát.

Con số chưa được tiết lộ trước đây nằm trong 117 trang tài liệu bị rò rỉ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, được chia sẻ và xác minh bởi CNN.

Chậm trễ trong xử lý

Các tài liệu, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, tiết lộ những gì dường như là một hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu linh hoạt bị hạn chế bởi bộ máy quan liêu từ trên xuống, và các quy trình cứng nhắc không được trang bị đầy đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng đang nổi lên.

Một trong những điểm dữ liệu nổi bật liên quan đến sự chậm chạp trong việc chẩn đoán bệnh nhân COVID-19 tại địa phương. Ngay cả khi các cơ quan chức năng ở Hồ Bắc trình bày việc xử lý đợt bùng phát ban đầu với công chúng là hiệu quả và minh bạch, các tài liệu cho thấy giới chức y tế địa phương đã dựa vào các cơ chế kiểm tra và báo cáo đầy thiếu sót.

Các nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ đầy đủ tiếp cận bệnh nhân ở Vũ Hán ngày 25/1.
Các nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ đầy đủ tiếp cận bệnh nhân ở Vũ Hán ngày 25/1

Một báo cáo trong các tài liệu từ đầu tháng 3 cho biết thời gian trung bình từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đến khi được chẩn đoán xác định là 23,3 ngày, điều mà các chuyên gia cho rằng cản trở đáng kể các bước để theo dõi và chống lại căn bệnh mang tính truyền nhiễm cao.

Trung Quốc đã kiên quyết bảo vệ việc xử lý ổ dịch. Tại một cuộc họp báo ngày 7/6, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách trắng cho biết chính phủ Trung Quốc luôn công bố thông tin liên quan đến dịch bệnh một cách "kịp thời, công khai và minh bạch".

Riêng Bộ Ngoại giao và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về các tài liệu mà CNN công bố.

Cố tình che giấu thông tin

Thứ Ba, ngày 1/12, đánh dấu một năm kể từ khi bệnh nhân đầu tiên xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 ở thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, theo một nghiên cứu quan trọng trên tạp chí y khoa Lancet.

Cùng lúc với việc virus SARS-CoV-2 được cho là xuất hiện lần đầu, các tài liệu chỉ ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe khác: Hồ Bắc đối phó với một đợt bùng phát cúm đáng kể. Các tài liệu cho thấy, nó khiến các trường hợp mắc bệnh tăng gấp 20 lần mức được ghi nhận vào năm trước, đặt ra áp lực rất lớn đối với một hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng.

"Đại dịch" cúm, như các quan chức lưu ý trong tài liệu, không chỉ xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12, mà còn lan rộng nhất ở các thành phố lân cận Nghi Xương và Tây An. Vẫn chưa rõ tác động hoặc mối liên hệ nào giữa sự gia tăng đột biến của cúm đối với đợt bùng phát COVID-19. Nhưng dù không có gợi ý nào trong các tài liệu về mối liên hệ giữa hai cuộc khủng hoảng song song, thông tin về mức độ gia tăng của dịch cúm ở Hồ Bắc chưa bao giờ được công bố rộng rãi.

Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh mới nhưng đã bị chính quyền Vũ Hán ngó lơ.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh mới nhưng đã bị chính quyền Vũ Hán ngó lơ

Các thông tin rò rỉ mà CNN công bố được đưa ra khi Mỹ và Liên minh châu Âu tăng áp lực đối với Trung Quốc, yêu cầu nước này hợp tác đầy đủ với một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của loại virus đã lây lan đến mọi nơi trên toàn cầu, lây nhiễm hơn 63 triệu người và giết chết hơn 1,46 triệu.

Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng tiếp cận của các chuyên gia quốc tế đối với hồ sơ y tế của bệnh viện và dữ liệu thô ở Hồ Bắc bị hạn chế, WHO cho biết tuần trước họ đã nhận được "lời cam đoan từ các đồng nghiệp của chính phủ Trung Quốc rằng một chuyến đi thực địa" sẽ được cấp phép như một phần của cuộc điều tra của họ.

Số hồ sơ đã được gửi đến CNN bởi một người tố giác ẩn danh. Số dữ liệu mà CNN nhận được chứa tên của các quan chức CDC Trung Quốc với tư cách là người sửa đổi và tác giả. Ngày tạo siêu dữ liệu phù hợp với nội dung của tài liệu. Phân tích pháp y kỹ thuật số cũng xác nhận mã máy tính phù hợp với nguồn gốc của chúng.

Sarah Morris - từ Đơn vị Pháp y Kỹ thuật số tại Đại học Cranfield của Anh - cho biết không có bằng chứng nào về việc dữ liệu đã bị giả mạo hoặc bị sai lệch. Cô  nói thêm rằng các tệp tài liệu cũ hơn cho thấy chúng đã được sử dụng nhiều lần trong một thời gian dài.

Tấn Vĩ (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI