6.500 người nhập cư đã chết ở Qatar từ khi nước này đăng cai World Cup 2022

27/03/2021 - 05:32

PNO - Tờ The Guardian mới đây tiết lộ, có hơn 6.500 lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã thiệt mạng tại Qatar kể từ khi nước này giành quyền đăng cai World Cup 10 năm trước.

Điều này có nghĩa là trung bình 12 lao động nhập cư từ 5 quốc gia Nam Á này đã thiệt mạng mỗi tuần kể từ tháng 12/2010, khi các đường phố ở Doha tràn ngập đám đông ăn mừng quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh của Qatar.

Dữ liệu từ Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka cho thấy có đến 5.927 trường hợp lao động nhập cư tử vong trong giai đoạn 2011-2020. Ngoài ra, dữ liệu từ đại sứ quán Pakistan tại Qatar cho biết có thêm 824 công nhân Pakistan thiệt mạng, từ năm 2010-2020.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin thì tổng số người chết cao hơn đáng kể, vì thống kê trên không bao gồm các quốc gia đưa số lượng lớn lao động đến Qatar, như Philippines và Kenya. Những trường hợp tử vong xảy ra trong những tháng cuối năm 2020 cũng không được tính đến.

World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar
World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar

Trong 10 năm qua, Qatar đã bắt tay vào một chương trình xây dựng lớn chưa từng có, phần lớn là để chuẩn bị cho giải bóng đá vào năm 2022. Ngoài 7 sân vận động mới, hàng chục dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang được triển khai, bao gồm một sân bay mới, đường xá, hệ thống giao thông công cộng, khách sạn và một thành phố mới, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 2022.

Nick McGeehan, Giám đốc tại FairSquare Projects, một nhóm vận động chuyên về quyền lao động ở Vùng Vịnh, cho biết trong khi hồ sơ tử vong không được phân loại theo nghề nghiệp hoặc nơi làm việc, có khả năng nhiều công nhân đã chết vì làm việc cho các dự án cơ sở hạ tầng World Cup này. Ông nói: “Một tỷ lệ rất lớn những người lao động nhập cư đã chết kể từ năm 2011 khi Qatar giành được quyền đăng cai World Cup”.

Đã có 37 trường hợp tử vong có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng các sân vận động World Cup, trong đó 34 người được ban tổ chức sự kiện xếp vào loại “không liên quan đến công việc”. Các chuyên gia đã đặt câu hỏi về việc sử dụng thuật ngữ này vì trong một số trường hợp, nó được sử dụng để mô tả các trường hợp tử vong xảy ra trong công việc, bao gồm một số công nhân đã chết trên các công trường xây dựng sân vận động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Qatar không bảo vệ được lực lượng lao động nhập cư mạnh mẽ với khoảng 2 triệu người hoặc thậm chí điều tra nguyên nhân của tỷ lệ tử vong rõ ràng là cao ở những lao động trẻ.

Mohammad Shahid Miah, 29 tuổi, đến từ Bangladesh, đã tử vong khi nước lũ trong phòng anh tiếp xúc với dây cáp điện bị hở, khiến anh bị điện giật.
Mohammad Shahid Miah, 29 tuổi, đến từ Bangladesh, đã tử vong khi nước trong phòng anh tiếp xúc với dây cáp điện bị hở, khiến anh bị điện giật

Đằng sau những con số thống kê là vô số câu chuyện của những gia đình bị hủy hoại. Họ đang đối mặt mất mát khi không còn người trụ cột chính trong gia đình, họ chật vật kiếm tiền và bối rối về cái chết của người thân.

Ghal Singh Rai đến từ Nepal đã trả gần 1.000 bảng phí tuyển dụng cho công việc dọn dẹp của mình trong một khu trại dành cho công nhân xây dựng sân vận động World Cup. Trong vòng một tuần sau khi đến nơi, anh ta đã tự sát.

Một công nhân khác, Mohammad Shahid Miah, đến từ Bangladesh, đã bị điện giật trong nhà ở công nhân sau khi dây cáp điện bị hở có dính nguồn nước.

Ở Ấn Độ, gia đình của Madhu Bollapally chưa bao giờ hiểu người đàn ông 43 tuổi khỏe mạnh đã chết vì “nguyên nhân tự nhiên” như thế nào khi làm việc ở Qatar. Theo gia đình, thi thể của anh được tìm thấy nằm trên sàn phòng ký túc xá.

Số người chết oan nghiệt ở Qatar được tiết lộ trong danh sách dài chính thức liệt kê các nguyên nhân tử vong: đa chấn thương do ngã từ độ cao; ngạt do treo cổ; chưa xác định được nguyên nhân chết do phân hủy...

Nhưng trong số các nguyên nhân, phổ biến nhất cho đến nay là cái gọi là "cái chết tự nhiên", thường được cho là do tim cấp tính hoặc suy hô hấp.

Các lao động đến từ Nepal dựng giàn giáo cho lễ ra mắt logo World Cup. Họ bắt đầu công việc từ rất lâu trước khi mặt trời mọc để tránh nắng nóng. Ảnh: Pete Pattisson
Các lao động đến từ Nepal dựng giàn giáo cho lễ ra mắt logo World Cup. Họ bắt đầu công việc từ rất sớm trước khi mặt trời mọc để tránh nắng nóng - Ảnh: Pete Pattisson

Dựa trên dữ liệu mà Guardian thu được, 69% trường hợp tử vong của công nhân Ấn Độ, Nepal và Bangladesh được phân loại là tự nhiên. Riêng với người Ấn Độ, con số này là 80%. Đáng nói là với các phân loại như vậy, những người chết thường không được khám nghiệm tử thi, và cũng thường không đưa ra được lời giải thích y tế hợp pháp cho nguyên nhân cơ bản của những cái chết.

Vào năm 2019, họ phát hiện ra rằng cái nóng gay gắt vào mùa hè của Qatar có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến cái chết của nhiều công nhân. Phát hiện của Guardian được hỗ trợ bởi nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc ủy quyền cho thấy rằng trong ít nhất 4 tháng trong năm, người lao động đã phải đối mặt với tình trạng căng thẳng với nắng nóng, sốc nhiệt đáng kể khi làm việc ngoài trời.

Một báo cáo từ các luật sư của chính phủ Qatar vào năm 2014 đã khuyến nghị họ tiến hành một cuộc nghiên cứu về cái chết của những người lao động nhập cư do ngừng tim và sửa đổi luật để “cho phép khám nghiệm tử thi… trong mọi trường hợp chết bất ngờ hoặc đột ngột” nhưng chính phủ đã không làm như vậy.

Hiba Zayadin, nhà nghiên cứu Vùng Vịnh của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Chúng tôi đã kêu gọi Qatar sửa đổi luật khám nghiệm tử thi để yêu cầu điều tra pháp y về tất cả các trường hợp tử vong đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân, đồng thời thông qua luật yêu cầu tất cả các giấy chứng tử phải đề cập đến nguyên nhân tử vong có ý nghĩa về mặt y tế".

Chính phủ Qatar nói rằng số người chết tương xứng với quy mô của lực lượng lao động nhập cư và con số bao gồm cả những người lao động đã chết tự nhiên sau khi sống ở Qatar trong nhiều năm. Họ cũng nói rằng chỉ có 20% người nước ngoài từ các quốc gia được đề cập đến làm việc trong lĩnh vực xây dựng, và các trường hợp tử vong liên quan đến công việc trong lĩnh vực này chiếm ít hơn 10% các trường hợp tử vong trong nhóm này.

“Tỷ lệ tử vong giữa các cộng đồng này nằm trong phạm vi dự kiến ​​đối với quy mô và nhân khẩu học của dân số. Tuy nhiên, mọi sinh mạng mất đi là một bi kịch, và chúng tôi đang nỗ lực để ngăn chặn mọi trường hợp tử vong”, chính phủ Qatar cho biết trong một tuyên bố.

Vị quan chức này nói thêm rằng tất cả công dân và công dân nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạng nhất miễn phí và tỷ lệ tử vong ở “công nhân khách” đã giảm ổn định trong thập niên qua do cải cách sức khỏe và an toàn đối với hệ thống lao động.

Tuy  nhiên, nghiên cứu của Guardian cũng chỉ ra sự thiếu minh bạch, chặt chẽ và chi tiết trong việc ghi nhận những ca tử vong ở Qatar. Các đại sứ quán ở Doha và các chính phủ ở các nước cử lao động không muốn chia sẻ dữ liệu. Khi số liệu thống kê được cung cấp, có sự không nhất quán giữa các số liệu do các cơ quan chính phủ khác nhau nắm giữ và không ghi lại nguyên nhân tử vong. Một đại sứ quán Nam Á cho biết họ không thể chia sẻ dữ liệu về nguyên nhân cái chết vì chúng chỉ được ghi lại bằng tay trong một cuốn sổ.

May Romanos, nhà nghiên cứu vùng Vịnh của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Có một sự thiếu rõ ràng và minh bạch thực sự xung quanh những cái chết này. “Qatar cần phải tăng cường các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của công nhân”.

Ủy ban tổ chức World Cup tại Qatar, khi được hỏi về những cái chết trong các dự án sân vận động đã cho biết: “Chúng tôi vô cùng tiếc nuối về những thảm kịch này và đã điều tra từng vụ việc để đảm bảo rút ra bài học kinh nghiệm. Chúng tôi luôn duy trì sự minh bạch xung quanh vấn đề này và phản đối những tuyên bố không chính xác xung quanh số lượng công nhân đã chết trong các dự án của chúng tôi ”.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của FIFA - cơ quan quản lý bóng đá thế giới, cho biết họ hoàn toàn cam kết bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các dự án của mình. “Với các biện pháp an toàn và sức khỏe rất nghiêm ngặt trên công trường… tần suất tai nạn trên các công trường xây dựng FIFA World Cup là thấp so với các công trình xây dựng lớn khác trên thế giới”. 

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI