Chồng bài bạc, lăng nhăng vẫn được quyền nuôi con

26/11/2019 - 05:47

PNO - Đó là quyết định của Tòa án nhân dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngày 6/11/2019 cho bản án ly hôn giữa chị P.N.N. (tỉnh Tây Ninh) và anh N.V.S. (tỉnh An Giang).

Anh S. và chị N. cùng đi làm ở tỉnh Bình Dương rồi quen và cưới nhau năm 2010. Năm 2011 chị N. sinh con. Mẹ chồng chị từ Châu Phú lên Bình Dương chăm cháu với lý do: “Con gửi em bé ở nhà trẻ không an toàn, thôi thì để mẹ trông cháu giùm, mẹ con rau cháo có nhau”.

Lương công nhân may của chị N. được khoảng mười triệu đồng một tháng, mẹ chồng bảo hãy đưa bà giữ để tiện chi dùng tã sữa, thức ăn… Lương con trai mình thì bà bảo: “Để dành thằng S. làm chuyện lớn”.

Chong bai bac, lang nhang van duoc quyen nuoi con
Chị N. cô đơn giữa tòa án

“Chuyện lớn” thứ nhất là anh S. sa vào bài bạc, cá độ đá banh, đến nỗi suốt cả năm trời không còn giữ được đồng nào. Chiếc xe Vision mới mua, anh cũng mang thế chấp và nợ “xã hội đen” thêm 30 triệu nữa. Chị N. phải gánh nợ cho anh, vì anh S. bị giang hồ đòi nợ hăm dọa. 

Vừa lo nợ cho chồng xong thì chị N. vỡ kế hoạch sinh đứa con thứ hai vào năm 2014. Bây giờ vẫn mười triệu đồng lương tháng đó, chị N. phải nuôi cả hai con, bản thân mình, và mẹ chồng. Nhưng tiền anh S. làm ra vẫn không đem về nhà giúp chị N. trang trải, mà tập trung “làm chuyện lớn hơn” là… có bồ nhí. Cô bồ của anh S. ngang nhiên gửi tin nhắn bảo chị N. “nhường chồng” vì anh S. chỉ yêu có cô ta thôi. 

“Em sốc lắm, ngay chiều hôm đó chồng em về nhà, em đưa tin nhắn cho anh ấy xem, hỏi có phải như vậy không? Anh không chối cãi gì mà nói rằng: “Nếu em đã biết thì biết luôn. Tui hết thương em rồi, tui thương người ta thôi!”. Những ngày đó em khóc mờ cả mắt, em có tội gì chứ? Em đã hy sinh hết cho chồng con. Bản thân em mắc chứng máu khó đông, lại hai lần sinh mổ. Vậy mà chồng không xót thương đã đành, còn đối xử với em như vậy là sao?” - chị N. vừa gục đầu xuống bàn, vừa nói trong nước mắt.

Thế nhưng nỗi bất hạnh của chị N. không dừng lại ở đó. Ngay khi bà mẹ chồng chứng kiến cảnh con trai mình quan hệ lăng nhăng, bỏ bê vợ con, bà bảo chị N.: “Nó đi đâu kệ nó, thân tàn ma dại nó cũng về. Con cứ ở lại với mẹ, con đi làm nuôi con của con, mẹ chăm sóc tụi nhỏ là yên tâm quá rồi”. Uất ức cùng cực, chị N. đã hỏi lại: “Vậy ví dụ ba bỏ mẹ đi theo người khác, tới thân tàn ma dại trở về thì mẹ có chấp nhận không?”. Bà gầm lên: “Chồng tao khác, chồng mày khác. Đừng hỗn láo!”.

Chong bai bac, lang nhang van duoc quyen nuoi con
Ảnh minh họa

Cuối năm 2017, trong lúc chị N. hoảng loạn, thất vọng, không biết phải làm gì, thì ngay trong ngày chị đi tìm nhà trọ khác để thuê, mẹ chồng chị đã đưa hai con chị về An Giang. Sau khi ổn định chỗ làm, đủ điều kiện nuôi con, tháng 3/2019, chị N. đã khởi kiện ly hôn với đề nghị xin nuôi hai con không yêu cầu cấp dưỡng.

Nhưng cả hai lần hòa giải, lẫn phiên chính thức lần 1 cuối tháng 10/2019, anh S. đều không đến. Phiên thứ 2 diễn ra ngày 6/11/2019, anh S. mới chịu xuất hiện và khai rằng hiện đang đi làm công nhân ở Sài Gòn và Bình Dương với thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng, “dư sức nuôi con”.

 Mọi sự bất lợi dồn về phía chị N., khi hai hội thẩm nhân dân đều xoáy sâu vào việc: “Nếu chị quý con, sao ngay khi bỏ đi tìm nhà trọ khác, chị không ẵm con theo? Nếu chị quý con thì phải chịu cực chịu nhục để có mẹ có con chứ? Tại sao để con cho bà nội trông rồi giờ đòi lại?”.

Mặc chị N. lý giải rằng, do đau khổ tột cùng vì bị chồng phản bội, và trong túi cũng không có tiền, ngay cả thẻ ATM cũng bị mẹ chồng giữ, thì làm sao chị dắt cả hai con đi theo ngay lúc đó? Ấy là chưa kể hai năm nay, mẹ chồng luôn làm khó chị trong việc gọi điện thoại gặp con. Ngày lễ, tết, hay thậm chí dịp hè, chị cũng không được rước con vì “tụi nhỏ bận học”.

Thế nhưng, tòa vẫn khăng khăng với lý do: “Tụi nhỏ đang học hành yên ổn ở nhà nội. Nếu chị thật sự yêu con, thì hãy hy sinh tình mẹ để các con không bị xáo trộn việc học. Vì vậy, tòa quyết định giao anh S. nuôi dưỡng hai con”. Quyết định do thẩm phán Nguyễn Phước Hậu tuyên đọc khiến chị N. không được nhận nuôi đứa con nào, dù đứa con nhỏ của chị chỉ mới năm tuổi. 

Chị N. sẽ phải hy sinh tình mẹ để con “yên ổn học hành”, thế còn người cha bài bạc, cá độ, quan hệ lăng nhăng thì có đủ tư cách dạy dỗ con không?

Câu hỏi đó của chị N. đã không được tòa giải đáp. 

Phạm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI