Ai bảo con nhà giàu là sướng?

07/09/2020 - 09:02

PNO - Nước mắt con nhà giàu thường chảy ra trong ba tình huống sau đây, bạn thử cùng để ý với tôi xem có đúng không nhé.

 1. Bị chiều chuộng quá mức 

Ở tình trạng này, bố mẹ giàu thường dành quá nhiều thời gian vào kinh doanh nên nghĩ, chỉ cần “ném một cục tiền lớn” cho con là bù đắp được việc mình ít dành thời gian bên con, dạy dỗ con.

Họ sẵn sàng thuê gia sư giỏi, người quản gia, giúp việc, chọn trường học đắt tiền, giáo viên danh tiếng, sắm cho con điện thoại, quần áo, xe cộ xa xỉ… Con đòi hỏi gì, họ cũng sẵn sàng đáp ứng. Và đứa trẻ bản năng vốn tinh ranh, sẵn tính lười biếng, sẽ không bỏ qua thời cơ để ăn chơi bạt mạng. 

Khi quá chú trọng đến vật chất, thì tinh thần nghèo đi. Đứa trẻ trong hoàn cảnh được cưng chiều và luôn dễ dàng đạt được mọi thứ nó muốn, trở nên vô dụng với chính nó trước tiên, sau là vô dụng đối với gia đình và xã hội.

Bản thân đứa trẻ, trong lúc ăn chơi thả cửa, cảm giác được thỏa mãn ngay lúc đó, nhưng sau cuộc vui, nó lại rơi vào khủng hoảng tinh thần, lại muốn một cuộc chơi hoành tráng hơn để phủ lấp sự trống rỗng trong chính mình.

Càng ăn chơi, càng muốn thể hiện đẳng cấp, thì đứa trẻ con nhà giàu đó càng đau khổ từ sâu thẳm bên trong. Bởi nó đang tự bỏ xa bản thể, mà đuổi theo nhu cầu bất tận, tham lam vô độ. Tiền và điều kiện thỏa mãn dễ dãi những đòi hỏi vật chất trở thành phương tiện hủy hoại đứa con vàng con bạc của bố mẹ giàu.

Khi chú trọng vật chất thì người ta sẽ nới lỏng tinh thần. Ảnh minh họa
Khi chú trọng vật chất thì cha mẹ thường sẽ nới lỏng tinh thần. Ảnh minh họa

2. Bị áp lực quá lớn 

Có những bậc bố mẹ giàu, quá tự hào với thành công của mình, lại khắc nghiệt với con cái, cho rằng con phải học hành, phải phấn đấu làm sao để xứng với danh tiếng của mình. Họ có thể bỏ rất nhiều tiền để con du học, thuê mướn những chuyên gia huấn luyện con cái họ thành… siêu nhân. Con phải tài như bố mẹ hoặc hơn.

Họ tạo sức ép lên đứa trẻ, và vì ham muốn danh tiếng đó, họ kìm kẹp con mình, sống thay con, chọn quần áo con mặc, chọn bạn con chơi, chọn nghề con học…

Bố mẹ giàu căn ke đến cả cách con bước đi, cách con ăn nói, cách con sử dụng từng phút thời gian. Đứa con nghẹt thở trong sự điều khiển, kìm kẹp, uốn nắn quá mức của bố mẹ giàu. 

M.A., một con nhà giàu thuộc loại này, đã từng nuôi ý định tự vẫn, bởi em luôn sợ hãi mỗi khi bị điểm kém, luôn cảm giác nơm nớp có bố mẹ theo dõi từng bước đi, thấy mình làm cái gì cũng sai, sự căng thẳng quá mức trong thời gian dài khiến M.A. bị trầm cảm khi bước vào tuổi dậy thì.

Cách xả stress kỳ cục của em là chạy vào toilet, cắm đầu vào xí bệt và xả nước. Cuộc sống thực sự là địa ngục đối với M.A. 

3. Bố mẹ giàu ngầm 

Những bố mẹ giàu có này giấu tài sản cực kỹ. Họ không cho con cái biết mình có những gì, tài sản của mình ở đâu. Tuy giấu như vậy, nhưng khi đứa con dần lớn lên, hiểu biết hơn, nó cũng đoán ra khối tài sản âm thầm ở đâu đó. Bởi, những hoạt động làm ăn của bố mẹ diễn ra hằng ngày, đứa con không thể không nhận ra.

Bố mẹ giàu có những nỗi sợ, nỗi lo riêng đằng sau khối tài sản chìm khổng lồ của mình. Đứa con sẽ luôn nghi ngờ, luôn thấy bất an và bất minh về sự khập khiễng giữa tiềm năng tài chính ẩn khổng lồ và lối sống thực của bố mẹ.

Tuy không hề nhận ra, nhưng hình thành tự nhiên trong con lối sống hai mặt, phòng thủ quá mức, tâm thức và hành vi bất nhất, luôn bị phân mảnh và không thể nào đạt tới sự trọn vẹn hạnh phúc. 

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI