Lấy anh em còn làm được, thì có việc gì em không dám làm!

27/04/2022 - 19:47

PNO - Trong một lần… à không, trong nhiều lần cự cãi với chồng, tôi buột miệng phát ngôn câu trên rồi tự cười thầm. Ái chà, sao mình lại có thể nói ra một câu sâu sắc và quá thâm thúy đến như vậy.

Ngày cưới, giữa rất rất nhiều lời chúc hạnh phúc, tôi nhớ một lời nhắn nhủ của bác khách mời (chắc là bạn của ba tôi). Khi tiệc sắp kết thúc, khách khứa về gần hết, bác lại gần, ghé tai tôi nói nhỏ: “Bác dặn con và con chỉ cần nhớ một điều. Từ hôm nay con đã đeo trên tay chiếc nhẫn, và đó là nhẫn nhịn”.

Thực sự thì sau 10 năm, ngoài việc đứng tên chung một căn nhà và cùng làm cha mẹ của một đứa con thì việc mà hai vợ chồng tôi thường làm cùng nhau nhất là… nhịn nhau.

10 năm qua, việc chúng tôi làm cho nhau nhiều nhất chính là... nhịn nhau
10 năm qua, việc chúng tôi làm cho nhau nhiều nhất chính là... nhịn nhau (Ảnh: vợ chồng tác giả) 

Chồng tôi là kế toán trưởng của một công ty liên doanh nước ngoài, tôi làm truyền thông báo chí cho một tập đoàn trong nước. Một đứa làm việc cả ngày với con số, lệnh hàm, chuẩn xác chi li từng; còn một đứa phiêu diêu từ sáng đến tối với con chữ và hình ảnh. Từ nghề nghiệp đến thói quen, tính tình, quan điểm, chúng tôi đều khác nhau. Hồi xưa chúng tôi “hút” nhau vì những điểm khác ấy, cả hai đều nghĩ xa rằng khi có con mà nó giỏi toán giống bố và giỏi văn giống mẹ thì tốt quá, ai ngờ...

Dường như khi đứng trước mọi vấn đề từ lớn đến nhỏ, từ chuyện nhà cửa, bố mẹ hai bên, chuyện nuôi dạy con đến cả việc có nên để cái sọt rác trước nhà hay không… chúng tôi đều không thể đồng thuận ngay từ đầu. Thường thì nó sẽ đi theo quy trình: Nảy sinh vấn đề - vợ đưa ra quan điểm của vợ - chồng đưa ra cách giải quyết của chồng - vợ không đồng ý - chồng không nhường - bẵng đi khoảng 2 ngày im lặng thì tiếp tục trao đổi (trừ những việc cấp bách cần giải quyết liền) - đưa ra giải pháp trung dung nhất để... huề cả làng.

Hôm nọ tôi có ngẫu hứng cải tạo lại ban công trở thành nơi để "chill", là một chỗ để thư thả viết lách với rất nhiều cây xanh, nào chậu đứng nào chậu treo kín sân... Nhưng chồng lại muốn nó trở thành một khoảng sân nhỏ trống trải để hai bố con có thể luyện tập nhảy dây, đấm box phao và đu xà. Luôn luôn là kiểu quan điểm trái ngược như thế.

Vợ thì kiểu trái tim thi ca, chồng não bộ thực tế. Cuối cùng xử bằng cách tôi vẫn có một cái bàn nhỏ để viết, một vài chậu cây kế bên, một giò lan trên đầu và khoảng sân còn lại là cho hai bố con.

Khi thấy chứng khoán lên, tôi nói một cách cảm tính rằng chồng nên bán đi thì anh đáp lại với tất cả sự hiểu biết rằng: “Theo như biên độ anh theo dõi từ chu kỳ năm ngoài thì giá này chưa chạm đến giới hạn, sẽ còn lên nữa trước khi biểu đồ đi ngang, không bán, chờ”. Vậy là lại đi vào vòng tranh luận bán - không bán. Cuối cùng thì chuyện này được giải quyết bằng cách bán 1/2, giữ lại 1/2. 

Lúc con gái nhập học lớp Một là khoảng thời gian khủng hoảng khi chỉ còn 1 tháng nữa nộp hồ sơ mà vợ chồng tôi vẫn chưa quyết định được nên cho con học trường công hay trường tư. Tôi muốn con học trường tư để có điều kiện ăn ngủ, tập luyện thể thao tốt hơn, cơ sở vật chất cũng tốt hơn và không muốn con bị áp lực học tập nhiều. Chồng lại muốn con có môi trường học bình thường như số đông, rèn luyện từ sớm để có tính cạnh tranh cao hơn.

Đến ngày cuối cùng nộp hồ sơ, vợ chồng tôi cũng đồng thuận cho con học trường công kèm theo điều kiện của tôi là phải dành thời gian cho con có những hoạt động văn nghệ, thể thao ở nhà văn hóa và học thêm các môn ngoại ngữ ở bên ngoài.

Mỗi khi bất đồng quan điểm, tôi lại tâm sự với hai bà mẹ: mẹ ruột và mẹ chồng. Mẹ tôi hay bảo: "Lúc chưa lấy chồng thì mở to hai mắt để nhìn và chọn chồng, lúc lấy chồng rồi thì nên ti hí mắt mở mắt nhắm, cái gì cho qua được thì qua, đừng chấp nhặt chi li mà không khí gia đình sẽ nặng nề". Lần nào mẹ cũng nói với kiểu hòa giải như thế, chẳng khi nào bênh con gái.

Mẹ chồng tôi cũng vậy. Mỗi khi tôi bực tức kể xấu con trai bà, bà đều từ tốn bông đùa: “Lúc yêu thì thường không tỉnh táo. Khổ cái là lúc lấy nhau rồi thì tỉnh dần lại”. Thế là hai mẹ con lại cười ngặt nghẽo. 

Ngẫm lại 10 năm hôn nhân, vợ chồng tôi bất đồng khá nhiều nhưng may là chưa bao giờ thiếu tôn trọng nhau, càng không có chuyện đá thúng đụng nia hay chén bát loảng xoảng, tuyệt nhiên không bao giờ mày tao. Nghĩ lại thấy vợ chồng có quan điểm khác nhau thì càng làm cho vấn đề được sáng tỏ và đa diện hơn. Cái bàn viết nơi ban công bé lại một chút nhưng lại có cái sân rộng hơn cho hai bố con.

Tiền lãi chứng khoán có ít đi một chút, nhưng lại có một chút để dành cho “chắc bụng”. Con vừa được học ở môi trường học tập sát sao hơn vừa có thêm những hoạt động thể chất, năng khiếu chuyên biệt. Và rất rất nhiều việc lớn nhỏ khác mà khi nhìn lại, tôi thấy đúng là có những điểm lợi khi vợ chồng chúng tôi chọn cách dung hòa ý kiến của đối phương. 

Nói chung thì trên đời không có ai là sinh ra là hợp với ai cả, không ai sinh ra là dành cho một người nào đó, tất cả chỉ là vì nhau mà cố gắng hòa hợp mà thôi. Hạnh phúc cũng từ ấy mà được vun đắp mỗi ngày.

Nguyễn Hồng Thảo Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI