Chồng thay đổi khi ta đổi thay

28/04/2022 - 05:49

PNO - Chồng tôi bị cao huyết áp hai năm nay, bác sĩ khuyên nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Nhưng từ trẻ anh đã quen ăn kiểu đậm đà, bữa cơm luôn phải có thêm chén nước chấm, biết mình có bệnh mà anh không bỏ ăn mặn được.

Lần nào đi khám tổng quát nghe bác sĩ dặn dò, nhắc nhở, anh cũng vâng dạ rồi về nhà đâu lại vào đấy, thay vì bớt ăn mặn, anh siêng tập thể thao hơn, tự động viên bản thân rằng đó cũng là một cách ổn định huyết áp.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Để hỗ trợ điều trị bệnh, tôi yêu cầu chồng ăn uống lành mạnh hơn (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Thật ra tôi luôn chủ trương ăn nhạt để tốt cho sức khỏe, nhưng ở nhà chồng con đều thích mặn, nên tôi không thể mạnh tay thực hiện. Có khi một bữa cơm đến ba chén nước chấm, nước tương cho món xào, nước mắm cho canh khổ qua dồn thịt, tương ớt tương cà cho gà chiên. Ăn món nướng hay hải sản, dù đã ướp sẵn đủ thứ gia vị cũng phải chấm thêm muối tiêu chanh, muối ớt xanh. Chồng tôi nói đã tốn công nấu ngon thì phải thưởng thức cho đúng cách, vậy mới sành điệu. Tôi thì thấy khi cơ thể đã lâu năm có bệnh nền thì phải biết thương lấy cơ thể, không nên nuông chiều khẩu vị bản thân.

Như anh bạn đồng nghiệp của tôi, đặc biệt thích các món hải sản, nạp đạm nhiều quá nên mang bệnh gout. Cũng không nghe lời bác sĩ, bệnh vậy mà vẫn không chịu ăn uống thanh đạm, đến khi đi cấp cứu mới biết sợ, rồi bây giờ anh phải ăn gạo lứt muối mè. 

Chồng tôi cũng vậy, rất chủ quan, cho rằng huyết áp là bệnh mạn tính nên phải học cách sống chung. Anh uống thuốc đều đặn, tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe. Chỉ có chuyện cần thiết nhất là bớt ăn mặn thì anh không làm được. Tôi nêm lạt thì anh than món ăn nhạt nhẽo, tôi bỏ chén nước chấm bữa trước bữa sau chồng cũng để vào. Vài lần như thế thì vợ chồng cãi nhau. 

Tôi nói sức khỏe là quan trọng trên hết, chồng tôi nói đi làm về mệt mỏi, lại phải ăn uống nhạt nhẽo thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa. Từ chén nước chấm, tranh luận của chúng tôi đã chuyển sang nhân sinh quan, sống vui sống khỏe hay sống tận hưởng mới đáng giá cuộc đời. Sau khi tôi nói “bệnh từ miệng mà ra”, chồng tôi chấm dứt chuyện cãi cọ bằng câu: “Sức khỏe là của anh, không cần em lo!”.

Vậy là bữa cơm nhà tôi lại trở về như trước, tôi không ngăn cản chuyện nước chấm nữa. Không phải tôi mặc kệ chồng, nhưng sau khi bình tĩnh lại, tôi thấy mình cũng hơi quá căng thẳng chuyện ăn uống. Chua cay mặn ngọt không chỉ là hương vị mà còn là thú vui của ẩm thực, người thích cay không thể sống thiếu ớt, người ưa mặn ăn gì cũng phải đậm đà. Ngày nào còn duy trì được sở thích ăn uống nghĩa là sức khỏe còn cho phép, không nhất thiết phải từ bỏ. Tôi tìm đến bác sĩ dinh dưỡng, bác cũng khuyên tôi đừng cứng nhắc quá trong quan niệm sống khỏe. 

Đúng là việc giảm muối rất quan trọng, nhưng chuyện ăn ngon cũng cần thiết, thay vì khăng khăng cắt nước chấm thì tôi nên điều chỉnh thực đơn sao cho hợp lý, vừa đảm bảo sức khỏe vừa ngon miệng. Biết rằng không dễ, nhưng với một căn bệnh mạn tính thì phải cố gắng.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Chồng tôi cũng rất cố gắng theo thực đơn của vợ (Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz)

 

Tôi quyết định thay đổi cách nấu nướng, anh không chịu bỏ chén nước chấm thì tôi nấu nhạt, hạn chế gia vị gần như chỉ nêm rất ít muối. Muối tôi cũng thay bằng muối hầm để ít mặn hơn, đây là loại gia vị thường thấy trong các món thực dưỡng. Bên cạnh đó là việc đa dạng các loại rau trên bàn ăn, bớt những món chiên, xào. Lẩu mắm, mắm chưng, ba khía… cũng được loại bỏ, không có trong thực đơn cơm nhà. Bữa sáng thì xen kẽ thêm món ngọt như pancake, crepe ăn với mứt, xốt sô-cô-la thay vì chỉ toàn bún, phở đậm đà như trước. Tôi còn học cách tự làm một vài loại nước chấm đơn giản như tương ớt, muối ớt xanh, sa tế… dù sao nhà làm cũng sẽ ít gia vị hơn mua bên ngoài. 

Từng chút một, tôi dần bớt được độ mặn trong mâm cơm của cả nhà. Dĩ nhiên bữa cơm nhà tôi cũng không thể thanh đạm như những người quen ăn kiểu thực dưỡng, nhưng so với ngày xưa thì đã hạn chế được rất nhiều muối. Thấy tôi có thiện chí nghiên cứu chế biến thức ăn tốt cho sức khỏe mà không bị nhạt nhẽo, ông xã tôi cũng bớt vừa ăn vừa càm ràm. Thì ra, chồng thay đổi khi ta đổi thay. 

Tuy vậy chặng đường giảm muối của nhà tôi vẫn chưa thể dừng lại, vẫn còn phải tiếp tục kiên trì. Ăn uống vốn là chuyện cả đời, không gấp được. 

Phương Nghi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI