Xây dựng hoạt động văn hóa “thương hiệu” cho TP.HCM: Kỳ vọng khởi sắc thời hậu COVID-19

29/01/2022 - 06:28

PNO - Vì dịch bệnh, nhiều hoạt động mang tính thương hiệu tại TP.HCM buộc phải thay đổi quy mô, tính chất, hay thậm chí dời tổ chức. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, nhiều hoạt động văn hóa trở lại, hứa hẹn tạo sự khởi sắc.

Trầm tích văn hoá và hơi thở hiện đại 

Nếu giờ đây có dịp đi ngang đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM), đoạn chung cư 1A - 1B và villa 48, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên vì những mảng tường cũ sờn trước đó giờ đã được phủ lên những bức tranh đẹp mắt, sinh động. Đây là sản phẩm của nhóm năm họa sĩ đại diện cho cộng đồng graffiti tại Việt Nam thực hiện trong sự kiện Saigon Urban Arts 2021 (viết tắt: SUA 2021) do Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM phối hợp cùng với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia tổ chức.

Những bức tranh tường vừa hoàn thiện này sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động trong tháng 3 - 4/2022 nhằm đưa nghệ thuật đường phố, cụ thể hơn là graffiti đến gần hơn với cộng đồng, từ đó tạo ra sân chơi quen thuộc, và lâu dần hình thành nên nét văn hóa mới trong đời sống của người dân thành phố, giúp tạo nên thương hiệu cho một thành phố hiện đại, nơi giao thoa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM năm 2019 là sự kiện tạo được ấn tượng lớn trong năm
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM năm 2019 là sự kiện tạo được ấn tượng lớn trong năm

“Những đứa trẻ trong khu chung cư này khi lớn lên sẽ mang theo ký ức hình ảnh về những mảng tường mà trên đó chúng tôi vẽ hoa, lá, mặt trời và truyền đi thông điệp hòa bình. Chúng tôi và sự kiện mong muốn tạo ra những giá trị tích cực cho graffiti - bộ môn nghệ thuật đường phố bấy lâu bị cho là phá phách, bôi bẩn - được nhìn nhận đúng đắn hơn”, nghệ sĩ graffiti Daos501 nói.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, nghệ thuật đường phố tại TP.HCM có những khởi sắc nhất định. Thời điểm cách đây hơn hai năm, vào dịp cuối tuần, người dân thành phố đến đường đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) để thưởng thức âm nhạc, xem xiếc, xem múa và các loại hình nghệ thuật đường phố. Về sau, vì dịch bệnh, các hoạt động tạm dừng và đang chờ đợi được “hồi sinh” trong thời gian tới.

Hôm qua (27/1 nhằm 25 âm lịch), chợ hoa xuân “Trên bến, dưới thuyền” tại bến Bình Đông, Q.8 đã được khai mạc. Sau một năm nhiều biến động vì dịch bệnh, không khí tại chợ hoa xuân năm nay có phần trầm lắng, yên ắng hơn mọi năm. Điều này đã được dự tính bởi sau cao điểm dịch, các thương lái từ miền Tây e dè hơn trong từng chuyến ghe hàng. Họ lường trước sức mua từ người dân thành phố năm nay sẽ không cao bằng năm trước. Dù trầm lắng hơn, nhưng những điểm đặc sắc của chợ hoa xuân “Trên bến, dưới thuyền” vẫn được duy trì, trong đó, hoạt động đờn ca tài tử trên sông - điểm nhấn của sự kiện tiếp tục được tô đậm.

Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho biết: “Chợ hoa xuân “Trên bến, dưới thuyền” tại bến Bình Đông là hoạt động mang tính văn hóa của thành phố. Hoạt động đã được HĐND TP.HCM đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên của thành phố dịp tết đến, xuân về. Đây là năm thứ hai tổ chức, sự kiện được nâng tầm hơn, nhưng có phần phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

Kỳ vọng phục hồi 

Tại hội nghị tổng kết công tác ngành văn hóa và thể thao 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, ông Võ Trọng Nam nêu lại nhiều điểm đáng tiếc trong bức tranh văn hóa 2021. Ở bức tranh ấy, dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ, thay đổi quy mô, tính chất. Những sự kiện phải tạm gác vì khó khăn do ngoại cảnh tác động đó được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2022.

Nghệ sĩ Daos501 vẽ graffiti tại địa điểm trên đường Nguyễn Đình Chiểu
Nghệ sĩ Daos501 vẽ graffiti tại địa điểm trên đường Nguyễn Đình Chiểu

Trong nhóm hoạt động sẽ diễn ra, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM được đặc biệt chú ý, vì sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2019, sự kiện này nhận được nhiều phản hồi tích cực, thu hút sự quan tâm của người dân thành phố. Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất mang tên Hò dô kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với hiện đại. Sự kiện giới thiệu nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ có thực lực của Việt Nam, đồng thời đưa nhiều nghệ sĩ quốc tế về TP.HCM trình diễn, tạo được không gian âm nhạc chất lượng.

Ngoài hoạt động biểu diễn, các buổi hội thảo, tọa đàm về công nghiệp âm nhạc và các vấn đề liên quan cũng nhận được sự quan tâm. Năm nay, với sự trở lại đầy hứa hẹn, công chúng đang kỳ vọng sẽ được tham gia một chương trình nghệ thuật đặc sắc, dù còn non trẻ nhưng đã tạo nên thương hiệu cho thành phố.

Ngoài Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM, các sự kiện như Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm Giai điệu mùa thu; Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương giải thưởng Trần Hữu Trang; các hoạt động nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với đời sống người dân, khách du lịch cũng được đưa vào kế hoạch.

Việc đặt kỳ vọng về chất lượng các chương trình văn hóa - nghệ thuật nhằm tạo thương hiệu cho thành phố là có cơ sở, bởi TP.HCM hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến vừa mang trong mình những trầm tích văn hóa vốn có, vừa hiện đại, mới mẻ, nhưng bấy lâu chúng ta chưa có nhiều hoạt động dài hơi đủ hấp dẫn để giữ chân khách du lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã lưu ý với Sở Văn hóa và Thể thao rằng “nói được” thì “làm được”. Nghĩa là những kế hoạch đẹp đẽ không chỉ tồn tại trên trang giấy hay lời nói, mà sắp tới phải được sở kết hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhanh, mạnh, hiệu quả.

Dịch bệnh trong hai năm qua gây ra nhiều tổn thất, ảnh hưởng mọi mặt đời sống, nhưng giờ đây, khi dịch từng bước được kiểm soát, hoạt động nghệ thuật của thành phố cần nhanh chóng được hồi sinh, bắt nhịp với tốc độ phục hồi của kinh tế. Đặc biệt, khi hoạt động du lịch được mở cửa mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, “cái bắt tay” giữa Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch trong các chương trình nghệ thuật là cần thiết, để đưa các chương trình tiệm cận hơn với người dân thành phố, phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI