Ai giật dây cuộc chiến Armenia - Azerbaijan?

04/04/2016 - 06:48

PNO - Nga đã điện đàm, dàn xếp ngừng bắn Armenia - Azerbaijan, kêu gọi giải quyết bằng hòa bình. Tuy nhiên, xung đột 2 nước rất khó dừng lại.

Giao chiến bất ngờ Armenia - Azerbaijan đều tổn hại

Theo nguồn tin từ CNN, chính quyền Mỹ và Nga bày tỏ lo ngại về giao tranh bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực đang có tranh chấp ở vùng Nagorno-Karabakh ngày 2/4, khiến 30 binh sĩ ở cả hai bên thiệt mạng.

Trong đợt giao tranh này, hãng thông tấn Azertac của Azerbaijan cũng cho biết, một trực thăng Mi-24 đã bị đối phương bắn rơi khi nó đang không kích các căn cứ quân sự của Armenia, khiến "12 binh sĩ hy sinh".

Ai giat day cuoc chien Armenia - Azerbaijan?
Bản đồ khu vực xảy ra giao chiến.

Cũng theo Azertac, quân đội nước này đã phá hủy 6 xe tăng và 15 xe pháo của Armenia, gây thương vong cho hàng chục binh sĩ và tiêu diệt hơn 100 lính của đối thủ.

Phản ứng trước con số Armenia đưa ra, hãng tin Armenpress dẫn lời Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan đưa ra con số thương vong thấp hơn nhiều. "18 lính thiệt mạng và 35 người bị thương do những hành động tấn công khiêu khích của quân đội Azerbaijan", Tổng thống Sargsyan nói.

Tuy nhiên, cả hai bên đã đổ lỗi cho nhau về cuộc giao tranh này. Phía Armenia khẳng định là lực lượng Azerbaijan đã mở cuộc tấn công ồ ạt ở biên giới Nagorno-Karabakh, huy động xe tăng, đại pháo và phi cơ trực thăng. Nhưng phía Azerbaidjan đã bác bỏ thông tin nói trên khẳng định chỉ đáp trả một cuộc tấn công từ phía Armenia.

Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất đã xảy ra kể khi cuộc chiến tranh toàn diện khu vực này từ cách đây 22 năm. Kể từ đó, vùng miền núi Nagorno-Karabakh, một phần của Azerbaijan, chịu sự kiểm soát của lực lượng địa phương Armenia và quân đội Armenia.

Phía Armenia cũng chiếm một số khu vực bên ngoài Nagorno-Karabakh. Hai bên ngăn cách bởi một vùng đệm phi quân sự nhưng những vụ giao tranh nhỏ thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Nga dàn xếp ngừng bắn hai bên

Đóng vai trò ảnh hưởng trong cuộc xung đột này, Nga được coi là hậu thuẫn không chính thức cho Armenia trong các cuộc chiến trước đây và hiện nay Moscow cũng có quan hệ rất thân thiết với Yerevan.

Trong vòng mấy năm qua, mặc dù Liên minh châu Âu ra sức chèo kéo nhưng Armenia đã cương quyết từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU và đã trở thành thành viên của Liên minh Thuế quan và Liên minh kinh tế Á-Âu do Moscow dẫn dắt.

Nước này cũng đã trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB), gồm 7 nước là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgystan, đồng thời chịu sự bảo vệ của phòng không Moscow, khi được tích hợp vào hệ thống phòng không chung Nga-Armenia.

Ai giat day cuoc chien Armenia - Azerbaijan?
Xe tăng quân đội Azerbaijan trên đường đến Nagorno-Karabakh.

Bởi vậy, ngay khi cuộc giao tranh bùng phát trên tuyến “biên giới” giáp ranh với Nagorno-Karabakh vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột hãy mau chóng ngừng bắn và thể hiện sự kiềm chế.

Thư ký báo chí của nguyên thủ Nga, ông Dmitry Peskov, dẫn lời nhà lãnh đạo Nga cho biết, thời gian gần đây, kênh liên lạc ba bên (Nga, Armenia, Azerbaijan) và kênh quốc tế (Nhóm Minsk của OSCE về Nagorno-Karabakh gồm các đại diện Nga, Pháp và Hoa Kỳ), đã thực hiện hàng loạt nỗ lực to lớn, mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc rằng xung đột lại tiếp tục bùng phát mà không có dấu hiệu nào báo trước, đẩy nhân dân Nagorno-Karabakh vào lò lửa chiến tranh, với sự tham gia của 2 quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan - ông Peskov nhận định.

Thể hiện trách nhiệm trước cuộc giao tranh này, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan về những diễn biến mới này, kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực tại Nagorno-Karabakh.

Nhận định về cuộc giao tranh không báo trước này, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Sergei Zheleznyak cho rằng, "thế lực thứ ba" đứng đằng sau những diễn biến ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Hãng thông tấn TASS dẫn lại bài viết đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook, ông Sergei Zheleznyak nói: "Rõ ràng thế lực đó tiếp tục thổi ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Caucasus. Thế lực ấy không hài lòng với sự thành công trong quá trình gìn giữ hòa bình và chống khủng bố của Nga và các đồng minh của chúng tôi ở Syria nên đã quan tâm tới việc làm gia tăng sự tức giận trong cuộc xung đột kéo dài đã lâu ở khu vực Nagorny Karabakh".

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cũng cho rằng, "cả Azerbaijan lẫn Armenia không cần gia tăng sự tức giận vào lúc này". Ông Sergei Zheleznyak nhấn mạnh rằng có khả năng sự khiêu khích này được tổ chức bởi bên thứ ba.

Trước việc có thể lực thứ 3 đứng sau cuộc xung đột, cùng với tranh chấp về vùng đất biên giới vẫn âm ỉ trong 22 năm qua thì xung đột giữa 2 nước này khó có thể dừng được.

Khánh Ly (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI