Chủ tịch nước: TPHCM cần sớm xây dựng trung tâm tài chính của khu vực

12/10/2021 - 20:09

PNO - Chiều 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức phiên giám sát UBND TP cùng các sở, ngành liên quan về thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Tại cuộc giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đặc biệt các chuyên đề giám sát sát thực tình hình doanh nghiệp, y tế trong hoàn cảnh dịch bệnh. Ông đồng thời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, người dân TP về những tổn thất, mất mát, đau thương đã gánh chịu trong đại dịch COVID-19.

Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo TP, lực lượng tuyến đầu, thiện nguyện, doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo… đã chung sức đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc giám sát chiều 12/10
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc giám sát chiều 12/10

Dành nhiều lời khen cho TP trong việc năng động, sáng tạo đưa ra nhiều biện pháp chống dịch để có thể đưa TP trở lại bình thường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông ấn tượng với chương trình “Dân hỏi - TP trả lời”, giúp TP kịp trả lời tháo gỡ tâm tư cho người dân. An ninh trật tự, an sinh xã hội cũng một điều đáng khen của TP.

Theo Chủ tịch nước, tới đây, TPHCM sẽ bước vào chặng đường mới với những khó khăn, thách thức trong khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế. Trước tiên, ông đồng tình với việc chuyển đổi chiến lược từ "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế.

“TPHCM cần hiểu rõ ràng, nhất quán quan điểm này để huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình phục hồi kinh tế. Sống chung với COVID-19 cần những phương thức phù hợp để tránh lây lan dịch bệnh. Điều kiện quan trọng nhất là vắc xin COVID-19 và biện pháp 5K” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị TPHCM cần xây dựng những biện pháp quản lý rủi ro, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến thành phố trong thời gian trước mắt. Ông khẳng định: “Chúng ta cần có những tiêu chí an toàn chặt chẽ hơn. Kinh nghiệm về quản lý rủi ro của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, nếu không quản lý chặt chẽ, nhiều nước đã mở cửa ra rồi phải đóng lại”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự phát triển, thành công, tính bền vững của kinh tế thành phố về lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào công cuộc phục hồi và phát triển trước mắt. Nếu TPHCM không thành công, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM trong chống dịch có nhiều giải pháp sáng tạo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM trong chống dịch có nhiều giải pháp sáng tạo

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao TPHCM tập trung 5 nhiệm vụ thiết yếu trong khôi phục kinh tế. Trong đó, TP cần đảm bảo huyết mạch kinh tế, lưu thông hàng hóa, hoạt động tài chính, tín dụng, cung ứng, nguồn lao động được thông suốt. Đối với các khó khăn của doanh nghiệp, TP cần sớm đối thoại, nắm bắt để triển khai nhanh, hiệu quả việc hỗ trợ vốn, thuế. Công tác đầu tư công cần được đẩy mạnh, tạo độ lan tỏa cao với những lĩnh vực trọng tâm.

Theo Chủ tịch nước, vấn đề việc làm, lao động là một trong những điểm mấu chốt của thành phố thời gian tới, TP cần phối hợp với các tỉnh, thành trong việc đưa người lao động trở lại, đào tạo, kết nối người lao động với doanh nghiệp. Song song, tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trên địa bàn.

“TPHCM cần tập trung nghiên cứu, tìm ra những động lực tăng trưởng mới nhằm tháo gỡ những vấn đề trước mắt. Bên cạnh các chính sách về đào tạo nhân lực, đầu tư, xuất nhập khẩu, cần tìm cách khắc phục những vướng mắc về thể chế đang cản trở việc phát triển kinh tế” - Chủ tịch nước nhấn mạnh và đề nghị TPHCM thực hiện cải cách chính sách rộng hơn, tăng cường môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo cơ hội việc làm.

“Để làm được điều đó, TP cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của từng doanh nghiệp đang gặp phải” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. Ông cũng khẳng định, TPHCM cần tính toán đến việc phối hợp và sự tác động đối với cả vùng. Do đó, TP thành phố cần chủ động phối hợp với các địa phương trong phân bổ lao động, cung cấp việc làm đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác.

"Tôi cũng đề nghị TPHCM cần sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Khi chưa có trung tâm tài chính khu vực đặt tại TPHCM thì mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa đạt yêu cầu" - Chủ tịch nước quán triệt.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp những ý kiến, giải pháp cụ thể cho TP trong công tác phòng, chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới đây.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP gặp khó khăn lớn. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần sớm được hỗ trợ về vốn, giãn tiền thuê đất. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng gặp khó trong xét nghiệm cho người lao động, cứ 3-5 ngày phải xét nghiệm một lần.

“Doanh nghiệp có hàng vạn công nhân thì rất khó khăn” - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đồng thời đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các doanh nghiệp từ đây đến hết tháng 12/2021 hòng giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi. 

Đại biểu Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, khẳng định với thực trạng mà TPHCM đã, đang trải qua, tới đây cần có chính sách bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt cán bộ quản lý tại cơ sở.

Đồng tình trước nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho hay, TPHCM trong nhiều năm qua luôn có chính sách thu hút nhân tài, tuy nhiên tới đây, UBND TPHCM cần có kiến nghị đề xuất với Trung ương về cơ chế chính sách đãi ngộ, ưu đãi nhằm thu hút nhân lực, đầu tư củng cố cho hệ thống y tế cơ sở.

Tham dự buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho hay, TP trải qua những ngày tháng chống dịch hết sức quyết liệt. Dù tình hình ngày càng tốt lên dần nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn hiện hữu.

“Trong cơn đại dịch, chúng ta lần nữa nhận thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, chịu thương, chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để vượt qua khó khăn, thách thức cam go của đồng bào, doanh nghiệp” - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dịch bệnh để lại nhiều đau thương và bài học quan trọng. Hiện tại, TP chuẩn bị nhiều chiến lược, trong đó có chiến lược trụ cột như cơ cấu y tế, phục hồi kinh tế. TP cũng đang kiến thiết lại đô thị, kinh tế để người dân những tỉnh thành khác đến TP đều yên tâm làm ăn.


Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI