Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hợp tác chống biến đổi khí hậu bất chấp những rạn nứt

23/04/2021 - 06:31

PNO - Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã tạm gác những tranh chấp với Tổng thống Mỹ Joe Biden để cam kết hợp tác quốc tế về việc cắt giảm khí thải than và dầu mỏ trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Cả Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều không ngay lập tức cùng Hoa Kỳ và một số nước phát triển trong việc đưa ra các cam kết mới cụ thể, nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch gây hại trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh do Hoa Kỳ tổ chức. Nhưng những người ủng hộ khí hậu hy vọng cuộc họp trực tuyến sẽ thúc đẩy hành động mới, mở đường cho cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 ở Glasgow, có ý nghĩa quan trọng trong việc làm chậm đáng kể biến đổi khí hậu trong thập niên tới.

Cả thế giới phải đối mặt với “khoảnh khắc nguy hiểm” nhưng cũng là “khoảnh khắc của cơ hội”, Tổng thống Biden phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với sự góp mặt của 40 nhà lãnh đạo thế giới. 

“Các dấu hiệu không thể nhầm lẫn được. Khoa học là không thể phủ nhận. Chi phí của việc không hành động (chống biến đổi khí hậu-PV) tiếp tục tăng lên” - ông Biden cho biết.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ảo về Khí hậu,
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới về chống biến đổi khí hậu

Trước hội nghị thượng đỉnh, chính quyền ông Biden đã cam kết sẽ cắt giảm 52% lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ vào năm 2030. Quyết định này được đưa ra khi Hoa Kỳ tìm cách giành lại vị trí lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump trong thời gian cầm quyền đã rút khỏi các nỗ lực quốc tế nhằm cắt giảm khí thải.

Chính quyền Tổng thống Biden trong tuần này cũng đang phác thảo tầm nhìn về một Hoa Kỳ thịnh vượng, năng lượng sạch. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã bác bỏ các kế hoạch trên vì cho rằng nó tốn kém và không hiệu quả.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh, Nhật Bản đã công bố mục tiêu giảm phát thải 46%, Hàn Quốc cho biết họ sẽ ngừng tài trợ công cho các nhà máy nhiệt điện than mới, có khả năng là một bước quan trọng để thuyết phục Trung Quốc và các quốc gia khác giảm sự phụ thuộc vào năng lượng than.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cam kết sẽ cắt giảm ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch từ 30% lên ít nhất 40%.

“Nga thực sự quan tâm đến việc tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu cũng như tất cả các thách thức quan trọng khác” - Tổng thống Nga Putin nói. 

Các biện pháp hạn chế đi lại trong thời điểm đại dịch bùng phát buộc Hội nghị thượng đỉnh phải phát trực tuyến, hạn chế cơ hội tương tác và thương lượng tự phát. Nhưng hội nghị thượng đỉnh cũng tạo nên màn trình diễn ấn tượng của các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới phát biểu về vấn đề duy nhất là biến đổi khí hậu, bỏ qua các tranh chấp ngoài lề khác.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI