Chỉ đích danh IS khủng bố tại Paris: Pháp kiên quyết; Anh, Đức lúng túng

18/11/2015 - 13:56

PNO - Sau khi IS được chỉ đích danh là chủ mưu trong vụ khủng bố tại Pháp, đã khiến chính trường các nước có chính sách thay đổi trong việc chống IS.

Pháp mạnh tay chi tiền cho an ninh

Theo Reuters, phát biểu ngày 16/11- 3 ngày sau khi diễn ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm - Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề ra một loạt các biện pháp nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố trên đất Pháp.

Ông Hollande cho biết, ông sẽ tăng thêm 5.000 nhân viên trong lực lượng an ninh, tăng thêm 2.500 nhân lực làm việc trong các nhà tù của Pháp và sẽ không giảm chi tiêu quốc phòng cho đến trước năm 2019.

Chi dich danh IS khung bo tai Paris: Phap kien quyet; Anh, Duc lung tung
Hiện trường vụ khủng bố tại Paris do IS gây ra ngày 13/11. Ảnh: Reuter

Dù hiểu rằng, biện pháp này có thể phá vỡ quy định về ngân sách của EU, ông Hollande khẳng định, an ninh quốc gia còn quan trọng hơn nhiều.

“Chúng ta không dấn thân vào một cuộc chiến giữa các nền văn minh bởi những kẻ sát nhân không đại diện cho điều này. Chúng ta đang chiến đấu chống lại những tên khủng bố Thánh chiến đang đe dọa toàn thế giới”, ông Hollande nhấn mạnh.

Anh bàn luận, Đức bỏ ngỏ

Thủ tướng David Cameron cho biết sẽ tìm mọi cách thuyết phục Hạ viện Anh ủng hộ mở rộng hành động quân sự chống IS từ Iraq sang Syria.

Phát biểu trước Hạ viện ngày 17/11, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, nước này đang phải đối mặt với hiểm họa "trực tiếp và ngày càng gia tăng" từ IS sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn tại Paris (Pháp) hôm 13/11 vừa qua.

Chi dich danh IS khung bo tai Paris: Phap kien quyet; Anh, Duc lung tung
Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: EPA)

Thủ tướng Cameron cũng cho rằng, Anh “không thể chờ đợi và cũng đừng chờ đợi ai khác sẽ gánh vác trách nhiệm hay chịu rủi ro để bảo vệ” quốc gia này. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh còn nhắc đến thành phố Raqqa ở Syria như một thành trì của IS - nơi các mối đe dọa chính nhằm vào Anh được lên kế hoạch thực hiện. Theo ông, một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria vẫn là nhu cầu khẩn cấp nhất.

Về phía Đức, theo kênh truyền hình SAT 1 ngày 16/11, Thủ tướng nước này Angela Merkel vẫn để ngỏ khả năng lựa chọn hành động quân sự để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bà Merkel cho rằng, việc chấm dứt cuộc chiến ở Syria phải được thực hiện theo tiến trình hoà bình đã được thông qua tại Vienna, Áo.

Tuy nhiên, bà không cho biết rõ liệu sẽ có một quyết định của Liên hợp quốc về sứ mệnh quốc tế với sự tham gia của quân đội Đức chống IS hay không.

Canada ngừng tham chiến trực tiếp

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 17/11 khẳng định, nước này sẽ tăng số nhân viên huấn luyện quân sự tới Iraq đóng góp cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Chi dich danh IS khung bo tai Paris: Phap kien quyet; Anh, Duc lung tung
Ông Justin Trudeau tại một cuộc họp báo ở Ottawa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Canada không cho biết số lượng cũng như hình thức triển khai các nhân viên huấn luyện mới, mà chỉ khẳng định đây là một trong những kịch bản được Chính phủ Canada xúc tiến để chuẩn bị cho kế hoạch ngừng tham chiến trực tiếp chống IS.

Trước đó, Chính phủ của ông Trudeau khẳng định sẽ rút 6 máy bay chiến đấu CF-18 khỏi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu, vào trước cuối tháng 3/2016, thời điểm sứ mệnh này chính thức hết hiệu lực, để tập trung vào công tác huấn luyện và viện trợ nhân đạo.

Canada cam kết sẽ tiếp tục giữ vai trò tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố theo cách thức phù hợp và hiệu quả nhất.

Hoàng Nam (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI