Ân tình ngọt ngào

28/10/2021 - 19:30

PNO - Cùng nhau ngoảnh nhìn những nhọc nhằn, khốn khó đã từng, để biết ơn chén cháo trắng ăn với đường đã cưu mang ta trong cơn thốn thiếu...

“Bà ngoại chèo, má ngồi mũi. Mấy thùng đường nặng trịch nhấn chiếc xuồng ngấp nghé mặt nước. Có đêm đạn nã bất thình lình trên sông, hai mẹ con đâm xuồng vô bụi bần ngồi nín thở. Coi vậy chứ có mình thấy tụi nó thôi, tụi nó không hề thấy mình…”.

Ký ức của má về thời con gái phần nhiều xoay quanh cuộc mưu sinh tảo tần, thậm chí “mất mạng như chơi” của nhà ngoại, gắn với cây mía, cân đường như thế. 

Khi tôi lớn lên, cũng trên quê hương Đồng Khởi ấy, chiến tranh không còn, nhưng sợi dây gắn bó giữa người với mía rõ ràng vẫn nguyên vẹn. Nặng tình với mía nên người nhà quê thường dành riêng cho mía một khoảng ruộng vườn. 

Tháng năm ròng rã bồi mía, khỏa bùn, phèn của đất in hằn lên tay chân cha chú - điều được xem như lẽ thường tình. Trong cách sống, nếp nghĩ của bà con nơi đây, mía, đường vừa là thước đo giá trị vật chất, vừa là bạn đồng hành khắp nẻo nhân sinh.

Cô này chú kia vay mượn năm bảy thùng đường; con trai cưới vợ được ba má chia cho mấy bờ mía ra riêng; xong mùa mía sẽ sắm sửa cái này, cái nọ… từng là những câu nói nghe mãi hóa quen. 

Anh khách gật gù mua ký cam chua sau khi cô bán cam gợi ý cho vào ly cam vắt ít đường. Chút đường làm dịu vị cay, món ăn lỡ mặn, người đầu bếp cũng “sửa” bằng đường. Đường dung hòa mặn, đắng, chua, cay. Đường làm thỏa mãn lòng người, xua tan cơn đói. Xưa nay đâu ai phủ nhận vai trò của đường trong ẩm thực. 

Vậy còn trong mối quan hệ giữa người với người thì sao? Thì “đường” quan trọng nào có kém. Tôi có người dì bán buôn mau mắn, hôn nhân viên mãn.

Với bà con lối xóm, dì sống chan hòa, chẳng mất lòng ai. Bạn tôi gặp dì đã phải thốt lên rằng: “Ôi, sao dì thân thiện, ngọt ngào quá chừng”. Quả thật, dù là bằng hữu thâm tình hay quen biết xã giao, đối đãi nhau tử tế, ấm áp, chân tình, ngọt ngào… chẳng bao giờ thừa. 

Năm ngoái, về thăm lại xã An Hiệp, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bước đi trên con đường nhỏ một thời tuổi thơ ở đó, tôi cố tìm lại khung trời quen thuộc, nhưng tất cả chỉ còn trong ký ức xa xăm. Bãi mía thẳng tắp, dọc theo lối mòn ngày nào, nay là bờ dừa thấp trũng, rêu xanh phủ kín đất.

Ảnh : Trần Hà
Ảnh : Trần Hà

 

Chân tôi luống cuống men về hướng bờ sông, nơi từng có lò đường nhộn nhịp, là điểm gặp gỡ, bén duyên của bao cặp nhân tình. Giờ trước mắt tôi chỉ còn lại vỏn vẹn căn “nhà trống” nhỏ làm chỗ che mưa che nắng cho vài chảo đường đen trui trủi, tựa con rùa khổng lồ nằm lật ngược chõng chơ. 

Mía vốn dĩ là món quà hào phóng mà thiên nhiên ưu ái tặng vùng miệt vườn sông nước. Mía lớn lên đơn thuần nhờ nắng gió, nước mát và phù sa sẵn có. Nhưng đúng là mía chẳng thể nào thiếu bàn tay chăm sóc của người lao động cần cù. Trồng lớn cây mía kể ra cũng đã lắm công. Hành trình làm ra cân đường càng gian nan gấp bội. Đành rằng vất vả không ít, nhưng có được khoản thu cứng thu mềm, lo cho con cái ăn học, bà con cũng trông cậy cây mía. 

Rồi thời gian thấm thoát trôi, lớp trẻ nối tiếp nhau trưởng thành, bước ra thành phố lớn. Người ở lại thì ngày càng có tuổi. Số hộ trồng mía vắng dần. Nguyên liệu sản xuất đã thiếu trong khi giá đường nhập khẩu thấp, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ lên đường nội. Các lò đường rơi vào thế tự đóng cửa âu cũng là hệ lụy khó tránh… 

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

 

Tôi đứng lặng, bồi hồi, ngẩn ngơ giữa vô vàn luyến thương và hoài niệm như thế. Bất giác, nghe ai đó gọi mình kèm lời rổn rảng: “Xíu nữa theo chú qua bên bờ đốn vài cây mía mang theo. Mợ Tư bây trồng cho con cháu về có cái rôm rả, kể nhau nghe chuyện mía, chuyện người”. Cậu Tư Tráng, thế hệ sau cùng tiếp quản lò đường truyền thống gia đình, tay run run chỉ về khóm mía đang trổ cờ đằng xa. 

Dù không thổ lộ hết, nhưng tôi phần nào hiểu tâm tư cậu mợ. Cũng như má và những ai đã một thời gắn bó với mía, nhớ về những tháng ngày mưu sinh lam lũ không phải để kể công hay than thân trách phận.

Nhắc là để cùng nhau ngoảnh lại những nhọc nhằn, khốn khó đã từng; để biết ơn chén cháo trắng ăn với đường đã cưu mang ta trong cơn thốn thiếu, để khắc ghi tình người ấm nồng chốn quê nhà… 

“Tết gởi bịch đường/ Cho tình cảm tự nhiên/ Cho tấm lòng tinh khiết”, lời nhắn nhủ tôi vô tình lướt qua, như có ai đó bộc bạch hộ lòng tôi, nơi luôn mang nặng ân tình đường - mía. 

Thu Hằng

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh