Bệnh của những người sợ… màn đêm

23/04/2022 - 07:32

PNO - Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám ít nhất 50 trường hợp liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Số bệnh nhân đăng ký phòng Đa ký giấc ngủ rất đông, danh sách chờ lên tới cả tháng.

“Họ rất sợ mỗi khi đêm xuống, sợ cả chiếc giường của chính mình. Ban ngày còn có nhiều hoạt động nhưng đêm xuống nằm yên đó, xung quanh thinh lặng, chỉ còn một mình thì họ lại suy nghĩ lung tung rồi rơi vào bế tắc” - thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - kể về nỗi lòng những bệnh nhân của mình.

33 năm không ngủ

Bác sĩ Hạnh đang tư vấn cho một trường hợp bị rối loạn giấc ngủ
Bác sĩ Hạnh đang tư vấn cho một trường hợp bị rối loạn giấc ngủ

Bệnh nhân rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng nhất đang được bác sĩ Hạnh điều trị tên N.V.H. (56 tuổi, ngụ Q. 10, TPHCM). Anh H. có tiền sử 33 năm không ngủ. Từ 20 tuổi, anh bắt đầu rơi vào tình trạng mất ngủ kèm rối loạn lo âu. Sau đó, bệnh nhân dùng các loại thuốc có tính chất gây nghiện với mong muốn sẽ buồn ngủ nhưng lại bị lờn thuốc. Kể từ đó, suốt 33 năm, bệnh nhân hầu như không ngủ, chỉ nhắm mắt nằm đó.

“Anh ấy tâm sự rằng anh rất sợ chiếc giường, sợ đêm xuống. Hoàn cảnh của anh H. đúng là thức đêm mới biết đêm dài. Đêm xuống nằm yên đó, suy nghĩ lung tung rồi rơi vào bế tắc, thậm chí trầm cảm” - bác sĩ Hạnh chia sẻ.

Đối với trường hợp của anh H., bác sĩ không thể đặt mục tiêu cao mà chỉ cố gắng đưa bệnh nhân trở về với giấc ngủ sinh lý khoảng 4 tiếng/ngày. Ca này vẫn phải sử dụng thuốc để điều trị nhưng là thuốc không gây nghiện. Sau ba năm kiên trì điều trị, hiện nay, bệnh nhân đã đạt được mục tiêu ngủ 4 tiếng/ngày. Nhờ vậy, tình trạng tinh thần, thể lực, chất lượng sống của anh cải thiện rất nhiều.

Bên cạnh các trường hợp mất ngủ mạn tính lâu năm giống trường hợp anh N.V.H., Đơn vị Rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM còn ghi nhận rất nhiều ca cấp tính. Sáng 19/4, bác sĩ Hạnh khám ít nhất mười ca liên quan rối loạn giấc ngủ cấp tính. Đa số bệnh nhân bắt đầu bị mất ngủ, khó ngủ trong vòng ba tháng trở lại đây.

Bà P.T.C.T. (54 tuổi, bán hàng ăn, ngụ Q. Bình Tân, TPHCM) đến khám vì khoảng một tháng nay bỗng dưng bà rất khó ngủ. Khi ngủ, bà hay bị tỉnh giấc vào nửa đêm và không thể quay trở lại giấc ngủ. Tình trạng này khiến ban ngày bà mệt mỏi, không còn hoạt bát vì thiếu tỉnh táo, thường xuyên nhầm lẫn dẫn tới sai sót khi chuẩn bị đơn hàng cho khách.

Bị khách hàng phàn nàn, thậm chí mất mối khiến công việc kinh doanh đứng trước nguy cơ đổ bể, bà bắt buộc phải đến bệnh viện điều trị bệnh khó ngủ, mất ngủ của mình.

Theo bác sĩ Hạnh, rối loạn giấc ngủ trong vòng ba tháng thì gọi là cấp tính, lâu hơn ba tháng là mạn tính. Rối loạn giấc ngủ được chia làm ba dạng. Thứ nhất là rối loạn nguyên phát, bệnh nhân tự dưng bị từ trẻ và tình trạng tiến triển nặng dần. Mất ngủ do rối loạn nguyên phát khó điều trị nhất.

Thứ hai là mất ngủ cấp (vì lo lắng, căng thẳng nhất thời về gia đình hoặc công việc), sau đó người bệnh sử dụng các thuốc gây nghiện khiến bị lờn với tất cả các loại thuốc. Kể từ đó, dù dùng thuốc hay không, bệnh nhân cũng không thể ngủ.

Dạng thứ ba là do tâm thần kinh (lo lắng hoặc tưới máu não kém). Đây là mất ngủ thứ phát, điều trị hiệu quả nếu bệnh gốc được cải thiện. 

Làm gì để cải thiện tình trạng khó ngủ?

Để biết mình có đang bị rối loạn giấc ngủ hoặc ngủ ít hay không, phải căn cứ theo từng độ tuổi. Trẻ sơ sinh thường ngủ từ 18-20 tiếng/ngày, trẻ 1 tuổi ngủ từ 14-16 tiếng/ngày, người trưởng thành ngủ từ 8-10 tiếng/ngày, người cao tuổi ngủ khoảng 6 tiếng/ngày.

Chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. Cấu trúc giấc ngủ chia làm bốn giai đoạn, trong đó giai đoạn ba (ngủ sâu) giúp hồi phục thể chất và trí não. Trong khi ngủ, trí não thải ra chất độc thần kinh, biến trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn, nhịp tim được đưa về mức chuyển hóa cơ bản.

Nếu ta không ngủ, mất ngủ đồng nghĩa trí não, các bộ phận trong cơ thể không được nghỉ ngơi, vẫn luôn phải hoạt động. Bởi thế, sáng ra những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ thường uể oải, không có năng lượng, kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Để cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, mỗi người cần biết thu xếp giấc ngủ. Cụ thể, trước khi ngủ, nên ngâm chân; uống sữa ấm; điều chỉnh ánh sáng, âm thanh và không gian phòng ngủ cho thật yên tĩnh và phù hợp. Những người có tiền sử khó ngủ không nên sử dụng chất kích thích (rượu bia, cà phê…) hay xem phim có nội dung bạo lực kích động. Nên ăn nhiều rau có màu xanh vì rau xanh chứa loại hoóc-môn tốt cho giấc ngủ. Có những bài tập nhẹ nhàng hỗ trợ giấc ngủ mà bác sĩ sẽ hướng dẫn tùy từng trường hợp cụ thể. 

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hiện có phòng Đa ký giấc ngủ. Bệnh nhân tới khám rối loạn giấc ngủ sẽ trả lời các câu hỏi để tầm soát các vấn đề về giấc ngủ. Tùy vào số điểm đạt được, bệnh nhân sẽ được chỉ định đến phòng Đa ký giấc ngủ để ngủ một đêm. Trong khi người bệnh ngủ, các thiết bị hiện đại sẽ theo dõi điện tim, não, cơ, mắt, oxy tưới máu não để giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ của họ. 

Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám ít nhất 50 trường hợp liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Số bệnh nhân đăng ký phòng Đa ký giấc ngủ rất đông, danh sách chờ lên tới cả tháng. Điều đó cho thấy tình trạng rối loạn giấc ngủ đang xảy ra với rất nhiều người, gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng. 

Nam sinh suýt tự tử vì ngủ quá nhiều, bị mắng là lười biếng

Rối loạn giấc ngủ không chỉ là mất ngủ mà còn bao gồm cả các trường hợp ngủ quá nhiều. Một nam sinh cấp III được cha mẹ đưa đi khám vì có ý định tự tử. Cậu bé tâm sự với bác sĩ rằng, không hiểu sao lúc nào mình cũng buồn ngủ. Đến lớp, cậu ngủ gục; về tới nhà, cậu cũng chỉ muốn lăn ra giường ngủ. Mỗi ngày, nam sinh trên ngủ tới 14, thậm chí 16 tiếng.

Điều này gây cho cậu rất nhiều phiền toái: thường xuyên bị gia đình, thầy cô khiển trách, nói rằng quá lười biếng. Không thể tự kiểm soát cơn buồn ngủ, đang ngồi nói chuyện, bệnh nhân cũng có thể ngủ gật bất cứ lúc nào. Điều này khiến cậu rất tự ti, bế tắc dẫn tới trầm cảm, chỉ muốn chết.

Nam sinh trên được chẩn đoán mắc bệnh ngủ rũ. Bệnh này thường do rối loạn gen, dễ khởi phát khi thể chất bị suy giảm. Bác sĩ Hạnh đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh ngủ rũ ở mọi lứa tuổi, thậm chí đã ghi nhận ở trẻ mẫu giáo.

Ngủ rũ còn khiến người bệnh bị ảo giác, kèm theo giảm trương lực cơ đột ngột (đang ngồi bật ngả ngửa ra). Từ khi được bác sĩ giải thích, cha mẹ nam sinh trên đã thông cảm hơn với con mình, không còn la mắng, cùng hỗ trợ con điều trị. 

Ca bệnh này sau quá trình chữa trị đã cải thiện đáng kể, bệnh nhân không còn buồn ngủ khi đi học và hiện là sinh viên đại học. Nam sinh ấy vừa quay lại tái khám, mọi sinh hoạt và giấc ngủ của bệnh nhân đã được kiểm soát như người bình thường nhưng vẫn phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI