Con dựng nhà lầu tặng mẹ

08/06/2021 - 14:00

PNO - Một ngôi nhà lầu cao… gần nửa mét, trang hoàng đầy đủ tiện nghi, đa màu sắc được con gái An Nhiên thiết kế tặng mẹ khiến chị Quỳnh Châu (sống tại TP.Thủ Đức, TPHCM) ngỡ ngàng, hạnh phúc…

Thế giới trẻ thơ bay bổng, vô hạn

Từng biết con gái có thực hiện một dự án ở trường với mô hình ngôi nhà và thỉnh thoảng bé cũng mang về làm một số chi tiết, nhưng chị không khỏi giật mình khi chiêm ngưỡng “thành phẩm” chỉ từ chất liệu giấy, que kem, thanh gỗ, vật liệu tái chế… 

“Đợi ba mua nhà cho mẹ lâu quá, em làm nhà tặng mẹ luôn rồi, nhà cưng hết sức… Đôi bàn tay làm nên bao điều kỳ diệu” - bài chị viết trên mạng xã hội khiến ai cũng trầm trồ và vui lây.

Ngôi nhà tí hon được tạo dựng từ ý tưởng sáng tạo, đôi tay khéo léo, tỉ mỉ và lòng kiên trì của cô bé học lớp Ba trong suốt một tuần ròng rã - một tuần hết sức quý giá của con và của ba mẹ.

Ngôi nhà tí hon mà cô bé học sinh lớp Ba đã 'xây cho mẹ suốt một tuần ròng rã
Ngôi nhà tí hon mà cô bé học sinh lớp Ba đã "xây" cho mẹ suốt một tuần ròng rã

Với chị Quỳnh Châu, thay vì cố nhồi kiến thức vào đầu trẻ, thì hãy để đôi tay của trẻ được làm, được sáng tạo, được cảm nhận thành quả của chính mình.

Đôi tay làm thì cái đầu sẽ mở ra, nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là đứa trẻ cần một môi trường thúc đẩy sự tự do và tự học hỏi. Trẻ muốn được trải nghiệm và tự mình đúc kết chứ không phải bị nhét một mớ kiến thức hỗn độn kiến thức vào đầu.

Nhờ con mà chị nhận ra thế giới trẻ thơ thật bay bổng và vô hạn như cánh diều no gió vút tận trời xanh. Người lớn đừng can thiệp, đừng áp đặt, kỳ vọng mà chỉ cần tận hưởng những gì trẻ thể hiện…

Từ bé, con đã hay vẽ vời nên chị Châu có thêm một kênh để nhìn ngó bức tranh tâm trạng của con, từ đó mà hỏi han, khơi dòng suy nghĩ. Và theo kinh nghiệm của chị: nếu muốn con tự tin bộc bạch những nghĩ suy trong đầu thì mẹ không vội nói trước suy đoán của mình.

Ví như hồi xưa, có lần con vẽ hình trăng lưỡi liềm, mẹ chắc mẩm là trái chuối nhưng vẫn còn giấu lời giải ấy trong lòng. Hỏi con thì con chỉ lên trời - nơi có ánh trăng khuyết.

Cũng là đáp án siêu bất ngờ khi con chỉ vào một hình ngoằn ngoèo bí hiểm trên giấy và hồn nhiên nhắc: “Đây là rãnh nước hôm qua con với mẹ đi qua ấy. Mẹ có nhớ không?”.

Có lúc con vẽ đường xoắn ốc nói đó là nhụy hoa và thêm mấy vòng tròn xung quanh làm cánh hoa. Có lúc con chỉ vẽ vòng xoắn ốc và nói là kẹo mút, hay hình tam giác ngược con nói là kem ốc quế, chữ B con nói giống con bướm, chữ M giống núi… 

Chị hay khen, khích lệ và thích thú với những ý tưởng của con, nên con lại càng tự tin và hăng say sáng tác. Con luôn tìm đến mẹ để khoe nét vẽ mới, hay làm được điều gì mà trước đó chưa làm được, để được thấu hiểu, được thừa nhận, được trân trọng từng nỗ lực dẫu nó có nguệch ngoạc, có chuệch choạc.

Vẽ đẹp hay xấu không là vấn đề, quan trọng là qua nét vẽ con tự do thể hiện trí tưởng tượng, trong đó có cả cách nhìn, cảm nhận của con về thế giới xung quanh, còn có cả cảm xúc, tình cảm của con nữa…

Tác phẩm thấm đẫm tình yêu gia đình của bé An Nhiên
Tác phẩm thấm đẫm tình yêu gia đình của bé An Nhiên

Với chị, khen và động viên con vẽ thú vị hơn dạy con vẽ, bởi luôn có bất ngờ trong nét vẽ ngộ nghĩnh. Thế giới tuổi thơ sinh động, hồn nhiên nếu không bị gò ép theo mẫu hay rập khuôn kiểu người lớn như chiếc lá phải xanh, ông mặt trời phải màu vàng, con bò phải bốn chân, con chim thì cái đầu phải nhỏ hơn cái mình…

“Có sự nặng nề trong việc kiểm soát, trong gánh nặng mình phải có trách nhiệm “dạy dỗ” con. Chỉ cần dịch chuyển góc nhìn sẽ thay đổi cả một quá trình, cảm thấy mình như đang trở về tuổi thơ và học hỏi từ con trẻ sự sáng tạo, sự tươi mới; tập nhìn đời với cái nhìn của trẻ thơ - cái nhìn trong sáng, trung thực, không định kiến và không méo mó” - chị Quỳnh Châu chia sẻ.

Cái ôm chữa lành…

Từng lớn lên từ cách nuôi dạy mà la rày, chê bai được coi là công cụ kích thích con cái nỗ lực, tiến bộ, hơn ai hết, chị hiểu phương pháp giáo dục khích lệ sẽ gieo mầm tự tin như thế nào và ngược lại.

Ở lứa tuổi nhỏ, trẻ chưa tự nhận thức về bản thân, chỉ dựa vào nhận xét, bình phẩm của người bên ngoài để trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”. Tuổi thơ chị hay tự ti dù thành tích mọi mặt khá tốt. Đến khi làm mẹ, chị mong con bước vào đời với một tâm thế khác.

Nhưng theo tâm sự của chị Quỳnh Châu, chị lại mắc sai lầm ở những năm đầu đời của con. Chị sa vào phương pháp giáo dục từ một vài cuốn sách cho rằng muốn con tự lập thì cha mẹ nên áp dụng kỷ luật ngay từ đầu, tách con ra càng sớm càng tốt, không nên ôm ấp nhiều và nếu con khóc thì để con tự nín, không cần đáp ứng, dỗ dành.

Càng áp dụng, con chị càng rụt rè, nhút nhát và bứt rứt, khó chịu, khi không được như ý muốn thì căng thẳng cao độ, thậm chí la hét, giãy nảy… 

Tổ ấm nhỏ của chị Quỳnh Châu
Tổ ấm nhỏ của chị Quỳnh Châu

Ở nút thắt đầy hoang mang của hành trình làm mẹ, chị lại lao đi học hỏi điều mới và vô cùng dằn vặt, hối hận với việc kỷ luật sớm, khô hạn tình cảm mà mình đã áp dụng máy móc.

Chị nhận ra, con chị rất cần tình yêu thương, cần được bồi đắp những giá trị sống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng chứ không chịu được khô khan, cứng nhắc.

Vẫn còn kịp khi con lên hai tuổi, chị bắt đầu hào phóng những cái ôm, hào phóng lời yêu thương và những phép màu sẵn có ấy như liều thuốc chữa lành, xoa dịu những tổn thương bấy lâu của trẻ.

Trong vòng tay mẹ, An Nhiên không còn thu mình, mà mở lòng, huyên thuyên kể đủ thứ chuyện, kể cả những việc con lỡ làm sai.

Chị từng cảm động khi đang vội đi làm, con gái bé bỏng chạy phóng ra thang máy, ôm chớp nhoáng mẹ rồi chạy vào nhà vẫy tay tạm biệt, cười thật tươi.

Cái ôm ấm áp chất lượng cao chị hồi đáp lại cho con thật nhiều, bù vào khoảng thời gian thiếu hụt. Vậy mà trước đây, chị từng quày quả bỏ đi khi con đang ngủ, bật dậy tìm hơi mẹ, chị từng “lố điểm” về… lạnh lùng.

Con rất tình cảm và sâu sắc, càng lúc càng biết bày tỏ tình yêu thương, quan tâm. Có lúc chị buồn, con lại ôm mẹ và dỗ dành “sức mạnh và an toàn mẹ ha!” mẹ phì cười, hết buồn với cách dùng từ đáng yêu ấy.

Con gói tình yêu và niềm tự hào về mẹ qua điều ước bất chợt “phải chi mẹ là cô giáo dạy lớp con” nhưng vài ngày sau lại rút lời vì thương mẹ “thôi, mẹ đừng dạy lớp con, lớp con quậy, mẹ sẽ mệt lắm!”. 

Dẫu gắn bó với mẹ, bé vẫn rất công tâm, sẵn sàng đứng về phía ba nếu ba đúng hơn mẹ trong các tình huống phát sinh… “tranh chấp”. Con còn hay làm thiệp tặng ba mẹ, viết thư chia sẻ những cảm xúc của con khi biết viết chữ.

Những bức tranh con vẽ thường có hình ảnh ba mẹ; những món bánh, nước giải khát, đồ thủ công con làm luôn có ba phần “vì nhà mình có ba người”.

Có lần con đẩy ba mẹ vào phòng, đề nghị đóng kín cửa lại để bên ngoài con làm điều bất ngờ chi đó. Hồi lâu, có tiếng gõ cửa: “Mời hai quý khách! Chúc quý khách ngon miệng”. Thì ra con bí mật tổ chức một bữa tiệc, với món ăn được bày biện trang trọng, trang trí bắt mắt, có khăn bọc ghế tựa, khăn lót chén đĩa, có thực đơn hẳn hoi…

Hôm ấy không phải là ngày đặc biệt nhưng đã trở thành ngày thật khó quên nhờ bàn tay khéo léo và món quà ấn tượng của “cô chủ nhà hàng”. Có lẽ tình yêu thương đã nuôi dưỡng sự tự tin, sáng tạo và cả những ngọt ngào đáng yêu của cô bé! 

Tô Diệu Hiền  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI