Bỏ quê hương, họ bước vào một cuộc đời bất định

11/04/2021 - 05:22

PNO - Phụ nữ chiếm khoảng một nửa trong số người di cư trên thế giới. Phần lớn cho rằng khi đến một vùng đất mới, họ sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng có những người chọn ra đi do đó là canh bạc sống còn của gia đình hoặc chính bản thân họ.

 

Kataleya ngồi trên chiếc xe buýt chở cô từ TP.Tapachula đến Tijuana, khao khát xin được tị nạn ở Mỹ - Ảnh: DANIELLE VILLASANA/NATIONAL GEOGRAPHIC
Kataleya ngồi trên chiếc xe buýt chở cô từ TP.Tapachula đến Tijuana, khao khát xin được tị nạn ở Mỹ - Ảnh: DANIELLE VILLASANA/NATIONAL GEOGRAPHIC

Thống kê của tổ chức Di cư quốc tế cho thấy vào năm 2019, có khoảng 272 triệu người đang sống tại quốc gia không phải là quê hương của họ, trong đó có 130 triệu phụ nữ. Trong những thập niên gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ di cư đến các nước giàu có để kiếm tiền. Người ta gọi thay đổi này là "sự nữ hóa của di cư". Họ trở thành trụ cột gia đình, thay vì phụ thuộc vào đàn ông như trước đây. 

Khi ra nước ngoài, họ làm người giúp việc, chăm sóc trẻ em hoặc người già… cũng như sản xuất và nông nghiệp. Dù kiếm được tiền gửi về cho gia đình ở quê nhà nhưng những phụ nữ này thường xuyên đối mặt với khả năng bị buôn bán, tấn công, ngược đãi và hiếp dâm. Ở những quốc gia có luật pháp yếu kém, họ thậm chí không được đảm bảo các quyền cơ bản. 

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến lượng kiều hối toàn cầu giảm 20% - một con số chưa từng có. Điều này cho thấy cuộc sống của những người di cư đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Dịch bệnh khiến người di cư bị mất việc, sống trong thiếu thốn và sợ hãi. Họ bị coi là nguồn truyền bệnh, là người gây nên tệ nạn xã hội.

Rời đi hoặc chết

Raxma Xasan Maxamuud (36 tuổi) chưa từng nghĩ sẽ có ngày cô rời làng Haya, Somaliland. Tuy nhiên, trận hạn hán năm 2016 đã khiến những con sông cạn nước, đồng cỏ héo khô và lũ gia súc của cô không còn gì để ăn. Chỉ trong bốn tuần, 300 con dê, cừu, 20 con lạc đà gia đình cô đang nuôi đều chết. Kế sinh nhai duy nhất của gia đình cô đã bị thứ gọi là “biến đổi khí hậu” tước mất. Cô không còn con đường nào khác ngoài tìm đến trại tập trung dành cho người di cư, hy vọng tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Một gia đình người Somaliland ngồi bên căn nhà xập xệ sau khi tài sản của họ mất sạch do hạn hán Ảnh: NICHOLE SOBECKI/NATIONAL GEOGRAPHIC
Một gia đình người Somaliland ngồi bên căn nhà xập xệ sau khi tài sản của họ mất sạch do hạn hán Ảnh: NICHOLE SOBECKI/NATIONAL GEOGRAPHIC

Raxma sinh ra tại khu vực biyo badan của Somaliland, cái tên có nghĩa là "rất nhiều nước”. Trong cuộc đời cô, hạn hán nghiêm trọng từng xảy ra khoảng hai lần nhưng không lần nào giống như đợt hạn hán năm 2016 và 2017, ước tính đã phá hủy 70% nền kinh tế du mục của Somaliland. Những con sông, hồ từng nuôi sống nhiều thế hệ chăn nuôi gia súc đã biến mất. 

Ngân hàng Thế giới nhận định đến năm 2050 sẽ có khoảng 143 triệu người ở châu Phi cận Sahara, Nam Á và Mỹ Latinh phải di cư vì điều kiện khí hậu. Giờ đây, Raxma và khoảng 600.000 người ở Somaliland vẫn còn đang bị mắc kẹt trong các trại tiếp cư, phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo để sống qua ngày. 
Mặc dù vậy, Raxma vẫn chưa từ bỏ hy vọng. Cô đặt tên cho cô con gái út sinh ra trong trại là Barwaaqo - một từ gợi lên sự thịnh vượng, dồi dào và cảm giác hạnh phúc khi có đàn gia súc khỏe mạnh. 

Hôn nhân không tình yêu 

Vào ngày cưới, Ngọc Tuyền (34 tuổi) bị vây quanh bởi những người lạ. Cô mặc một chiếc váy đỏ viền ren, lẳng lặng ngồi trong vườn bách thảo của Singapore, chờ đợi lễ cưới sắp đặt được diễn ra. Cô chỉ gặp chú rể của mình hai tháng trước đó. Sau một hồi ký kết mớ giấy tờ, cô chính thức thành vợ của Tony Kong - một người đàn ông Singapore, 45 tuổi.

Vợ chồng Ngọc Tuyền ở vườn bách thảo Singapore - Ảnh: AMRITA CHANDRADAS/NATIONAL GEOGRAPHIC
Vợ chồng Ngọc Tuyền ở vườn bách thảo Singapore - Ảnh: AMRITA CHANDRADAS/NATIONAL GEOGRAPHIC

Tuyền là một người di cư theo diện kết hôn, con đường di cư được nhiều cô gái Việt chọn nhằm có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chồng của họ thường là người đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… “Đó không phải là tình yêu” - Mark Lin, người mai mối và chủ sở hữu công ty hôn nhân Singapore True Love Vietnam Brides - cho biết. Lin nói rằng ngành của mình kinh doanh dựa trên sự chênh lệch kinh tế. Tại Singapore, thu nhập trung bình hằng năm là 92.000 USD, trong khi ở Việt Nam là 7.750 USD. 

Khi thỏa thuận kết hôn, Tuyền yêu cầu Tony một khoản trợ cấp hằng tháng là 370 USD nhưng sau đó Tony đã thương lượng giảm xuống còn 220 USD. Số tiền đó không đủ để cô nuôi gia đình nhưng Tuyền hy vọng rằng nếu giấy phép lao động của mình được chấp thuận, cô sẽ tìm được việc làm tại một tiệm nail ở Singapore và có thêm tiền gửi về cho bố mẹ cùng cậu con trai năm tuổi của cô.

Để trở thành một người vợ nhập cư và được ở lại làm việc tại Singapore hợp pháp, trước tiên, người phụ nữ phải nộp đơn xin thẻ thăm thân dài hạn. Thẻ này sẽ được người chồng gia hạn sau mỗi một đến hai năm, nếu không, người phụ nữ không chỉ mất giấy tờ mà còn có thể mất bất kỳ đứa con nào được sinh ra từ cuộc hôn nhân đó. Theo các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ, những phụ nữ nhập cư như Tuyền có thể bị lạm dụng, bỏ rơi, lừa dối.

Về phía Tuyền, cô vẫn chưa rõ Tony cần gì ở cô. Vì vậy, cô vẫn đang chu toàn công việc của một người vợ là nấu ăn cho anh mỗi ngày. Cô không biết liệu mình có nhận được thẻ thăm thân dài hạn hay không. Hiện cô chỉ biết rằng chồng cô đang thất nghiệp. Mặc dù vậy, trong ngày cưới, Tuyền vẫn mỉm cười trả lời rằng “tôi hiện đang rất hạnh phúc”.

Đối mặt với bạo lực và bất ổn

Trước khi rời TP. Tapachula, Mexico để đến Mỹ, Kataleya Nativi Baca gọi điện cho chị gái từ căn hộ mà cô ở cùng với hai người di cư khác để nói lời tạm biệt. “Ngày mai, em sẽ đi rất xa…” - Kataleya nói.

Kataleya, 28 tuổi, là một phụ nữ chuyển giới sống ở TP. San Pedro Sula, Honduras. Mẹ cô đã từ chối cô. Anh trai cô đã đánh cô. Tại Honduras, những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới thường bị áp chế bằng bạo lực. Một mạng lưới các nhóm bảo vệ nhân quyền phát hiện rằng kể từ năm 2014, đã có hơn 1.300 người LGBTQ+ ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe bị giết hại; 86% trong số đó là người Colombia, Mexico và Honduras.Do đó, bất chấp hành trình di cư sang Mỹ đầy nguy hiểm, họ vẫn ra đi hòng tránh bị giết chết ở quê nhà.

Sau bốn tháng sống vật vờ ở Tapachula, cuối cùng Kataleya cũng lên được chuyến xe buýt đến TP. Tijuana (Mexico) giáp biên giới Mỹ. Trên chiếc xe chật cứng là những con người mơ về một cuộc sống mới tươi đẹp dẫu họ đang bị cái nóng trong xe thiêu đốt do tài xế đã tắt điều hòa để tiết kiệm nhiên liệu. 

Ngồi trên xe, họ nơm nớp lo sợ sau mỗi lần nhân viên xuất nhập cảnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Trong chặng đường dài 4.000 cây số, họ phải dừng lại 20 điểm dừng và trạm kiểm soát. Những người không đủ giấy tờ phải nhảy xuống xe đi bộ. Họ có nguy cơ bị các băng đảng cướp bóc, tấn công, cưỡng hiếp hoặc bắt cóc.

Sau ba ngày di chuyển, mùi hôi thối từ nhà vệ sinh bắt đầu xông lên nồng nặc, quần áo hôi hám và sự mệt mỏi dường như sắp hạ gục Kataleya thì đường biên giới Mỹ - Mexico hiện ra… 

Tại Tijuana, Kataleya được nhận hồ sơ xin tị nạn với số thứ tự 4.050. Vào thời điểm đó, các nhà chức trách đang xử lý đến hồ sơ thứ 2.925. Sáu tháng sau, khoảng hai tuần trước khi hồ sơ của Kataleya được xử lý thì chính phủ Mỹ có lệnh đóng cửa biên giới vì COVID-19.

Giờ đây, Kataleya bị bỏ mặc ở Mexico, đối mặt với bạo lực bất ổn. Chẳng những không thể đến Mỹ, cũng không còn đường trở về quê nhà. Ước mơ đổi đời của Kataleya đã trở thành một nỗi sợ hãi vô định mà cô hiểu rằng nó sẽ còn đeo bám cô mãi.

Tú Quyên

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI