Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Tết không về quê thì tập yêu thương vùng đất mới

26/01/2020 - 05:55

PNO - Tết không về quê thì đã sao? Chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận tình đồng hương, những điều yêu thương ở nơi chúng ta chọn ở lại ăn tết.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đang đón một cái tết khá bận rộn vì các show diễn. Đối với anh, việc đứng trên sân khấu dịp lễ tết là một niềm vui và phúc phận. Năm nay, nam ca sĩ sẽ biểu diễn xuyên suốt đến Mùng 6 tết, sau đó anh mới có thể đoàn tụ cùng người thân với những yêu thương.

Nguyễn Phi Hùng đã có những chia sẻ chân tình với báo Phụ Nữ TPHCM về suy nghĩ xung quanh hai tiếng gia đình cũng như bí kíp đón xuân xa quê nhưng tràn ngập yêu thương.

PV: Chào ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. Được biết anh sẽ hát phục vụ khán giả hết mùa Tết này, đến Mùng 7 mới về với gia đình. Anh có sợ bố mẹ anh sẽ buồn, sẽ giận không?

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: - Ngày xưa thì có. Gia đình tôi từng giận thiếu điều muốn từ mặt con vì tuổi trẻ bồng bột, tôi không biết cách chia sẻ vấn đề để cho bố mẹ hiểu. Người thân nghĩ tôi ham chơi, nhưng rồi khi tôi quay về nhà, lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Ông sợ những lời nặng nhẹ lúc đó làm tôi tổn thương và tôi buồn không về. Cuối cùng tôi ngộ ra, gia đình không chỉ là nơi để mình làm tròn vẹn nghĩa vụ của một người con, mà còn là nơi để mình chia sẻ, tâm tình.

Tâm tình ở đây không phải để giảm khoảng cách thế hệ mà là để mọi người có thể thấu cảm được nhau, thông cảm cho nhau, để rồi 20 năm sau, tôi có ăn tết xa nhà thì người thân vẫn cảm thấy tôi thuộc về gia đình.

Bây giờ dù có đi đâu làm gì thì mỗi khi tôi về nhà thì đối với gia đình, đó là ngày tết.

Vậy anh còn nhớ gì về những ký ức đẹp của tết xưa cùng gia đình?

- Nhớ rất nhiều chứ. Nhớ những món ăn của mẹ, sự tất bật của cả gia đình trong những ngày cuối năm. Tôi nhớ thời đó gia đình mình còn nhiều khó khăn, hai cha con thích một chậu hoa nhưng không đủ tiền để mua vì giá quá cao. Thế rồi cận tết, hai cha con lại chở nhau vòng vòng tìm những gốc đào, cây quất không lớn nhưng có thế đẹp, vừa túi tiền để mua.

Khi mang về, cả nhà lại ngồi bên gốc cây nhìn ngắm và tấm tắc khen vì nó nhỏ nhắn nhưng vừa vặn với căn nhà tập thể chỉ rộng 39 mét vuông. Trong căn nhà nhỏ đó chúng tôi sống 5 - 6 người nên đi ra đi vô là đụng mặt nhau, thật vui vẻ. Hồi đó khốn khó nhưng không khí chuẩn bị tết vui lắm. Những bữa ăn tất niên diễn ra trong vòng khoảng một tiếng, nhưng có khi mất cả tuần để chuẩn bị. Thậm chí có khi nuôi con gà trước đó vài tháng, đến tết mới được ăn.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thường đưa bố mẹ đi du lịch cùng mỗi khi anh rảnh rỗi

Nhìn tết Việt bây giờ, anh có cảm thấy tết đang nhạt phai?

- Có một chút thôi, như chuyện chúc tụng nhau được giản lược bớt. Có một vài thứ khi giản lược thấy cuộc sống bớt căng thẳng, bớt lãng phí. Bây giờ moi người cân đối đúng theo tình hình tài chính chứ không gồng mình lo tết theo khuôn mẫu, định kiến cũ nữa. Tết bây giờ nhiều người họ than thì than vậy thôi, nhưng ai cũng có dành ra một khoản vừa đủ để xoay trở trong những ngày tết chứ không quá nhiều lo lắng như ngày xưa nữa. Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất vẫn là giữ được vói nhau tình cảm và sự chân thành. Quan trọng là mọi người luôn nghĩ và đối đãi tốt với nhau.

Vậy anh nghĩ sao về những người trẻ bôn ba, ngày tết không thích về nơi chôn nhau cắt rốn?

- Tôi nghĩ ai cũng có những lo toan. Cuộc sống riêng của mình phải chăm lo. Nếu gia đình đông con thì có thể chia nhau ra về tết với quê và ông bà. Ví dụ em bận đi du lịch thì em có thể về sau, gia đình về trước chứ không nhất thiết phải là dịp tết. Với người lớn, khi chúng ta về thăm là họ đã vui rồi. Một lời chân thành, một chút mừng tuổi đầu năm thôi cũng làm cho người ta cảm thấy vui hết tháng Giêng, nên không nhất thiết phải căng thẳng vì điều đó.

Vậy thì với những bạn trẻ do hoàn cảnh khó khăn, bắt buộc phải ở lại thành phố mưu sinh thì sao? Anh có lời khuyên nào dành cho họ?

- Với những bạn lập nghiệp thì các bạn nên biết rằng gia đình luôn dành tình thương lớn lao cho con cái. Do đó, nếu vì lý do nào bất khả kháng mà không thể về, các bạn hãy cứ mở lòng ra nói với người thân. Quan trọng là các bạn phải vững tâm trí của mình nữa. Phải thấy được cái đẹp của mảnh đất mình đang sống chứ không phải chỉ có làm việc.

Chúng ta cần dừng lại, sống chậm lại một chút để cảm nhận tình đồng hương, đón một cái tết phương xa đầy yêu thương. Mình sống ở đâu thì phải tìm hiểu văn hóa, con người và yêu những cái xung quanh đó. Tại sao chúng ta cho tự mình một cơ hội khi chưa có đủ điều kiện để về quê, được đón một cái tết tươi vui và đầy mới mẻ với người ở đó. Rồi khi nào điều kiện kinh tế tốt hơn chúng ta sẽ quay về nhà.

Tôi nghĩ gia đình nào cũng thương quý con, nên không ai muốn con mình phải suy nghĩ nặng đầu. Nếu các bạn chịu chia sẻ, thì tôi tin bố mẹ các bạn sẽ hiểu, thông cảm và an lòng. Chúng ta đừng bao giờ để bị áp lực, phải về quê bằng mọi giá. Đừng mang cái nặng nề đó để người thân phải xót.

Bố mẹ anh năm nay bao nhiêu tuổi và anh thể hiện yêu thương với ông bà bằng cách nào?

- Bố tôi năm nay 76 còn mẹ nhỏ hơn bố 10 tuổi. Gia đình đối với tôi vô cùng quan trọng và tôi đặt nó lên trên tất thảy. Mỗi khi quyết định làm gì tôi đều suy nghĩ xem việc đó sẽ ảnh hưởng đến gia đình như thế nào.

Hồi trước tôi hay đưa bố mẹ đi du lịch cùng nhưng thời gian gần đây bố tôi bị tai biến, đang phục hồi nên phải chờ thêm một thời gian cho khỏe hẳn thì cả gia đình mới lại có những chuyến đi cùng nhau.

Dù tôi nấu được rất nhiều món ngon, nhưng mỗi lần về nhà là tôi hay ăn các món do chính tay mẹ nấu. Vì sao? Vì bây giờ mẹ không còn có thể xoa đầu con hay ôm hôn như thuở xưa tôi là trẻ nít, tất cả yêu thương được mẹ dồn hết vào những món ăn. Hễ tôi nhớ món gì là mẹ nấu cho tôi món đó và tôi biết đó chính là những phút giây hạnh phúc của mẹ. Chúng tôi hay nói vui hễ ngày nào gặp nhau thì ngày đó là tết.

Người nghệ sĩ nghĩ nhiều cho gia đình có thể không dám mạo hiểm, không dám dấn thân, anh có khi nào như vậy chưa?

- Nếu sự mạo hiểm đó là nghệ thuật đích thực thì việc dấn thân, bứt phá đối với tôi không có gì phải ngán ngại. Nhưng nếu ở lơ lửng những chuyện đó thì tôi không bao giờ thỏa hiệp để tạo ra một sức hút ảo. Tôi chỉ sẵn sàng bứt phá ở những điều mình cảm thấy phù hợp và là nghệ thuật thật sự.

Gia đình luôn chiếm vị trí quan trọng trong trái tim của người nghệ sĩ

Người quê hay có thói quen hỏi thăm những câu hỏi đầu năm như “sao chưa lấy vợ?”, “làm việc lương được bao nhiêu”... Anh có hay bị hỏi như thế không, và cảm giác của anh ra sao?

- Tôi nghĩ mọi người nên thay đổi suy nghĩ vì làm hay nói ra những điều đó chỉ làm cho con cái hay những người xung quanh cảm thấy ngột ngạt mà thôi. Tại sao chúng ta không hỏi nhau theo kiểu “em/cháu làm việc trong đó có vui không?”, “trong đó em/cháu có nhiều bạn bè không”... Một người bất kỳ hay một người hàng xóm thì sự quan tâm nếu dừng ở giới hạn vừa phải sẽ khiến chúng ta cảm thấy rằng đó là sự quan tâm, yêu thương; còn không những câu thăm hỏi đó sẽ trở thành nghi lễ, hủ tục, dễ gây khó chịu và tạo cảm giác bị làm phiền.

Nhưng nếu bố mẹ hỏi về việc hôn nhân, lập gia đình thì sao?

- Cha mẹ có lo lắng cho chúng ta thì mới hỏi, đó là điều nước mắt chảy xuôi. Chúng ta chỉ cần chia sẻ cho bố mẹ hiểu rằng chúng ta không hề lảng tránh việc này. Hôn nhân là để cho chúng ta hạnh phúc hơn, là tương lai và hạnh phúc của bản thân chúng ta, chứ không phải của cha mẹ.

Ngày nay có nhiều bạn trẻ tự đặt cho mình những áp lực, đến mức lúc nào họ cũng tỏ ra luôn khỏe, luôn ổn trước mặt người thân, trong khi thực tế có thể ngược lại. Anh có kinh nghiệm gì để chia sẻ quanh vấn đề đó không?

- Ngày nay rất nhiều người trẻ rơi vào trầm cảm. Khi sự giao thoa, chia sẻ thiếu đi, mình sẽ không lắng nghe được những lời hay ý đẹp, kinh nghiệm của người đi trước. Chính vì vậy mà đôi khi chúng ta trượt dài theo suy nghĩ của mình, tự cho rằng mình đúng, mình đã lớn. Ngược lại, có những lúc người làm cha mẹ cũng phải chịu lắng lại để hòa nhập với con, rút ra những bài học để con không xa cách. 

Bố mẹ anh có hay can thiệp vào cuộc sống, công việc của anh không?

- Cha mẹ tôi sau này nhìn thấy nhịp sống sinh hoạt, nhìn thấy tình yêu của khán giả dành cho tôi nên cũng rất an tâm. Ông bà luôn đặt tình cảm khán giá trị hơn cả vật chất nữa nên họ rất hạnh phúc khi thấy tôi có niềm tin, tình yêu của khán giả dành cho. Điều hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi là bố mẹ luôn luôn thấu hiểu tôi.

PV: Cảm ơn anh và chúc anh cùng gia đình có một mùa xuân an vui.

Trương Quốc Phong (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI