Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh: Dạy các bà mẹ làm… mẹ

25/02/2021 - 09:53

PNO - Có người đã là mẹ của hai đứa trẻ, nhưng vẫn loay hoay không kích hoạt được bản năng làm mẹ trong mình. Mỗi khi con khóc, mẹ không biết dỗ, khi con bị người khác đánh, mẹ cũng không biết làm thế nào. Chuỗi ngày làm mẹ của bao người đã vì nguyên nhân như trầm cảm, thiếu thốn vật chất, mâu thuẫn gia đình mà trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh. Mẹ phải hạnh phúc, mẹ phải được trao truyền sự hạnh phúc cho con lúc đó con mới có thể là đứa trẻ hạnh phúc.
Nghiên cứu về massage của bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh đã tìm ra mối tương tác giữa mẹ và con.

 

Cô bé chuyên văn Phương Linh đã rất vất vả đổi hướng học để theo đuổi ngành y
Bác sĩ Phương Linh đã rất vất vả đổi hướng học để theo đuổi ngành y (Ảnh nhân vật cung cấp) 

Cô bé chuyên văn trở thành… bác sĩ

Từ “lò” văn của trường phổ thông năng khiếu, Đào Nguyễn Phương Linh trở thành tân sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Nhưng chỉ một năm sau đó, Linh quyết định thi lại vào Đại học Y Dược TP.HCM vì: “Tôi chọn học y để được hành động, để được làm bác sĩ, để được tích góp nguyên liệu thực tế từ cuộc sống”. 

Từ khối C chuyển sang khối B là quá trình không hề đơn giản. Những tháng ngày vùi đầu gấp rút học các môn tự nhiên cho kịp ngày thi khiến cô bé chuyên văn căng thẳng: “Vừa học tôi vừa khóc. Nhưng có cái gì thúc đẩy không ngừng từ bên trong. Vẫn là tôi đấy, vẫn là cái cây biếc xanh trong khu vườn văn chương, nhưng khu vườn ấy đã bị khóa cổng. Tôi phải tìm kiếm những khu vườn tiếp theo để gieo hạt. Và tôi đã chọn trở thành bác sĩ để vẽ tiếp những gì còn dang dở”. 

Kết nối trẻ với cuộc đời

Năm thứ tư ở Đại học Y Dược, Phương Linh có chuyến thực tập về huyết học. Chứng kiến những bệnh nhi chịu đau đớn mỗi lần lấy tủy, thấy các bé ấm ức, khổ sở, giận dỗi, Linh nghĩ cô phải làm “một điều gì đó”. 

Linh nhìn thấy con người yếu đuối trong mình cũng giống những đứa trẻ nằm cong queo trên bàn thủ thuật kia. Linh muốn được ôm ấp chúng, giải thích cho chúng hiểu vì sao chúng phải bị chọc những cây kim to đùng vào người. Rồi Linh muốn các con chấp nhận chuyện bị rọc da chạy thận, bị truyền hóa chất không phải bằng tư thế bị động mà là sự hiểu biết, thấu tỏ. 

Giup1 trẻ thấu hiểu bệnh tình (Ảnh nhân vật cung cấp)
Là một bác sĩ nhi yêu nghề và mê con nít, Phương Linh rất dễ "lấy lòng" bọn trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Linh khai sinh câu lạc bộ tình nguyện Bé khỏe bé ngoan tại Đại học Y Dược TP.HCM với mục đích giáo dục sức khỏe cho bệnh nhi, giải thích cho các con về bệnh tình của mình. Linh tin rằng “hiểu” là bước đầu tiên của quá trình trị bệnh - mình phải hiểu chính mình và nỗi đau mà mình đang mang thì mới nói đến chuyện chữa trị. 

Từ những trải nghiệm thực tế ở câu lạc bộ Bé khỏe bé ngoan, Linh nhận ra rằng cô rất… mê em bé. Điều này càng được bồi đắp thêm khi Linh đi thực tập tại khoa sơ sinh, được tự tay khám cho những đứa trẻ sơ sinh. Và đây cũng là thời điểm Phương Linh gặp người thầy của đời mình, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương. 

Thời điểm gặp cô Dương, Linh không biết rằng từ đó khu vườn văn chương Linh từng bỏ dở biếc xanh trở lại.

“Cô Dương có cái ống nghe nhỏ xíu, lại dỗ dành em bé rất dễ dàng. Tôi mê cái cách cô chăm các bé và dần nhận ra mình mê trẻ sơ sinh. Tôi nhìn cô Dương và thấy mình của sau này.

Tôi nhìn thấy bản ngã văn chương của tôi trong cách cô truyền kiến thức và tôi nhìn thấy những băn khoăn của mình trong chính những trăn trở nghề của cô. Vậy là tôi miệt mài theo cô để học, học nghề và học cách yêu thương con trẻ. 

Ngày nào tôi cũng phải chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Ấy là những đêm triền miên với những ca sinh non, có bé chỉ nặng 800g. Các con vừa ra đời đã phải rời xa vòng tay mẹ. Nếu may mắn thì ngoài cánh cửa phòng chăm sóc có cha mẹ của bé đợi, nhưng rất nhiều trường hợp chỉ có tiếng máy thở đều đều bên những khuôn ngực phập phồng.

Có hôm đã rất khuya mà bé sinh non khóc mãi không dứt. Các bạn điều dưỡng phải gọi tôi vào xem. Tôi nhẹ nhàng tháo găng tay, khi áp bàn tay trần của mình vào tay con, con đột nhiên nín khóc. Thì ra trong vô thức mọi đứa trẻ đều cần hơi ấm của mẹ”, Linh kể.

Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh  hướng dẫn thực hành massage cho trẻ
Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh hướng dẫn thực hành massage cho trẻ
 

Mẹ với con là một 

“Tôi chưa làm mẹ nhưng tôi biết con đường để trở thành một người mẹ hạnh phúc, bởi tôi nghĩ mình biết cách lắng nghe tiếng nói của trẻ thơ” - Linh chia sẻ.

Linh cho tôi xem bản đồ định vị 100 bà mẹ trong nghiên cứu vừa hoàn thành cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ nhi khoa. Cô chia sẻ: “Cứ hết giờ là mình phải di chuyển khắp, đi từ Bình Dương tới Bình Chánh để theo dõi các cặp bà mẹ và em bé trong nghiên cứu. Mình luôn tuân thủ nguyên tắc sàng lọc an toàn khi thực hiện những chuyến “homevisit”. Dịch COVID-19 -19 bùng ra, mình cũng có phần hoang mang, nhưng sự thật là trẻ sơ sinh không thể cách ly khỏi mẹ”. 

Linh quả quyết: “Người ta đưa một em bé đi cách ly cũng phải đưa mẹ theo. Mẹ với con bao giờ cũng là một, là sự sống nối dài. Càng trong những thời khắc khó khăn như dịch bệnh, sự kết nối mẹ - con càng cần thiết. Mọi thứ có thể rời rạc nhưng chỉ cần đứa trẻ có mẹ trong đời thì đã được an ủi nhiều lắm”.

Có những bà mẹ vì đau khổ chuyện này chuyện kia mà quên mất chuyện gần con. Và bác sĩ Linh sẽ hướng dẫn người mẹ cách để được… gần bé, hiểu bé, hơn cả một phương pháp massage thông thường (liệu pháp can thiệp chính trong nghiên cứu của Linh). 

Massage là một phương pháp khoa học, ẩn sau đó còn là phương thức kích hoạt bản năng làm mẹ. Càng đi, càng tiếp xúc, càng quan sát những người mẹ, Linh càng thấu hiểu nỗi khổ của những người phụ nữ.

Trong một tình thế “bị động” như COVID-19-19, khi mỗi gia đình bị áp lực về tiền bạc, công việc thì chính những người mẹ ở nhà chăm con là những người… khổ sở nhất. Lo lắng về tiền bạc, nỗi mơ hồ dịch bệnh ám ảnh và cả sự rời rạc trong các mối quan hệ với gia đình khi ai cũng phải tìm mọi cách để sống trong thời buổi dịch giã.

Từ những khu trọ tồi tàn đến nhà giàu bậc nhất TP.HCM, bác sĩ Linh đều đã ghé để hướng dẫn cho các mẹ… cách làm mẹ.

Có người đã là mẹ của hai đứa trẻ, nhưng vẫn loay hoay không kích hoạt được bản năng làm mẹ trong mình. Mỗi khi con khóc, mẹ không biết dỗ, khi con bị người khác đánh, mẹ cũng không biết làm thế nào. Chuỗi ngày làm mẹ của bao người đã vì nguyên nhân như trầm cảm, thiếu thốn vật chất, mâu thuẫn gia đình mà trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh. Mẹ phải hạnh phúc, mẹ phải được trao truyền sự hạnh phúc cho con lúc đó con mới có thể là đứa trẻ hạnh phúc. 

Bác sĩ Linh cùng cha mẹ và các bé sau một buổi học về cách tương tác với con trẻ
Bác sĩ Phương Linh cùng cha mẹ và các bé sau một buổi học về cách tương tác với con trẻ

Nghiên cứu về massage của bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh đã tìm ra mối tương tác giữa mẹ và con. Từ bàn tay massage nhẹ nhàng của mẹ, tiếng nói của mẹ, giao tiếp ánh mắt giữa con và mẹ, đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Thông qua những cử chỉ nhẹ nhàng ấy, các mẹ cũng học được cách kiên trì với con, học được cách làm chủ hơi thở của mình. 

“Không có gì rắc rối bằng làm mẹ nhưng cũng không có gì giản đơn hơn thế! Đấy là thông điệp mà tôi thay những bệnh nhi chưa biết nói gửi đến các bà mẹ!”, bác sĩ Linh cười. 

Hà Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI