Can đảm để... thành thật

08/12/2015 - 07:45

PNO - Trung thực là vô giá. Ba mẹ có thể nói rõ về khái niệm trung thực là sống phải thật thà, thẳng thắn, nghĩa tình, nói phải đi đôi với làm...

Chị Kim Thanh đã tác động bằng nhiều cách đến con trai nhưng không thuyết phục được con nói thật với bạn. Để không dùng quyền hành của người mẹ áp đặt con, nhưng cũng không giấu ém sự thật, chị cần hiểu con hơn, tìm cách tháo dỡ những rào cản, tận dụng cơ hội để dạy con trẻ về tính trung thực, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm. Nếu thiếu những đức tính ấy, con sau này dễ sống ích kỷ, không biết quan tâm, chia sẻ hay vô tâm, thờ ơ trước những mất mát, đau khổ của người khác.

Can dam de... thanh that
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trung thực giá bao nhiêu?

Chị thử hỏi con trai rằng điều gì sẽ xảy ra khi bạn con và người nhà của bạn ấy tự phát hiện? Lúc đó, họ sẽ nổi giận và thất vọng về con? Bạn con có đôi lúc không được thật sáng suốt, cẩn thận (không hỏi chi tiết về chiếc xe khi mua, kiểm tra rồi không phát hiện gì cả) chính vì bạn rất tin tưởng, đánh giá cao tình cảm và tính trung thực của con.

Bí mật nào rồi cũng được “bật mí”. Lúc đó, bạn sẽ không còn tin tưởng con và có thể tình bạn của hai đứa sẽ kết thúc. Và việc làm không trung thực này sẽ còn lan rộng hơn trong các bạn ở trường. Vậy con có sống vui vẻ, thoải mái hơn không?

Nếu bây giờ con thẳng thắn, thành thật nói ra, bạn sẽ cám ơn con, sẽ càng quý con hơn vì con là người bạn tốt, chân thành. Bạn sẽ kể về lòng tốt và sự thành thật của con cho các bạn khác. Và lúc ấy, con trở thành một học sinh rất đáng yêu trong mắt của nhiều người - “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày làng”.

Lựa thời điểm phù hợp, chị có thể kể cho con những tình huống trong cuộc sống về sự thành thật, những câu chuyện thú vị liên quan đến chủ đề đó, để con biết nói dối, không trung thực là xấu, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Như một câu chuyện nào đó của chính chị thời thơ ấu, hoặc truyện ngụ ngôn chú bé chăn cừu hay cô bé Matilda vì thiếu trung thực mà đã gặp bất hạnh... Chị hãy giúp con nhận ra rằng giá trị của sự trung thực cao hơn gấp nhiều lần so với vật chất mà con có được (100.000đ).

Trung thực là vô giá. Ba mẹ có thể nói rõ về khái niệm trung thực là sống phải thật thà, thẳng thắn, nghĩa tình, nói phải đi đôi với làm. Ba mẹ cần kiên nhẫn dạy dỗ con, mọi thành quả đều đến từ sự dày công.

Chị thuyết phục con chưa hiệu quả có một phần vì cháu đã được ba hậu thuẫn. Con trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa thể lường hết được hậu quả nghiêm trọng của sự không thành thật.

Thay vì người phản bác, người ủng hộ con, cha mẹ hãy thống nhất, cùng chỉ cho con biết nói lời thành thật và tìm cách giải quyết tốt nhất. Tuyệt đối không mở lối dẫn đường cho sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm.

Đồng hành và đỡ nâng

Dù với ai và ở độ tuổi nào, để nói ra sự thật, mỗi người cần phải có mức độ can đảm nhất định. Con trai chị Kim Thanh gặp nhiều khó khăn, lo lắng “Lỡ bạn con biết, sẽ trả xe lại thì sao? Lỡ bạn vô lớp nói rùm beng, mấy đứa kia biết sẽ còn coi con ra gì”.

Chị đã bước đầu thành công khi cháu chia sẻ thật về tâm trạng, nỗi lòng của mình. Những gì chị cần làm tiếp theo là khuyến khích, đỡ nâng, làm tăng thêm sự tự tin cho con. Đừng quên gợi ý cho con một mốc thời gian phù hợp để nói với bạn.

Sống trung thực đồng nghĩa với hy sinh, can đảm. Đôi khi trung thực khiến ta chịu nhiều thiệt thòi, nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng để sống ý nghĩa hơn là việc chỉ lo được gì và mất gì. Người trung thực trước mắt có vẻ “thua sút”, “đánh mất” nhưng những thứ mà họ nhận được luôn lớn hơn mong đợi, đó là sự tin yêu của mọi người. Chỉ cần một phút can đảm để nói lên sự thật, con sẽ thấy mình thoải mái và hạnh phúc.

Thay vì buộc cháu cho biết tên bạn nào đã mua xe, chị hãy cùng con nghĩ cách tốt nhất để con tự nói với bạn, rèn cho con thói quen chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân. Nếu cháu ngại gặp bạn một mình, chị nên đi cùng để tăng thêm lòng can đảm, sự mạnh dạn cho con trẻ.

Đồng thời, giúp con có thêm kinh nghiệm về cách giải quyết vấn đề khi gặp phải những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Muốn dạy con trung thực, có lòng nhân ái và trách nhiệm, trước hết, người lớn phải làm gương. Những gì chúng ta làm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của con trẻ, hơn hẳn những điều chúng ta dạy chúng vì trẻ thường bắt chước làm theo những gì chúng quan sát được.

Thạc sĩ Phùng Duy Hoàng Yến (Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI