Mỹ, Trung Quốc hợp tác khẩn cấp giải quyết khủng hoảng khí hậu

18/04/2021 - 14:26

PNO - Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới - hôm 18/4 đã đồng ý hợp tác khẩn cấp để kiềm chế biến đổi khí hậu. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận vấn đề cấp bách này.

Đặc phái viên Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry phát biểu trong cuộc họp bàn tròn với giới truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc, hôm 18/4 – AP/ĐSQ Hoa Kỳ Seoul
Đặc phái viên Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry phát biểu trong cuộc họp bàn tròn với giới truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc, hôm 18/4 - Ảnh: AP/ĐSQ Hoa Kỳ Seoul

Sau hai ngày hội đàm tại Thượng Hải vào tuần trước giữa đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa, hai nước “cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trung Quốc và Hoa Kỳ là những quốc gia gây ô nhiễm carbon hàng đầu trên thế giới, hai nước thải ra gần một nửa lượng khói nhiên liệu hóa thạch đang làm ấm bầu khí quyển của hành tinh. Sự hợp tác Mỹ - Trung là chìa khóa cho sự thành công của các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, nhưng các mối quan hệ rạn nứt đang đe dọa làm suy yếu những nỗ lực đó.

Chuyến đi Thượng Hải của ông Kerry được coi là chuyến công du cấp cao nhất đến Trung Quốc của một quan chức Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Từ Thượng Hải, cựu Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục bay tới Seoul để gặp các đối tác Hàn Quốc.

Ông Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 22-23/4. Hoa Kỳ và các nước khác dự kiến ​​sẽ công bố các mục tiêu quốc gia tham vọng hơn về cắt giảm lượng khí thải carbon trước hoặc tại hội nghị, cùng với cam kết hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực về khí hậu của các quốc gia đang phát triển.

Tổng thống Biden - người từng tuyên bố chống lại sự nóng lên toàn cầu là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông - đã đề nghị Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris trong những giờ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sau khi hủy bỏ quyết định rút khỏi hiệp định của người tiền nhiệm Donald Trump.

Các nước phát thải khí nhà kính chủ yếu đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), dự kiến diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh, vào tháng 11 năm nay. Hội nghị COP26 nhằm mục đích tái khởi động các nỗ lực toàn cầu để giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C như đã thỏa thuận trong Hiệp định khí hậu Paris.

Theo tuyên bố Mỹ - Trung, hai nước sẽ tăng cường “các hành động tương ứng và hợp tác trong các quá trình đa phương, bao gồm Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris”.

Tuyên bố cho biết, hai quốc gia cũng có ý định phát triển các chiến lược dài hạn tương ứng của mình trước hội nghị Glasgow và thực hiện “các hành động thích hợp để tối đa hóa đầu tư và tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều carbon sang năng lượng xanh, carbon thấp và tái tạo năng lượng ở các nước đang phát triển”.

Năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ “trung hòa về carbon” vào năm 2060 và đặt mục tiêu đạt mức cao nhất về lượng khí thải vào năm 2030. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc cam kết giảm lượng khí thải carbon trên một đơn vị sản lượng kinh tế xuống 18% trong vòng 5 năm tới, phù hợp với mục tiêu trong giai đoạn 5 năm trước đó. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn thế.

Tổng thống Biden đã cam kết Hoa Kỳ sẽ chuyển sang năng lượng không phát thải trong vòng 14 năm và sẽ có một nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050. Đặc phái viên Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry cũng đang thúc đẩy các quốc gia khác cam kết “trung hòa carbon” vào thời điểm đó.

Thanh Hải (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI