Bị từ chối đăng ký quyền sử dụng đất, phải làm sao?

15/12/2022 - 06:28

PNO - Khi có quyết định của tòa án có hiệu lực, thì người nào nhận được tài sản có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo quy định.

 

Hỏi: Cha mẹ tôi có tài sản chung là nhà đất tạo lập từ năm 1976. Năm 1991, mẹ tôi mất không lập di chúc để lại. Năm 2013 cha tôi hợp thức hóa nhà đất và đã được cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho riêng cha tôi (không có ý kiến của các con và cũng không có tên của các con). Năm 2018, cha tôi lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho 2 cháu nội.

Năm 2021, sau khi cha tôi mất thì phát sinh tranh chấp thừa kế. Tôi có khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận, hủy di chúc và chia thừa kế phần của mẹ tôi theo quy định. Năm 2022, tòa án hòa giải thành, các bên thống nhất không chia theo di chúc mà chia theo thỏa thuận và quyết định của tòa đã có hiệu lực thi hành. Căn cứ án tòa, tôi đã đi đăng ký cập nhật thay đổi chủ sở hữu, nhưng bị cơ quan đăng ký từ chối với lý do là di chúc vẫn còn hiệu lực (!?). Trường hợp trên tôi phải làm sao? 

Như Thanh (Bến Lức, Long An)

Trả lời: Khoản 4, điều 95 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

Đăng ký biến động đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận mà có sự thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành được tòa án ra quyết định công nhận hoặc bản án có hiệu lực thi hành.

Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Theo điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Trường hợp trên, ban đầu có tranh chấp về thừa kế tài sản có liên quan đến yêu cầu hủy di chúc và giấy chứng nhận, nhưng trong quá trình giải quyết các bên đã thỏa thuận được với nhau. Tòa án đã lập biên bản hòa giải thành, từ đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, có nội dung là không chia thừa kế theo di chúc mà chia theo sự thỏa thuận của các bên. Khi có quyết định của tòa án có hiệu lực, thì người nào nhận được tài sản có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Như vậy, có thể tại quyết định công nhận hòa giải thành tòa án không hủy di chúc, nhưng do các bên đã thống nhất không chia thừa kế theo nội dung di chúc mà chia theo thỏa thuận nên di chúc này không còn hiệu lực. Trường hợp cơ quan đăng ký từ chối, thì đương sự có quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

(Đoàn Luật sư TPHCM) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI