Châu Á lại tiếp tục oằn mình trước sự tấn công của COVID-19

19/05/2021 - 06:20

PNO - Hàng loạt quốc gia ở châu Á đang phải căng mình chống đỡ sự tấn công ồ ạt trở lại của COVID-19 sau một thời gian tưởng như "mọi thứ đã ổn".

Trong khi nhiều nơi trên thế giới bắt đầu “hồi sinh” sau cuộc tấn công của COVID-19 thì Đài Loan, một quốc đảo nhỏ bé vốn “bình chân như vại” suốt một thời gian dài, giờ đây đang căng mình hoảng hốt với những cảnh tượng chưa từng xảy ra: phố phường thưa thớt, những cửa hiệu đìu hiu, từng dòng người xếp hàng dài trong siêu thị để mong có được vài cuộn giấy vệ sinh, những chiếc ghế trống trên các phương tiện giao thông công cộng...

Người dân Đài Loan giờ đây phải thường xuyên đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng - Ảnh: Chiang Ying-ying/Associated Press
Người dân Đài Loan giờ đây phải thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng - Ảnh: Chiang Ying-ying/Associated Press

Cú “tập kích” đầy bất ngờ này không chỉ xảy ra ở Đài Loan mà còn đang gây sóng gió trên khắp châu Á - nơi có những quốc gia vốn được ca ngợi vì đã khống chế và kiểm soát COVID-19 rất tốt với các thành tích như: số người chết vì dịch bệnh thấp, hàng triệu người đi làm trở lại, trường học được mở cửa, nhà hàng quán xá nhộn nhịp kẻ bán người mua...

Thế nhưng giờ đây, những nước này lại đang phải lao đao vật vã với những lệnh cách ly khắt khe, cảnh tượng tranh giành nhau giường bệnh và số ca nhiễm tăng lên từng ngày.

“Tôi cảm thấy sợ hãi và vội chạy ngay đến siêu thị để mua đồ gia dụng cần thiết”, Ruby Liu, phóng viên 31 tuổi đang làm việc cho một tờ báo địa phương kể, “Thế nhưng tôi đành bỏ cuộc sau hàng giờ chờ đợi bởi dòng người kéo dài như vô tận cũng đang chờ đợi như tôi”.

Không chỉ cô Liu mà rất nhiều người vẫn đang lo lắng kể cả khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên truyền hình kêu gọi và trấn an dân chúng.

Lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 xuất hiện, Đài Loan buộc phải áp đặt những biện pháp khắt khe nhằm tìm cách ngăn chặn virus đang cướp đi sinh mạng của hơn 3,3 triệu người trên khắp thế giới. Rạp hát, khu vui chơi, thư viện và trường học được lệnh đóng cửa cho đến ít nhất hết tháng 5 này.

Người dân Thái Lan đang chờ để được tiêm vắc-xin ở thủ đô Bangkok - Ảnh: Anuthep Cheysakron/Associated Press
Người dân Thái Lan đang chờ để được tiêm vắc-xin ở thủ đô Bangkok - Ảnh: Anuthep Cheysakron/Associated Press

Những hành động dứt khoát và cứng rắn như thế này cũng có thể nhìn thấy rõ ở khắp các nước khác trong khu vực.

Một số nước như Thái Lan, Campuchia và Lào lần đầu tiên chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng một cách đột biến. Những quốc gia như Singapore và Malaysia thì đang “bất lực” nhìn số ca lây nhiễm tăng cao trở lại. Éo le nhất là Nhật Bản khi nước này đang phải đối mặt với “gánh nặng ngàn cân” với nguy cơ phải hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo lần 2. 

Khủng khiếp nhất là Ấn Độ khi số lượng ca nhiễm tăng với tốc độ phi mã. Ấn Độ đã và đang trở thành “tâm điểm của tử thần” khi chiếm tới hơn 60% trong tổng số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu chỉ trong nửa đầu tháng 5 này theo thống kê từ Đại học Oxford (Anh quốc).

Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên không ngừng khiến một số nước châu Á đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát - Ảnh: Niranjan Shrestha/Associated Press
Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên không ngừng khiến một số nước châu Á đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát - Ảnh: Niranjan Shrestha/Associated Press

“Đây chính là một cuộc đại khủng hoảng”, ông Dale Fisher, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói, “Viễn cảnh vỡ trận là điều có thể nhìn thấy”.

Theo ông Dale, việc giãn cách xã hội và tăng cường các biện pháp kiểm soát y tế trong cộng đồng là những giải pháp căn cơ, nhất là trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại các điểm nóng như Ấn Độ. Bên cạnh đó, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng thì cách duy nhất là cần nhanh chóng tiêm vắc-xin đại trà cho tất cả dân chúng.

Thế nhưng, theo các chuyên gia thì nghịch cảnh trớ trêu hiện nay là, phần lớn lượng vắc-xin lại đang nằm trong tay những quốc gia giàu có như Mỹ và các nước châu Âu. Điều này khiến cho hàng triệu người dân ở các quốc gia nghèo không có cơ hội tiêm chủng.

“Thế giới cần hiểu rằng, sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn", ông Abhishek Rimal, điều phối chương trình y tế khẩn cấp thuộc Hội chữ thập đỏ Quốc tế nói.

“Ngay lúc này nước Mỹ trông có vẻ đang ổn, thế nhưng chỉ cần có một biến thể mới của virus xâm nhập vào cộng đồng thì lúc đó thảm họa sẽ quay trở lại ngay lập tức”, ông Abhishek giải thích, “Đó là lý do chúng ta cần có sự công bằng trong phân phối vắc-xin”.

Nhân viên y tế đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của công nhân nhập cư ở Cambodia - Ảnh: Tang Chhin Sothy/Getty Images
Nhân viên y tế đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của công nhân nhập cư ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: Tang Chhin Sothy/Getty Images

Không chỉ các nước nghèo mới phải vật lộn với vắc-xin mà ngay cả những nước giàu như Nhật Bản, vốn đang phải oằn mình với làn sóng COVID-19 lần 4, cũng không thể đảm bảo việc tiêm vắc-xin cho toàn bộ công dân của mình.

Khoảng 70% dân số Nhật Bản đang phải chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh gây ra, trong khi chỉ có chưa tới 3% trong số 126 triệu người dân hoàn thành tất cả các mũi tiêm cho đến thời điểm này. Sự chậm chạp này được cho là có nguyên nhân từ khả năng quản lý kém cũng như hệ thống đăng ký tiêm vắc-xin hoạt động không hiệu quả.

Cụ bà 79 tuổi Hiroko Fukushima cho biết đã gọi hơn 150 cuộc điện thoại đến cơ sở y tế địa phương suốt 5 ngày vừa rồi nhưng vẫn không thể đăng ký được một cái hẹn tiêm vắc-xin. Chính điều này đã khiến con gái bà không thể ghé thăm và cùng mẹ mình ăn bữa cơm tưởng nhớ ngày mất của bố như các năm trước.

“Hàng xóm của tôi cũng chưa có ai được tiêm vắc-xin cả”, cụ Fukushima cho biết, “Phần đông trong số họ là người già neo đơn không có con cái trông nom chăm sóc”.

Thủ tướng Yoshihide Suga mới tuần trước đã phải tuyên bố một loạt địa phương, bao gồm: Hokkaido, Okayama, Hiroshima, Tokyo và Osaka phải được đặt trong tình trạng khẩn cấp với các biện pháp hạn chế khắt khe cho đến cuối tháng này. Nhiều địa phương khác cũng phải chịu cảnh tương tự.

Hệ thống bệnh viện của Nhật Bản cũng đang kêu cứu khi số ca lây nhiễm hàng tuần tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt. Có ít nhất 17.000 bệnh nhân không được chăm sóc y tế do thiếu bác sĩ, đến nỗi thị trưởng thành phố Osaka phải hốt hoảng cảnh báo tỷ lệ tử vong đang tăng một cách mất kiểm soát.

Một người dân đang biểu tình phản đối chính quyền tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo - Ảnh: ezary Kowalski/Getty Images
Một người dân đang biểu tình phản đối chính quyền tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo - Ảnh: ezary Kowalski/Getty Images

Ở tầm vĩ mô cũng không hề khả quan hơn khi mới đây, đại tỷ phú đồng thời là ông chủ của Tập đoàn Rakuten, “người khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử xứ sở mặt trời mọc, đã phải nặng lời khi cho rằng, nếu Nhật Bản tiếp tục tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo thì sẽ không khác gì một “điệp vụ tự tử của thế kỷ”.

Và đến nay, các chuyên gia y tế vẫn tiếp tục đưa ra khuyến cáo, rằng cần có đủ vắc-xin cho tất cả mọi người càng sớm càng tốt, nhất là ở các nước nghèo, nếu không, chưa biết đến khi nào dịch bệnh COVID-19 mới kết thúc.

Nguyễn Thuận (theo LA Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI