Chân thành ra đi còn hơn ở lại lừa dối

30/11/2021 - 12:49

PNO - Người còn yêu sẽ dùng mọi cách để níu kéo, kiểm soát người đã hết yêu. Và nếu người đã hết yêu trở nên yếu đuối, cả nể, tặc lưỡi thì cả hai sẽ sống tiếp một cuộc đời đầy tẻ nhạt.

Cuối tuần rồi, tôi cùng chồng xem bộ phim Khúc bi thương của nữ đạo diễn Isabel Coixet. Kịch bản được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The Dying Animal năm 2001 của Philip Roth.

Đây là một câu chuyện tình yêu đầy trái ngang nhưng rất đỗi ngọt ngào, có bi thương nhưng điều đọng lại sau cùng vẫn là những vẻ đẹp. Vẻ đẹp được tạo nên từ lòng can đảm khi nhân vật chính sống thật với trái tim mình.

Vai David Kepesh do diễn viên Ben Kingsley thủ vai.  David Kepesh là giáo sư, nhà phê bình văn học tên tuổi, một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm thuộc hàng bestseller. Tuy nhiều tuổi nhưng Kepesh có cơ thể khỏe mạnh và rắn chắc. Ngoài ra, với tính tình cởi mở, hài hước, một trí tuệ thông thái nên đi đến đâu, ông cũng được mọi người yêu mến, tôn trọng.

Cuộc sống luôn bận rộn và tràn đầy năng lượng không đồng nghĩa luôn suôn sẻ, David Kepesh cũng có những niềm riêng, khi ông phải đấu tranh để đến được với cô học trò xinh đẹp kém ông 30 tuổi Consuela Castillo (diễn viên Penélope Cruz đóng).

Ben Kingsley và Penélope Cruz trong Elegy (Khúc bi thương)
Ben Kingsley và Penélope Cruz trong Elegy (cảnh trong phim Khúc bi thương)

 

Điều mà tôi thích nhất khi xem những bộ phim tình cảm nước ngoài không phải là dàn diễn viên đẹp mà chính là ở độ sâu sắc của những câu thoại có sự trải nghiệm cùng thông điệp của phim. Trong một buổi giảng, giáo sư Kepesh đã hỏi những sinh viên: “Khi chúng ta đọc sách, có phải nội dung cuốn sách sẽ khác đi sau mười năm chúng ta đọc lại?”. Ông hỏi và cũng tự mình trả lời: “Sách thay đổi vì chính chúng ta thay đổi”. 

Thời trai trẻ, Kepesh lập gia đình với một phụ nữ, sinh một đứa con trai. Nhưng sau đó, ông nhận ra đã không còn yêu vợ. Hai người không còn có thể nói chuyện với nhau. Song song với việc mất niềm tin vào hôn nhân, ông nhận ra mình muốn nhiều tự do hơn, cần được sống một cuộc sống dồi dào cảm xúc hơn, ông cần một tình yêu khác. Kepesh chọn ra đi.

Trong tình yêu và hôn nhân, để đến được với nhau người ta có hàng ngàn lý do. Và khi bất hạnh, một người chọn rời bỏ gia đình, người còn lại cũng có hàng ngàn lý lẽ để đổ lỗi cho người kia. Người vợ chẳng thể nào thông cảm được cho người chồng, dẫu anh ta nói rất thật rằng: “Anh không yêu em nữa”, “Nếu có tiếp tục, thì đó cũng chỉ là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc”.

Người còn yêu sẽ dùng mọi cách để níu kéo, kiểm soát người đã hết yêu. Và nếu người đã hết yêu trở nên yếu đuối, cả nể, tặc lưỡi sống tiếp khi mượn danh “vợ chồng hết tình còn nghĩa”, thì cả hai sẽ phải sống một cuộc đời đầy tẻ nhạt. 

Gia đình không còn là không gian để vợ chồng chia sẻ, tận hưởng, mà chỉ là nơi để chịu đựng, nhẫn nại đầy gò bó, áp lực.

Khi thấy cảnh Kepesh tìm được tình yêu với cô sinh viên trẻ, tôi đã nói với chồng, lẽ ra nhà sản xuất không nên đặt tên bộ phim là Khúc bi thương (tựa dịch sang tiếng Việt) mà phải là “Khúc ca khải hoàn” hay “Hạnh phúc tìm thấy”. Là phụ nữ, nhưng em hoàn toàn ủng hộ quyết định ly hôn của vị giáo sư. Làm sao ai đó có thể đi xa khi họ còn chưa leo lên hết miệng vực?

Trong cuộc sống, người ta vẫn thường nói kẻ sống bằng trái tim là yếu đuối, nhưng sau khi xem phim, được đắm say cùng những giây phút nồng nàn của tình yêu đôi lứa, tôi nhận ra, chỉ kẻ mạnh mới dám sống theo trái tim. 

Cuộc sống thường nhật xung quanh, quả thật có rất ít người dám sống như giáo sư Kepesh. Đâu đó tôi vẫn đọc được những vụ ngoại tình đầy vụng trộm của những người chồng trăng hoa. Đâu đó tôi vẫn nghe bạn bè kháo nhau về chuyện chồng cô A. có năm - bảy bồ nhí, chồng chị B. có sở trường “chăn rau sạch” nhưng về nhà vẫn tỏ vẻ ngọt ngào, cưng chiều, đội vợ lên đầu. Với những người này, sống thật và sống giả, cách nào dễ hơn?

“Em có nghĩ, một trong những lý do khiến cho người đàn ông trở nên dây dưa, đẩy cuộc hôn nhân vào tình thế “bong bóng” hoặc vẫy vùng trong tuyệt vọng là sự níu kéo của người phụ nữ không?”, chồng hỏi tôi. Tôi chưa trả lời.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Bản năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình, thử hỏi người phụ nữ nào không muốn chờ đợi, hàn gắn khi tình cảm có dấu hiệu nứt vỡ. Vì con cái, họ sẵn sàng bỏ qua những mệt mỏi, sự thất vọng của bản thân. Thế nhưng, chỉ người đàn ông mới thực sự hiểu điều anh ta cảm nhận được và cần có.

Không ít người vì trong lòng cạn kiệt yêu thương, không dám dũng cảm thừa nhận và lựa chọn, lại quay sang hành hạ, giày vò bạn đời. Những người khác lại vụng trộm, hoặc bao nhiêu tiền của kiếm ra đều dồn hết cho tình nhân. Họ thách thức, giễu nhại, đẩy bạn đời vào thế chủ động rời bỏ gia đình. Họ giũ bỏ mọi trách nhiệm và sự tử tế như một kẻ đớn hèn. 

Lấy nhau, trao yêu thương. Chia tay, lưu kỷ niệm. Bước vào hay bước ra khỏi hôn nhân đều không phải là những cuộc chiến nhằm gieo rắc khổ đau và lòng thù hận.

Cuối phim, Kepesh nắm chặt tay Consuela, còn người con trai trưởng thành của ông cũng trao cho cha mình ánh mắt đầy yêu thương và trìu mến. Hẳn mẹ cậu ở nhà cũng muốn gửi đến chồng cũ lời biết ơn, sự trân trọng, vì ngày ấy ông đã chân thành chọn ra đi. 
Đừng nhìn thấy quá khứ từng có một kết thúc, mà hãy nhìn thấy ở đó, có đến hai sự bắt đầu. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI