Cắt viện trợ làm tăng số trẻ tử vong

15/12/2020 - 06:00

PNO - Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Hoàng gia Anh, việc cắt giảm viện trợ đối với các nước nghèo sẽ có tác động tiêu cực đến nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cho rằng, khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế do đại dịch, việc cắt nguồn kinh phí này để ưu tiên vấn đề an sinh trong nước là điều hiển nhiên.

Một em bé suy dinh dưỡng nắm lấy ngón tay của cha mình tại một bệnh viện ở Yemen - Ảnh: Getty Images
Một em bé suy dinh dưỡng nắm lấy ngón tay của cha mình tại một bệnh viện ở Yemen - Ảnh: Getty Images

Đại dịch làm trầm trọng thêm nạn đói 

Một báo cáo thường niên của Liên Hiệp Quốc gần đây cho biết, ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng thiếu ăn. Trong 5 năm qua, hàng chục triệu người đã gia nhập nhóm đối tượng bị suy dinh dưỡng kinh niên và nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục phải chống chọi với đói nghèo. Một báo cáo khác về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới hồi tháng Bảy ước tính, có khoảng 690 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn trong năm 2019, tăng thêm 10 triệu người so với năm 2018.

Tình trạng thiếu ăn xảy ra nhiều nhất là ở châu Á, nhưng lan ra với tốc độ nhanh nhất là ở châu Phi. Theo dự đoán, đại dịch COVID-19 có thể đẩy thêm 130 triệu người trên khắp hành tinh đến tình trạng thiếu ăn kinh niên vào cuối năm nay và nếu đại dịch vẫn tiếp diễn, nạn đói còn leo thang hơn nữa.

Châu Á vẫn là nơi có số người suy dinh dưỡng nhiều nhất (381 triệu người). Đứng thứ hai là châu Phi (250 triệu người), tiếp theo sau là châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean (48 triệu người). Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng của nạn đói nặng nề nhất và có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, với 19,1% dân số bị suy dinh dưỡng. Con số này gấp đôi tỷ lệ ở châu Á (8,3%) cũng như châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean (7,4%). Theo xu hướng hiện nay, đến năm 2030, hơn một nửa dân số bị đói kinh niên trên thế giới sẽ là người dân châu Phi.

Trẻ em sẽ chết nhiều hơn nếu bị cắt viện trợ 

Khi các tổ chức trên thế giới đang cố gắng thúc đẩy việc khắc phục nạn đói nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ nó trong tương lai gần thì đại dịch COVID-19 bùng nổ làm gián đoạn mọi kế hoạch. Nhiều quốc gia đã phải “xem lại ngân sách”, có nước tuyên bố ngưng viện trợ để ưu tiên khắc phục hậu quả trong nước. Điều này làm cho tình trạng đói nghèo, chết chóc ở những nước sống bằng nguồn viện trợ càng thê thảm hơn.
“Việc cắt giảm ngân sách viện trợ sẽ khiến một số trẻ em tử vong kèm theo những tác động tiêu cực kéo dài nhiều thế hệ trầm trọng” - Đại học Y khoa và Nhi khoa Hoàng gia (RCPCH) cho biết khi chính phủ Anh vừa tuyên bố sẽ cắt giảm viện trợ nước ngoài từ 0,7% xuống còn 0,5% tổng thu nhập quốc dân trong thời gian tới. 

Một người mẹ chăm sóc con nhỏ bên trong khoa nhi tại một bệnh viện ở Yemen. Ảnh: The Guardian
Một người mẹ chăm sóc con nhỏ bên trong khoa nhi tại một bệnh viện ở Yemen. Ảnh: The Guardian

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ giữ lời hứa với trẻ em nghèo nhất trên thế giới là dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho viện trợ nước ngoài. Tác động lớn của đại dịch COVID-19 đang gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với các dịch vụ y tế dự phòng và chữa bệnh ở những nơi nghèo nhất, đặc biệt là đối với trẻ em. Các ước tính cho thấy, hậu quả là hơn một triệu ca tử vong ở trẻ em. Việc Anh hay các nước giảm viện trợ sẽ dẫn đến thiệt hại nhân mạng đáng kể hơn nữa, các tác động tiêu cực kéo dài đến nhiều thế hệ” - đại diện RCPCH khuyến cáo.

Theo RCPCH, tiền viện trợ sẽ giúp các nước nghèo tăng các dịch vụ y tế, đồng thời làm giảm 2,6% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở châu Phi. Cứ mỗi USD viện trợ sẽ được phân bổ cho phòng, chống sốt rét, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong ở trẻ em các nước.

“Tỷ lệ tử vong ở trẻ em toàn cầu đã giảm hơn một nửa trong ba thập niên qua nhờ sự gia tăng viện trợ, nhưng số người chết vẫn rất nhiều. Theo báo cáo năm 2019, khoảng 15.000 trẻ em chết mỗi ngày do các điều kiện có thể tránh được hoặc có thể phòng ngừa được; khoảng 2,4 triệu trẻ sơ sinh chết trong tháng đầu tiên”.

Đưa ra cảnh báo rằng phụ nữ và trẻ em gái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, RCPCH cho biết, viện trợ nhiều giúp giảm tỷ lệ sinh sớm ở tuổi vị thành niên và giúp giảm bất bình đẳng giới, giúp phụ nữ sinh con an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi dưỡng chúng tốt hơn.

"Nói một cách đơn giản, viện trợ cứu sống trẻ em và giúp chúng có được sức khỏe tốt, lâu dài. Viện trợ cần được dùng để đạt được lợi ích tối đa và đó chính là những đồng tiền có giá trị. Cứu sống trẻ em là một mệnh lệnh, một hành động đạo đức và là một trong những khoản đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất cho sự tăng trưởng toàn cầu trong tương lai” - RCPCH kết luận. 

Thảo Nguyễn (theo The Guardian, UNICEF) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI