Chuyên đề 'Chuẩn bị gì cho hôn nhân': Học cách sống chung

26/11/2017 - 08:00

PNO - Để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, buộc chúng ta nỗ lực để duy trì. Nhưng duy trì trong tình yêu thương chứ không phải kiểu 'còn sống được với nhau là hạnh phúc rồi'. Và bạn cần làm điều đó như thế nào?

“Bạn lo đám cưới đến đâu rồi?” có lẽ là câu hỏi mà nhiều người nghe nhất trong mùa này, họ thường đề cập đến chuyện đặt tiệc, chuẩn bị váy áo, chụp hình cưới… Sẽ thật ngạc nhiên cho những ai nghe nói: mình đang học lớp tiền hôn nhân, hai đứa đang chuẩn bị cho một chuyến đi tĩnh tâm… Với nhiều người, tham dự những lớp học tiền hôn nhân như vậy là để cả hai lên kế hoạch cho quãng đời chính thức gắn bó bên nhau.

Chuyen de 'Chuan bi gi cho hon nhan': Hoc cach song chung
 

Thật vậy, hôn nhân là cuộc sống mà bạn phải ý thức mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Hẳn nhiên cặp đôi phải chuẩn bị một bữa tiệc tốt nhất, phải có bộ ảnh cưới tuyệt nhất, mời những người có ý nghĩa nhất với cuộc đời mình đến dự tiệc vui…  nhưng đừng quên điều quan trọng hơn là cuộc sống của vợ chồng bắt đầu từ ngày cưới. 

Nhận diện tình yêu: Trả lời câu hỏi bạn có chắc là hai người đã yêu và hiểu về nhau?

Thông thường chúng ta hay lấy sự nhớ nhung, chung thủy, ước muốn sống cùng nhau để chứng minh mình yêu nhau. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. 

Theo lý thuyết của Sternberg về tình yêu, có ba khía cạnh cần chú tâm cho một cuộc hôn nhân bền vững: thứ nhất, hai bạn có thật sự gắn kết thân tình với nhau, nghĩa là tôn trọng, sẵn lòng giúp nhau trưởng thành, đạt thành quả tốt nhất theo mơ ước của từng người?

Nếu một trong hai không thấy sự gắn kết này, rất có thể ai đó bị tổn thương, chịu đựng hoặc cảm thấy chuyện đó cũng chẳng mấy quan trọng; thứ hai, các bạn có thật sự cuốn hút nhau, đặc biệt là về thể xác, người kia hấp dẫn, đáng trân trọng?

Khi mới quen nhau, ai cũng thấy người kia hấp dẫn nhưng hãy tưởng tượng khi cô gái có con, khi chàng trai lấm lem với cơm áo gạo tiền… bạn có thể ôm họ, âu yếm như hồi mới yêu nhau?

Nếu không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai vẫn thấy nhau hấp dẫn thì coi như ổn; thứ ba, hai người có muốn cam kết, sẵn lòng đấu tranh để giữ cam kết sống với nhau đến hết đời không?  Nếu một trong hai, hoặc cả hai thấy ly dị là một giải pháp thì khả năng gãy đổ mối quan hệ là rất cao.

Chuyen de 'Chuan bi gi cho hon nhan': Hoc cach song chung
Ảnh minh họa

Phát triển khả năng giao tiếp: Trả lời cho câu hỏi nói sao cho hiểu nhau và có thể giải quyết xung đột. 

Giao tiếp không phải là nói qua nói lại mà là nói rõ ràng cho người kia hiểu đúng, hiểu rõ ràng điều người kia nói. Ngoài ra phải có thái độ thân thiện, hòa bình, thiện chí. Ước muốn sau giao tiếp cả hai sẽ tiến thêm một bước trong việc gắn bó, yêu thương nhau. Cả hai cần học cách nói rõ ràng, chính xác thông điệp của mình, học cách cảm nhận, phản hồi những gì vừa được nghe, học cách đặt các câu hỏi…

Việc giao tiếp còn liên quan đến việc bạn đưa ra phản hồi tích cực hay tiêu cực về người kia, làm sao để không đưa ra những lời phàn nàn, chỉ trích về người kia trong các tình huống hằng ngày. 

Chúng ta từ đâu tới và góp gì vào cuộc hôn nhân? 

Tôi từng hướng dẫn cho một cặp đôi, cô gái gom được gia đình mình có tầm 10 người, chàng trai thì chỉ trong buổi lễ ra mắt đã tụ về gần 100 người. Chàng có vai vế lớn trong gia đình, có hàng chục “đứa cháu còn ngang hoặc lớn tuổi hơn cha của chàng”. Cô gái rất hào hứng với gia đình chồng tương lai, chàng lại rất áp lực, sợ cô ấy quá vô tư không đáp ứng được vai trò “vợ của con trai trưởng tộc”.

Các cặp đôi cần lưu tâm đến “chỗ đứng” của mình sau khi về làm dâu, rể, biết ông bà hai bên muốn gì, thích gì, xem trọng điều gì. Nhiều bạn trẻ thích “là chính mình” theo kiểu “thích thì làm thôi”, nhưng cuộc sống hôn nhân không đơn giản, bởi “mình” sau khi cưới có phần khác trước khi cưới. Cả hai phải thấy những đòi hỏi, mong đợi của bên kia và học cách tiếp cận với điều đó. 

Chuyen de 'Chuan bi gi cho hon nhan': Hoc cach song chung
Ảnh minh họa

Ai sẽ làm gì? Như một mặc định, các cô gái sẽ “làm dâu” bao gồm việc bếp núc, chăm sóc cho gia đình, các chàng trai lo làm ăn, mang tiền về cho vợ. Nhưng điều đó không đúng với cuộc sống hiện đại, văn minh. Tôi thường giúp các cặp đôi phân công ai làm gì trong một danh sách công việc từ nấu ăn, rửa bát, giặt đồ đến tiền điện tiền nước, chuyện tiếp đãi khi có khách… Sau đó họ ngạc nhiên khi thấy hóa ra mấy việc đó ai cũng làm được. 

Đó là lựa chọn của cả hai cho chuyện ai sẽ làm gì, nhưng các bạn cũng bàn xem nếu một trong hai vì lý do nào đó muốn thay đổi thì sẽ thế nào, khi người này cần người kia trợ giúp thì sẽ ra sao. Để có hôn nhân hạnh phúc, không nên nhấn mạnh đến “trách nhiệm” mà phải nhấn mạnh đến sự yêu thương, chăm sóc nhau. 

Tình dục và con cái 

Nhiều người ít chú tâm đến chuyện làm thế nào để biến đời sống tình dục và con cái trở thành niềm vui, biết cách tận hưởng, trân trọng. Sự việc sẽ bắt đầu tệ đi khi một trong hai người không hài lòng và chịu đựng. Tôi thường nghe những câu chuyện như “ai lại nói điều đó ra” khi một cô vợ hay anh chồng không thỏa mãn trong đời sống tình dục. Khá nhiều vụ ly hôn vì “không hợp nhau” nhưng sâu xa bên trong là vì không được thỏa mãn về đời sống tình dục.

Liên quan đến tình dục là chuyện có con hay không có con, phương pháp nào là tốt nhất theo quan điểm, văn hóa hay tôn giáo của mỗi người. Nhiều bạn trẻ khiến tôi ngạc nhiên về chuyện “không coi trọng” sức khỏe tình dục cũng như thiếu trách nhiệm khi người vợ mang thai và có con. Tôi biết một cặp đôi yêu nhau, “chắc chắn cưới” nhưng trong năm qua họ đã phá thai hai lần với một thái độ rất bình thường theo kiểu “xong rồi lại tung tăng”. Các bạn cần biết, tỷ lệ vô sinh liên quan đến việc từng phá thai khá cao. 

Điều cần lưu tâm nữa là việc học cách dưỡng thai, nuôi dạy con cái. Khi có con, vợ chồng sẽ sống với nhau thế nào? Nhiều người chồng cho biết họ “bị ra rìa” sau khi có con.

Chuyen de 'Chuan bi gi cho hon nhan': Hoc cach song chung
Ảnh minh họa

Kế hoạch cho gia đình, nuôi dưỡng hôn nhân như thế nào?

Người Việt chúng ta có lẽ là dân tộc sống “tự nhiên” nhất theo kiểu cứ cưới đi rồi có con, tự dưng sẽ có một gia đình. Sự thật là nếu bạn không có kế hoạch thì sẽ khá gay go để có một cuộc sống gia đình bình ổn. Kế hoạch gia đình bao gồm cả những nguyên tắc mà toàn bộ thành viên gia đình phải tuân theo như bao lâu thì đi chơi một chuyến, các cặp đôi gửi tiền cho cha mẹ hai bên như thế nào, khi nào mua nhà và quản lý chi tiêu trong gia đình như thế nào... 

Tôi nhận thấy rắc rối bắt đầu xảy ra khi cả hai phát hiện người kia làm gì với tiền bạc mà mình không hay biết. Ngay cả các cặp đôi có tiền bạc phủ phê cũng có thể gặp rắc rối trong mối quan hệ của họ. Họ cũng gặp không ít khó khăn trong chuyện bàn bạc, quyết định xem mình sẽ quản lý tiền bạc như thế nào.

Chuyen de 'Chuan bi gi cho hon nhan': Hoc cach song chung
Ảnh minh họa

Để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, buộc chúng ta nỗ lực để duy trì. Nhưng duy trì trong tình yêu thương chứ không phải kiểu “còn sống được với nhau là hạnh phúc rồi”. Tôi từng làm việc với những cặp đôi mà cả hai hầu như không còn “chơi với nhau” đến những cặp “mạnh ai nấy vui”. Vậy nên bạn sẽ hạnh phúc dài lâu nếu cả hai nhìn ra được sự cần thiết để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân và hành động theo đó. 

Tình (dục) và tiền là hai chủ đề cực kỳ quan trọng trong đời sống hôn nhân, gia đình nhưng lại ít được chú tâm nhất. Đó có thể là lý do khiến các cặp đôi “hết thấy vui” sau khi cưới. Khi không hài lòng nhau nhưng khó nói ra, thường một trong hai hoặc cả hai sẽ quyết định “thôi kệ, tới đâu hay tới đó”, đây là dấu hiệu cho thấy có sự rạn nứt trong mối quan hệ.

Bạn có thể tìm một chương trình huấn luyện bài bản, tự tham gia các khóa học về giao tiếp hay về quản lý tài chính gia đình, thậm chí hai người ngồi với nhau trong một ngày tĩnh tâm (không điện thoại, không liên hệ với ai) để đặt ra từng vấn đề và chia sẻ những gì mà hai bên nghĩ đến. 

Ngô Minh Uy (Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI