Mùa cưới

Cảm giác hôn nhân - Yêu bao lâu thì cưới?

31/10/2020 - 10:16

PNO - Khi nào thì cưới? Yêu bao lâu thì cưới? Lời giải nằm trong tim mỗi người. Tôi gọi lời giải này là “cảm giác hôn nhân”.

Có người chỉ yêu vài tháng thì cưới. Có người yêu cả chục năm trời vẫn chưa thấy cưới. Có người vì yêu quá lâu nên cưới bởi gia đình hai bên thúc giục. Có người mệt mỏi trong một cuộc tình dài, quyết định chia tay, làm mẹ đơn thân.

Có người mải miết tìm kiếm người phù hợp, yêu nhiều người để so sánh và chọn lựa. Có người không đề cao tình yêu mà dồn sức cho công việc và những hoạt động xã hội, đùng một phát đăng ảnh cưới trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và người thân. Có người hạnh phúc, có người đau khổ. Vậy là, không có lời giải chung cho mọi trường hợp, mà lời giải nằm trong tim mỗi người. Tôi gọi lời giải này là “cảm giác hôn nhân”. 

***
Cảm giác hôn nhân, nghe qua có vẻ là một sự gợi mở trong lòng thiên về cảm xúc. Thực chất, cảm giác là một dạng nhận thức xảy đến dựa vào thông tin từ các giác quan đem lại, cộng với trải nghiệm và niềm tin bên trong mỗi người. Giả dụ khi đứng trên ban-công tầng 81 của tòa nhà cao nhất thành phố, nhìn xuống bên dưới, ta có cảm giác sợ hãi bởi độ cao đáng gờm đập vào mắt, gió vít bên tai ta, chạm lên da thịt rờn rợn, hình ảnh từ những thước phim từng xem cộng thêm trí tưởng tượng phong phú khiến ta tin rằng nếu lỡ sẩy chân rơi xuống thì chắc chắn tiêu đời, trái tim nhắc nhở ta còn yêu đời lắm nên đứng cho vững vào. Nói cách khác, cảm giác nói chung hay cảm giác hôn nhân nói riêng chính là bản hòa tấu của lý trí và trái tim. Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, ta sẽ có cảm giác như thế nào? Hồi hộp, hoang mang hay thoải mái, an tâm?

Nhớ lại ngày nào, chúng tôi chỉ mới quen biết được một thời gian ngắn thì quyết định kết hôn. Thật lạ lùng! Khi anh ngỏ ý “tụi mình cưới nhau nha”, tôi đã gật đầu ngay, lòng không gợn chút lăn tăn. Tôi có cảm giác hôn nhân với người đàn ông vừa cầu hôn mình. Dù khi đó, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 nhưng tôi tha thiết muốn gắn bó phần đời còn lại với anh. 

Theo quan sát của tôi, anh là người tử tế. Sự tử tế chứa đựng rất nhiều hàm ý. Khi công nhận rằng ai đó là một người tử tế, bạn có thể nghĩ đến nhiều tính từ để miêu tả người đó: tốt bụng, chân thành, ân cần, trung thực, thẳng thắn, vị tha, bao dung, biết cảm thông… Và một người tử tế trong tình yêu - hôn nhân cũng đồng nghĩa là anh ấy chung thủy với bạn. Vậy thì yêu và cưới một người tử tế rõ là tiêu chuẩn vượt xa mọi tiêu chuẩn. 

Anh thường kể về gia đình có bố, mẹ, em trai, em gái bằng giọng ân cần. Anh quan tâm đến gia đình và bạn bè tôi bằng thứ tình cảm ấm áp, chân phương. Anh sẵn lòng giúp đỡ người khác, kể cả họ không thân thiết. Anh không khen tôi đẹp để chiều lòng người yêu, mà anh sẽ nói: “Hôm nay nhìn em thiếu sức sống thế, bôi tí son lên, đi ra ngoài chơi đi!”. Lúc hai đứa đi du lịch cùng nhau, anh luôn trải lại drap giường, dọn lại phòng khách sạn tươm tất trước khi rời đi. Thuê xe, trước khi đem trả, nếu lỡ xe bị vấy bẩn, anh đem đi rửa rồi mới trả lại. Hồi ấy, tôi kinh doanh quán cà phê, anh hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Điều đó chứng tỏ anh ủng hộ cho những ước mơ riêng của người con gái anh yêu. 

Cha mẹ tôi biết anh là người từng hoạt động nghệ thuật, nên tỏ ra lo lắng vì không biết chàng này có thật lòng với con gái mình không. Anh, bằng sự thông minh và hài hước, đã giải quyết mối bận tâm của phụ huynh, cũng như làm dịu mối quan hệ với bố mẹ vợ một cách rất nhẹ nhàng. Anh mang tất cả giấy tờ tùy thân từ chứng minh nhân dân, hộ khẩu đến bằng lái xe, bằng trung học, đại học… nộp cho cha tôi như người ta nộp hồ sơ xin việc, cốt để cha mẹ tôi yên tâm rằng những chuyện anh kể đều… đúng sự thật. Cha tôi chỉ biết… phì cười.

Những việc anh làm, dù là hành động nhỏ cũng khiến lý trí bảo tôi cứ an tâm, tin tưởng và trái tim không ngừng rung lên vì xúc động. Phải, tôi không cần một người đàn ông điển trai, giàu có, tài năng. Tôi cần một người đàn ông tử tế. Dĩ nhiên, một người đã tử tế mà còn điển trai, giàu có và tài năng thì còn lý do nào khiến bạn không yêu say đắm?! Nhưng trước hết, cứ phải là người tử tế.

Hãy chỉ kết hôn khi bên trong mình có cảm giác hôn nhân
Hãy chỉ kết hôn khi bên trong mình có cảm giác hôn nhân

***
Cô bạn cấp II của tôi kể, một lần cô ấy đang đi công tác nước ngoài thì nghe tin mẹ bệnh phải vào viện. Tuy lúc đó mối quan hệ giữa cô và chồng cô bây giờ cũng chưa rõ ràng, nhưng vào khoảnh khắc đó, người đầu tiên cô nghĩ đến là anh. Và anh đã thay cô giải quyết mọi việc nhẹ nhàng. Kể cả sau này, khi đã kết hôn, mọi sự rối rắm của cô đều được anh tháo gỡ. Cô yêu anh, trước hết bằng sự ngưỡng mộ; bên cạnh đó là bằng sự tin tưởng, muốn gửi gắm cuộc đời cho anh. Một cuộc đời thật an yên. 

Tôi cũng có một cô bạn khác kết hôn khi cảm giác hôn nhân vẫn chưa rõ ràng. Cô yêu một người nhưng quyết định cưới một người khác như một cách trốn chạy, để rồi cuối cùng, tình yêu không đủ lớn để vượt qua những thử thách, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. 

***
Bạn có “cảm giác hôn nhân” với ai đó chưa? Câu hỏi được hiểu theo cách đơn giản hơn là bạn có sẵn sàng gắn bó với một người, một đời? Lý trí có tiếp nhận và phân tích thông tin từ các giác quan để kết luận người bên cạnh là một người xứng đáng? Trái tim có mách bảo mình không thể rời xa người này? Đó là cảm giác mơ hồ thường bị bỏ qua và mãi thật lâu tôi mới biết cách gọi tên. Nhưng đây là một tín hiệu cho bản thân câu trả lời mình đã sẵn sàng cho một mối quan hệ lâu dài chưa.

Nếu bạn có cảm giác hôn nhân với người mình yêu, nghĩa là mọi câu trả lời bên trong bạn đã rõ ràng, không còn băn khoăn nữa, mừng bạn đã làm chủ lựa chọn của bản thân. Nếu bạn chưa có “cảm giác hôn nhân” thì sao? Theo tôi thì… chẳng sao cả! Một người chị của tôi chia sẻ, chị đã độc lập quá lâu để biết cách san sẻ cuộc đời với người khác. Cứ nghĩ đến chuyện không thể tự quyết định mà mọi sinh hoạt, lựa chọn lịch trình ít nhiều liên quan đến nửa kia, chị cảm thấy phiền. Và chị chọn làm người phụ nữ độc thân vui vẻ. Chị tin cảm giác hôn nhân sẽ xuất hiện khi chị gặp đúng người đủ bản lĩnh khiến chị có thể cởi bỏ “tấm khiên” cứng cỏi và dạy cho chị biết cách chia sẻ đời mình với người ấy.

Khi chia sẻ về cảm giác hôn nhân, tôi không có ý khuyến khích mọi người hãy kết hôn, mà ngược lại, dù chúng ta là ai, hãy chỉ kết hôn khi bên trong cả hai người xuất hiện cảm giác hôn nhân. Cuộc hôn nhân bảy năm của chúng tôi chứng minh cảm giác hôn nhân ngày nào đã giúp chúng tôi đưa ra quyết định đúng đắn nhất cuộc đời. Ở trong hôn nhân, chúng tôi vẫn giữ được mình, là-chính-mình. 

Lê Ngọc

(*) “Cảm giác hôn nhân” là một khái niệm được giới thiệu trong quyển sách "Nhà có hai người" của tác giả Lê Ngọc, xuất bản năm 2017.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI