Bị bóc trần hay 'tự lột trần': Cạm bẫy từ nền tảng thông minh

22/04/2018 - 18:00

PNO - 1/3 người dùng internet, các thiết bị kết nối mạng hiện nay là trẻ em nhưng luật pháp, chế tài cũng như ý thức của các công ty khai thác lợi nhuận lẫn phụ huynh vẫn còn độ chênh đáng lo.

Bi boc tran hay 'tu lot tran': Cam bay tu nen tang thong minh
CloudPets có lỗ hổng bảo mật khiến rò rỉ thông tin cá nhân của trẻ

Mối nguy hiểm rình rập

Đầu tháng 4/2018, các bậc cha mẹ ở Mỹ nhận được cảnh báo từ các chuyên gia an ninh mạng về việc ứng dụng học toán Mathletics, do Công ty công nghệ 3P Learning của Australia phát triển, đã làm rò rỉ thông tin của hơn 114.000 học sinh.

Đây là phần mềm phụ huynh trang bị nhằm hỗ trợ việc học cho con nhưng không ngờ có thể gây rắc rối cho trẻ về sau. Có vô vàn bẫy thông tin mà phụ huynh và trẻ không thể thoát khỏi. 

Những món đồ chơi thông minh ngày càng quen thuộc với trẻ em thời hiện đại. Nhưng những vụ bê bối rò rỉ thông tin quy mô lớn cũng từ đây mà ra. Năm 2017, sản phẩm thú nhồi bông CloudPets của Mỹ bị phát hiện là “miếng mồi” béo bở cho các hacker lợi dụng đánh cắp dữ liệu của hơn 820.000 tài khoản người dùng CloudPets, kể cả 2,2 triệu đoạn ghi âm giọng nói. CloudPets được kết nối với ứng dụng di động, nhờ đó phụ huynh có thể gửi thông điệp ghi âm sẵn tới con mình.

Điều kiện sử dụng là người dùng phải tạo ra một tài khoản, khai báo tên của đứa trẻ, cung cấp địa chỉ email và một bức ảnh. CloudPets lưu trữ toàn bộ dữ liệu nói trên trong dịch vụ đám mây và không được đảm bảo tính riêng tư.

Không ai biết các hacker đã bán kho thông tin ấy cho ai nhưng rõ ràng, đó là những thông tin vô cùng hữu ích giúp hiểu về thói quen của các gia đình trong sinh hoạt, tiêu dùng. Đây không phải lần đầu tiên thông tin của trẻ bị rò rỉ nhưng các nhà sản xuất đồ chơi lẫn phụ huynh vẫn chưa có đủ mức cảnh giác cần thiết.

Năm 2015, người tiêu dùng từng chấn động với thông tin nhà sản xuất đồ chơi kỹ thuật số Vtech có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc) bị tấn công. Hậu quả là dữ liệu của 6,4 triệu trẻ em và 4,9 triệu người lớn trị giá hàng triệu USD bị đánh cắp. Khách hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan.

Tháng 1/2018, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ chỉ tuyên phạt Vtech mức 0,09 USD cho mỗi trẻ em bị đánh cắp thông tin cá nhân. Mức phạt được cho là quá ít nếu đối chiếu với thị trường ngầm, dữ liệu đầy đủ của một cá nhân gồm giới tính, ngày tháng năm sinh, sở thích và thói quen được rao với giá 1-4 USD.

Ngoài việc vô tình khiến con mình trở thành nạn nhân của khai thác thông tin cá nhân, có những trường hợp cha mẹ vô tư đăng ảnh nhạy cảm của con lên mạng xã hội. Họ không hiểu cảm giác khi con trẻ trở thành nạn nhân của chính cha mẹ. Năm 2016, một vụ kiện hi hữu khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ lại cách mình tương tác với mạng xã hội.

Một cô gái 18 tuổi người Áo kiện cha mẹ mình vì đã đăng 500 bức ảnh “dìm hàng” chụp cô từ lúc mới sinh lên Facebook. Những kiểu ảnh “câu like, chọc cười” khiến cô gái ngại ngùng cả với những người cô chưa từng gặp mặt nhưng quen biết cha mẹ mình. Cô gái đáng thương khổ sở khi gặp người quen, bị họ trêu chọc. Tất cả các cột mốc phát triển của cô đều bị đăng lên Facebook. Cô cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng và chán nản vì không được tôn trọng. 

Bi boc tran hay 'tu lot tran': Cam bay tu nen tang thong minh
Trẻ em không lường được những rủi ro về bảo mật thông tin

Phải bảo vệ những đứa trẻ

Tòa án ở Rome vừa ra phán quyết về vụ cậu con trai 16 tuổi đòi quyền riêng tư và người mà em “đối đầu” là mẹ ruột. Cha mẹ cậu bé đang làm thủ tục ly hôn, những nguyện vọng liên quan đến yêu cầu bảo vệ quyền riêng tư của cậu bé cũng là một trong những nội dung của quá trình ly hôn. Cậu bé nêu vấn đề không muốn mẹ đăng tải hình ảnh của mình lên Facebook nếu cậu chưa đồng ý.

Mỗi lần vi phạm, người mẹ sẽ phải chịu phạt 10.000 EUR. Cậu không muốn cuộc sống của mình bị ảnh hưởng sau hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ. Theo luật pháp Ý, bản quyền của một bức ảnh chú trọng đến nhân vật được chụp trong bức ảnh hơn cả người chụp bức ảnh ấy.

Ở Pháp, bất cứ ai cố tình đăng ảnh người khác mà không được họ đồng ý sẽ bị phạt đến 45.000 EUR, đồng thời chịu án tù một năm. Từ năm 2016, cảnh sát Pháp đã cảnh báo phụ huynh tránh đăng hình ảnh con lên mạng xã hội vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến bảo mật thông tin cá nhân. 

Nỗ lực bảo vệ những đứa trẻ trước cạm bẫy thông tin không chỉ cần sự cảnh giác từ phụ huynh mà còn cần sự chung tay của họ, bất cứ khi nào thấy có sai phạm. Ngày 9/4 vừa qua, 20 nhóm đại diện quyền lợi người tiêu dùng ở Mỹ đã gửi đơn than phiền đến các quan chức liên bang, cho rằng YouTube đang xâm phạm luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Theo đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trên mạng, các công ty trước khi thu thập thông tin trẻ em dưới 13 tuổi phải xin phép và được sự đồng ý của phụ huynh. Tuy nhiên, YouTube đã không làm điều này, ngang nhiên tập hợp hình ảnh, đoạn clip trẻ dưới 13 tuổi, đăng tải lên nền tảng này mà không hỏi ý phụ huynh.

Nhiều phụ huynh phát hiện và tập hợp lại phản ánh với các nhóm đại diện. Họ yêu cầu phải có cuộc điều tra toàn diện và hình phạt tương xứng từ Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ. Vụ việc này vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. 

Theo cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh, hơn 50% trẻ từ 12-15 tuổi nước này sử dụng mạng xã hội Instagram. Tỷ lệ này ở lứa tuổi 8-11 là 43%. Nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ các em tìm hiểu về những điều khoản giao ước khi đăng ký sử dụng mạng xã hội là 0%. Luật sư Jenny Afia chuyên về lĩnh vực bảo vệ quyền riêng tư phát hiện những lỗ hổng trong lời giao ước mà Instagram đơn phương đưa ra và thông thường người dùng, nhất là trẻ em, thản nhiên lướt qua mà không hay biết mình đã… sập bẫy.

Instagram ra điều kiện rằng, họ sẽ không trả bất cứ khoản phí nào nếu sử dụng hình ảnh người dùng đăng tải lên mạng xã hội này. Hơn nữa, họ thừa nhận có quyền khai thác những tin nhắn cá nhân của người dùng cho các công ty đối tác.

Instagram còn lấn sâu vào quyền riêng tư với đề nghị họ sẽ phát tán những mẩu quảng cáo mà người dùng không có quyền từ chối xem. Dù có rất nhiều điều khoản gây bất lợi cho người dùng nhưng vì sức hút khó cưỡng, Instagram đến nay vẫn là một trong những mạng xã hội thông dụng nhất. 

Luật sư Jenny Afia cho rằng, Instagram đã không chân thành. Nhiều người dùng là trẻ em thừa nhận rằng Instagram viết điều khoản với ngôn ngữ khó hiểu, cản trở các em tiếp cận. Luật pháp ở Anh quy định, phụ huynh phải được thông báo về việc thông tin cá nhân của con họ được ai sử dụng và sử dụng ở đâu.

Instagram không làm điều này với họ. Luật sư Jenny Afia là người đầu tiên lên tiếng kêu gọi các tổ chức và phụ huynh phải vào cuộc, phải hiểu con em họ đang truy nhập vào các ứng dụng mạng xã hội nào với điều khoản bảo mật thông tin cá nhân, họ có quyền giám sát việc đảm bảo yêu cầu này.  

Ngạn ngữ châu Phi có một câu nói giản dị mà đáng suy ngẫm: “Cần cả một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ”. Ở thời đại mạng xã hội chi phối và đi vào từng ngóc ngách cuộc sống lại càng cần hơn một ngôi làng, một cộng đồng có ý thức bảo vệ quyền riêng tư của những đứa trẻ. 

Thiên Anh
(theo QZ, Independent, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI