Từ gian bếp của mẹ

Cách ly thì con tôi ăn gì?

11/09/2021 - 11:20

PNO - Theo cô, “bình tĩnh, yên tâm về con” cũng là một loại vắc-xin hiệu quả mà các con dành tặng cho các bà mẹ.

 “Từ hôm nay không cho bán thức ăn mang về, em xem tình hình có chỗ nào lách được thì cho chị số điện thoại”.

Đây là tin nhắn của chị Mai T., một bà mẹ từ Nha Trang, con trai học tại TP.HCM. Như hàng ngàn bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con kiểu kangaroo - luôn úm con trong lòng và dõi theo con từng bước, việc giãn cách nghiêm ngặt không khiến chị lo lắng bằng chuyện hôm nay cậu con trai đang là sinh viên năm thứ ba sẽ ăn gì.

Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, quán ăn trong các đợt giãn cách trước đã tăng doanh thu online đáng kể. Không ngồi ăn tại chỗ thì cũng có thể mang về hoặc đặt trên các app và có người giao.

Chỉ đến đợt giãn cách này, các bà mẹ mới cuống quýt vì đứa con là sinh viên, nhân viên văn phòng ở nhà trọ, căn hộ không có bếp, không biết nấu ăn, xưa giờ chỉ lo học, lo làm việc.

“Em có mỗi cái ấm điện, tối về nhà nấu nước uống, giờ nghỉ 14 ngày liên tiếp, cứ mì úp thôi thì hoang mang quá”, tâm sự được chia sẻ khiến nhiều bà mẹ như chị Mai T. càng rối hơn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một bà mẹ miền Trung xếp mắm chưng, chà bông, tôm sấy, dưa cải… đầy ắp một thùng xốp cho dịch vụ chuyển hàng, tất tả sợ nơi vận chuyển không nhận giao nữa. 

Ở một diễn biến khác, việc phải tự nấu ăn đã khiến các thanh niên lạc quan có nhiều trải nghiệm mới. Huy N., nhân viên IT phải ở lại công ty suốt 14 ngày trực dự án thay cho hai đồng nghiệp F1, khoe với gia đình tại Hà Nội rằng anh vẫn ổn nhờ lò vi sóng.

Buộc phải tự nấu ăn, Huy N. mò mẫm theo YouTube và nấu được cơm, nướng ức gà, làm món cơm trộn tiện lợi… “Tuy không xuất sắc nhưng không đói, mẹ đừng lo”, anh nhắn cho mẹ. Chàng đích tôn trong nhà kể thứ duy nhất vét được trên các kệ siêu thị sát ngày giãn cách là mấy quả cà chua xanh mọi người chê.

Thế nhưng đi sang kệ hàng nhập thì miến, mì, bơ, phô mai, các loại xốt… vẫn còn đầy. “Con giắt lưng được bảy món chỉ mất 5-10 phút là ngon lành. Học gì cũng khó nhưng học nấu khi sợ đói chắc dễ nhất” - chàng nói.

Tuy không thừa nhận mình là cậu ấm cô chiêu nhưng tự nấu một bữa ăn đủ dinh dưỡng là việc chưa bao giờ các cô cậu giống Huy N. phải làm.

Điều đó đã khiến các bà mẹ nhận ra, COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình trưởng thành của các con. Cũng chính trong những ngày có hàng ngàn việc bất ngờ xuất hiện vì dịch, hướng dẫn để các con có kỹ năng nấu nướng đơn giản trở thành việc các bà mẹ không thể trì hoãn.

Ngược lại, bọn trẻ cũng chia sẻ cách linh hoạt thực đơn để giúp tăng chất xơ, vitamin cho các bà mẹ truyền thống. “Con uống thêm sinh tố chuối, dừa, khoai môn… mua thêm bột khoai tây, bột ngũ cốc thay bữa sáng; ăn thêm các loại đậu, hạt nguyên cám trong ngày.

Phải khỏe, bình tĩnh, linh hoạt và không chủ quan sức trẻ mà ăn uống tạm bợ. Gia đình cần yên tâm về mình thì tất cả mới tập trung chống dịch được”, cô gái 9X độc thân, “tiểu thư” trong một gia đình cách TP.HCM 1.400km, đang làm việc tại một ngân hàng lớn, thuộc 20% nhân sự sẽ ở lại văn phòng trong những ngày tới, vui vẻ cho biết. 

Theo cô, “bình tĩnh, yên tâm về con” cũng là một loại vắc-xin hiệu quả mà các con dành tặng cho các bà mẹ. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI