2015 - năm của vấn đề người tị nạn

28/12/2015 - 11:03

PNO - Trong năm 2015, số người vượt biển Địa Trung Hải tìm đến châu Âu là khoảng một triệu người, gấp bốn lần so với năm 2014.

2015 là năm của vấn đề tị nạn. Những dòng chữ như "khủng hoảng dân tị nạn", "dòng người tị nạn"... xuất hiện tràn ngập các danh sách bình chọn những sự kiện quan trọng nhất thế giới trong năm. Không còn gói gọn trong phạm vi vài quốc gia, người tị nạn đã trở thành vấn đề toàn cầu, cả thế giới phải trăn trở.

Nguyên do khủng hoảng là từ bất ổn chính trị-xã hội, là đói khổ và cuộc sống không còn hy vọng. Bên cạnh đó là sự điên cuồng, tàn ác ngoài sức tưởng tượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã đẩy người dân Trung Đông đến bước đường cùng. Người vô tội buộc chọn lựa giữa việc tiếp tục chịu sự giày vò tại quê nhà hay đánh cuộc với sinh mạng mình, đi tìm miền đất hứa.

2015 - nam cua van de nguoi ti nan
Những đứa trẻ ngây thơ xếp hàng chờ rời khỏi Syria - Ảnh: REUTERS

Trong năm 2015, số người vượt biển Địa Trung Hải tìm đến châu Âu là khoảng một triệu người, gấp bốn lần so với năm 2014. Con số tăng đột biến này cho thấy cuộc khủng hoảng người tị nạn đã lên đến đỉnh điểm. Gần 3.700 người đã bỏ mạng giữa biển khơi.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Nếu không bỏ trốn, họ khó tránh khỏi cảnh bị buộc làm nô lệ tình dục, bị đổi chác như món hàng, buộc phải đứng vào hàng ngũ khủng bố.

Fatima (người Libya) là một trong những bà mẹ đã quyết định cùng gia đình đào thoát. Khi con trai Ibrahim mới hai tháng tuổi, vét những đồng bạc cuối cùng, vợ chồng Fatima tìm được “vé” lên thuyền đến Italy. Fatima kể: “450 con người lúc nhúc trên thuyền, chỉ còn biết cầu nguyện. Tôi ôm chặt các con, vỗ về chúng mà lòng rối bời. Tương lai các con là động lực khiến tôi mạo hiểm. Giữa sự sống và cái chết, chúng tôi chỉ có một ước mơ giống nhau, là mong tìm được một chỗ có thể bấu víu”.

Ba tháng sống tạm ở trung tâm dành cho người tị nạn, con gái tám tuổi của Fatima vẫn chưa quên cảnh bị đe dọa. Cô bé hỏi Fatima: “Mẹ ơi, họ còn xuất hiện nữa không? Chúng ta có phải bỏ đi nữa không?”.

 Abdul Haleem al-Kader, ông bố Syria gốc Palestine có lẽ là một người tị nạn may mắn. Tình cờ, nhà vận động từ thiện người Na Uy Gissur Simonarson gặp và chụp lại tấm ảnh anh cõng con gái bốn tuổi ngủ say trên vai, lang thang trên đường phố Li-băng bán từng cây bút bi kiếm tiền nuôi ba con. Tấm ảnh được Simonarson chia sẻ trên twitter đã được nhiều người đồng cảm và đóng góp cho anh đến hàng chục ngàn USD.

Giữa lúc mọi người đang tranh cãi thiệt hơn với nhau về “gánh nặng” người tị nạn đối với các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ thì hình ảnh thi thể cậu bé ba tuổi người Syria Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ trên đường vượt biển xuất hiện, như một mũi khoan xoáy vào lương tri loài người, khiến mọi toan tính, so đo phải nhường chỗ cho sự san sẻ.

Hành trình tìm kiếm tương lai của Aylan Kurdi tuy phải dừng lại vĩnh viễn, nhưng đã mở ra con đường sống cho hàng ngàn bé thơ khác. Tận cùng nỗi đau, người ta đã học được cách sẻ chia. Tuyên bố mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đó như một liều thuốc tinh thần cực mạnh. Với quyết định lịch sử này, bà Merkel đã được ghi nhận là Nhân vật của năm, theo bình chọn từ tạp chí TIME

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách gỡ nút thắt khủng hoảng người tị nạn thì bóng ma khủng bố vẫn không ngừng thử thách niềm tin con người. Nước Pháp lại phải chứng kiến cơn ác mộng thảm sát. 129 người nằm xuống, buộc không ít người phải phân vân về việc nên hay không tiếp tục mở cửa đón ngườ tị nạn. Niềm tin vào sự tử tế một lần nữa bị đe dọa khi các nhóm Hồi giáo cực đoan lấy máu để uy hiếp thế giới.

Bất chấp tất cả, vòng tay thiện tâm vẫn tiếp tục mở rộng với người tị nạn. Tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ra tận sân bay Toronto đón hàng trăm gia đình Syria vào những ngày cuối năm. Canada cam kết trong năm 2016 sẽ ổn định chỗ ở cho 25.000 người tị nạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI