Cổ tích tình yêu bên dòng sông Hiếu

27/09/2015 - 08:02

PNO - "Đi qua những tháng ngày gần như tuyệt vọng, chính tình yêu đã vực tui dậy để sống tiếp...."

Co tich tinh yeu ben dong song Hieu
Vợ chồng chị Cúc với cuộc sống giản dị mà hạnh phúc

"Đi qua những tháng ngày gần như tuyệt vọng, chính tình yêu đã vực tui dậy để sống tiếp.Khó khăn là điều luôn hiện diện trong cuộc sống thường nhật, không thể tránh khỏi nhưng có tình yêu, có động lực thì mình cũng có thể vượt qua". Chị Nguyễn Thị Cúc (58 tuổi), ở KP.2, P.Đông Giang, (TP. Đông Hà, Quảng Trị) trải lòng.

Tột cùng tuyệt vọng

Chị đứng mà như ngồi. Đôi chân cụt lủn tận bẹn tì xuống hai cái đòn càn, giữ thăng bằng. Đôi mắt sâu vời vợi nhìn về phía dòng sông Hiếu chảy ngang trước nhà. Ký ức những năm tháng tuổi thơ kém may cứ dội về, cứa vào lòng, sắc lẹm:

“Năm đó tui mới 13 tuổi, đang là học sinh lớp 7. Một bữa ra vườn giúp mẹ cuốc đất trồng rau, cuốc trúng bom. Lúc tỉnh dậy thấy người mình cứ hụt hẫng, chơi vơi…”.

Đôi mắt chị đỏ hoe. Mảng ký ức đau buồn dường như là vết thương lòng khó xóa dù đã đi suốt chặng đường dài ngót hai phần ba đời người kể từ ngày ấy.

Đó là vào tầm tháng 4 năm 1968. Mảnh bom quá gần đã cắt lìa đôi chân chị. “Ui chao, không thể tả hết cảm giác lúc nớ. Tui tỉnh lại trên giường bệnh, vừa định ngồi dậy nhưng không thể nào cất nổi tấm thân. Nhìn xuống đôi chân chỉ thấy một tấm chăn. Cố ngọ ngoạy cũng không có cảm giác gì. Tui cất tiếng gọi mẹ mà nước mắt chực trào, nghẹn ứ nơi cổ họng. Lúc nớ tui cứ nghĩ, không có chân thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa chi”, chị nấc nghẹn.

Mất đôi chân, đồng nghĩa với con đường học hành của chị từ đó cũng bị cắt lìa. Phải chi thời buổi hòa bình, việc học còn có thể kéo dài. Đằng ni là chiến tranh, là bom đạn, có chân để tự đến trường đã khó, không chân thì chỉ biết ngồi nhà ngó chúng bạn, gặm nhấm nỗi buồn đau.

Rồi, mỗi ngày nhìn đôi mắt đỏ hoe của mẹ, nỗi âu lo của cha, chị tự nhủ phải vượt qua để ba mẹ vui lòng. “Nhưng thú thật, phải mất 5 năm, tui mới vực lại được tinh thần”, chị nói.

Quyết định rời khỏi cái giường tre, chị lấy đôi tay làm điểm tựa nâng người mình, tập những bước đi đầu tiên kể từ ngày mất đôi chân vĩnh viễn:

“Mấy bữa đầu việc đi lại khó khăn lắm. Đôi tay không quen cứ mỏi nhừ. Ba tui đóng cho hai cái đòn càn, cứ rứa bám vào nó mà nhấc từng tí một, di chuyển trong nhà. Sau quen dần thì đi ra ngõ”.

Thời gian sau chị đi bằng chân giả, nhưng để cất bước được trên đôi chân ấy càng khó nhọc hơn, hôm nào hai đùi cũng tươm máu. Thực hiện được điều đó quả là một chặng đường dài nỗ lực, có lúc gần như rơi vào tuyệt vọng bởi đau đớn, bởi những ánh nhìn tò mò và tiếng trêu chọc vô tình “con cụt” của lũ trẻ như những nhát dao cào cứa ruột gan.

Không thể để mẹ cha mãi đau lòng, Cúc gắng bỏ ngoài tai những lời khó nghe, gượng dậy và chọn học nghề may. Thời đó, máy may dành cho người khuyết tật như Cúc không dễ kiếm như bây giờ. Mãi chị mới nhờ được một người quen đi lao động ở nước ngoài mua dùm được cái máy.

Đôi tay làm điểm tựa mọi sinh hoạt, đi lại, nay gánh thêm cái máy may nặng tầm chục cân. Thợ may thường thì dùng chân đạp, dùng mô tơ điện để quay, còn chị lại dùng… tay. Cuộc sống gánh gồng trên đôi tay yếu mềm nhưng đầy nỗ lực và khát vọng của Cúc.

Tình yêu hồi sinh

Tạo hóa không nỡ đẩy đưa số phận một con người đi vào ngõ cụt. Năm 1983, Cúc gặp và quen anh Trương Công Bá, quê ở Thừa Thiên - Huế, là công nhân đo thủy chí trên sông Hiếu - con sông chảy ngang làng quê chị.

Hai tâm hồn đồng điệu tìm thấy nhau, tình cảm nảy nở trong đôi trẻ ngày một đậm sâu dù không ai nói ra bởi phía sau có muôn vàn rào cản. Nhưng tình yêu đã chiến thắng, họ đến với nhau với tất cả chân thành.

“Ngày ấy, nghe con trai trình bày về việc lấy vợ, biết Cúc không lành lặn, gia đình tui cũng cản ngăn nhiều lắm. Nhưng tui yêu cô ấy nên quyết tâm chia bớt thiệt thòi cho Cúc”, anh Bá cười hiền, âu yếm nhìn vợ.

Ngồi cạnh chồng, chị Cúc chia sẻ: “Thực ra khi quyết định lập gia đình, tui cũng đắn đo nhiều lắm, cứ trăn trở mãi với ý nghĩ không có đôi chân thì gánh vác gia đình thế nào cho trọn. Thêm vào đó, ba mạ cũng lo lắng không kém mình, thương và lo cho con vất vả.

Cũng có khi tui thao thức thâu đêm, trăn trở, nếu lành lặn như người ta, liệu mình có lấy một người tàn phế làm vợ? Thế rồi, nhiều lần tui tìm cách từ chối anh ấy nhưng anh nhất quyết không từ bỏ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI